Portfolio là gì? 4 bước tạo ra một Portfolio ấn tượng và chuyên nghiệp
Portfolio có thể được hiểu là bộ hồ sơ gồm những thông tin về tài nguyên hoặc dự án thể hiện năng lực của một cá nhân hoặc một tổ chức, doanh nghiệp. Thông thường, những bạn làm trong lĩnh vực sáng tạo (sáng tạo nội dung, thiết kế, quay dựng video, biên kịch,…) thường sử dụng portfolio trong quá trình ứng tuyển để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hay các doanh nghiệp sử dụng chúng để thể hiện các thành tựu/ khả năng của đội ngũ nhân sự với đối tác/khách hàng. Vậy Portfolio là gì? Trong bài viết hôm nay, VTC Academy Plus sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về Portfolio là gì và làm thế nào để có trong tay bộ hồ sơ năng lực chuyên nghiệp nhé.
Portfolio là gì?
Portfolio (danh mục đầu tư) đại diện cho những tài sản (học vấn, dự án, thành tích…) mà bạn sở hữu. Thuật ngữ này bắt nguồn từ một từ tiếng Ý “Portafoglio” có nghĩa là một chiếc hộp được thiết kế để mang theo các giấy tờ rời. Chẳng hạn như công ty về bất động sản thì sẽ sở hữu danh mục đầu tư các dự án về nhà ở, khu đất tiềm năng hay đối với một cá nhân thì portfolio sẽ thể hiện những dự án, sản phẩm tốt nhất mà cá nhân đó đã thực hiện. Trong khi CV hay Résume có mục đích làm nổi bật thành tích hay thành tựu của thì portfolio lại tập trung vào kinh nghiệm làm nghề của bạn.
Đối với các cá nhân thì portfolio được xem như là một bộ hồ sơ năng lực thể hiện những tài năng và kỹ năng chuyên môn của cá nhân đó đối với nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn. Portfolio được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như tài chính, đầu tư, truyền thông và là một phần không thể thiếu đối với những ai theo lĩnh vực nghệ thuật (thiết kế, đồ họa, nhiếp ảnh, marketing, content writer,….) Bên cạnh đó, portfolio còn là công cụ giúp bạn xây dựng hình ảnh cá nhân hiệu quả, thể hiện được tính cách và sự độc đáo của chủ sở hữu.
Không chỉ cá nhân mà portfolio còn được sử dụng cho cả doanh nghiệp. Nếu như cá nhân sử dụng portfolio để ứng tuyển vào những vị trí mong muốn thì doanh nghiệp sử dụng chúng để xây dựng thương hiệu, tạo ấn tượng trong mắt khách hàng và đối tác. Dù là phục vụ cho mục đích gì thì portfolio cũng cần được đầu tư chỉnh chu, trau chuốt tỉ mỉ và thu hút được người xem.
Nếu như đã hiểu về portfolio là gì, chắc hẳn bạn cũng sẽ thắc mắc làm sao để tạo portfolio chuyên nghiệp đúng không nào? Hãy cùng tìm hiểu ở các phần tiếp theo nhé.
Các dạng Portfolio phổ biến
Một Portfolio chuyên nghiệp sẽ thể hiện được tính cách cũng như sự “chất riêng” của một người làm sáng tạo, chính vì vậy bạn cần đầu tư và thường xuyên điều chỉnh nó để đem lại bộ hồ sơ năng lực hoàn chỉnh nhất.
Xét theo đối tượng thì có thể chia portfolio làm 2 loại cơ bản như sau
- Portfolio cá nhân (hồ sơ năng lực): thể hiện các dự án, sản phẩm, thành tích của cá nhân. Đồng thời giúp xây dựng hình ảnh cá nhân tốt nhất.
- Portfolio doanh nghiệp (danh mục đầu tư): thể hiện các sản phẩm, dự án của công ty đối với các đối tác hoặc khách hàng. Có thể đi kèm với các dự án thực tế mà công ty đã thực hiện thành công.
Sự khác biệt giữa CV và Portfolio
Nhiều bạn sẽ thắc mắc: Portfolio và CV có phải là một hay không? Nếu không thì chúng khác nhau như thế nào? Khi nào thì nên dùng Portfolio? Khi nào thì sử dụng CV?
CV và Portfolio đều là hai bộ hồ sơ cung cấp thông tin cá nhân quan trọng trong quá trình ứng tuyển vào doanh nghiệp, tuy nhiên chúng lại có sự khác biệt về chức năng. Đối với các nhóm ngành về thiết kế, marketing, freelancer, nhiếp ảnh,… sẽ cần gửi thêm portfolio để nhà tuyển dụng có thể đánh giá được kỹ năng và năng lực của cá nhân ứng tuyển. Một số sự khác biệt giữa CV và portfolio như sau:
Các tiêu chí | CV | Portfolio |
Vị trí ứng tuyển | Hầu hết khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp đều bắt buộc ứng viên phải nộp CV | Gửi kèm cùng CV đối với một số công việc đặc thù như thiết kế, quảng cáo, marketing,…để nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá năng lực |
Nội dung | Thể hiện thông tin cá nhân, học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, chứng chỉ (nếu có), thành tích,… | Thể hiện những sản phẩm, ấn phẩm tiêu biểu của bản thân |
Hình thức | Thông tin trình bày ngắn gọn, độ dài tối đa 1-2 trang | Đa dạng hình thức trình bày: in ấn, file PDF, website |
Bảng so sánh sự khác nhau giữa CV và Portfolio
Làm thế nào để có trong tay portfolio chuyên nghiệp?
Chỉ liệt kê những thông tin cần thiết
Bạn cần chọn lọc kỹ những nội dung để đưa vào portfolio của mình, tránh đưa quá nhiều thông tin gây rối cho người xem. Nên đưa vào portfolio những dự án, sản phẩm thế mạnh của bản thân để nhà tuyển dụng thấy rõ được những kỹ năng của bạn. Không nên đưa vào những dự án mà bạn thấy không tự tin, có thể gây ra bất lợi cho bạn trong quá trình phỏng vấn. Nắm bắt được những điều này sẽ giúp portfolio của bạn trở nên hoàn thiện và chỉnh chu hơn.
Tối ưu nội dung, chọn lọc hình ảnh
Bên cạnh việc chọn lọc những thông tin thì hình thức của portfolio cũng rất quan trọng. Portfolio không theo một khuôn mẫu nhất định và bạn có thể thoải mái sáng tạo cho bộ hồ sơ năng lực của mình, đính kèm những hình ảnh, hiệu ứng, video liên quan để làm nổi bật dự án của mình. Bên cạnh đó, thay vì ghi dài dòng những thông tin về sản phẩm, bạn có thể sử dụng những từ khóa chính, các hashtag hoặc những cụm từ ngắn gọn để miêu tả về sản phẩm đó. Sắp xếp hài hòa giữa nội dung và hình ảnh sẽ giúp cho portfolio của bạn trở nên “sang, xịn, mịn” và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Hình thức trình bày độc đáo
Hiện nay, có nhiều cách để bạn lựa chọn thiết kế portfolio của mình như dạng PDF, file cứng truyền thống, dạng bản trình chiếu hoặc là website. Các nền tảng thiết kế cho phép người dùng tạo hồ sơ và tải lên các hình ảnh để thiết kế hồ sơ năng lực theo ý thích của mình, hình thức này đang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích và ủng hộ.
Thay vì trình bày theo khuôn mẫu như kiểu truyền thống, bạn có thể trình bày theo kiểu gian phòng trưng bày các sản phẩm, dạng video thể hiện các dự án,….tùy vào nhu cầu và sở thích của bạn. Chẳng hạn như bạn muốn thiết kế portfolio theo phong cách gian phòng trưng bày (gallery) thì các nền tảng thiết kế website như Behance hoặc Adobe Portfolio sẽ là lựa chọn hợp lý dành cho bạn. Hãy lên ý tưởng và lựa chọn hình thức xây dựng portfolio phù hợp nhất.
Từ khóa chính cho Portfolio
Hãy nghĩ về portfolio của bạn như cách kể một câu chuyện và mỗi câu chuyện đều có ý nghĩa và từ khóa riêng. Xác định ý tưởng và phong cách của portfolio ngay từ ban đầu để có thể dễ dàng triển khai ý tưởng của mình, tránh bị lan man và không theo một trật tự nhất định. Chính vì vậy, bạn nên tạo cho portfolio một từ khóa hoặc chủ đề chính để “kể” về những dự án của mình. Bên cạnh đó, phần diễn giải cho dự án bạn nên liệt kê ngắn gọn và đi thẳng vào chủ đề, tránh dẫn quá nhiều thông tin gây lan man cho người xem, nếu các nhà tuyển dụng cảm thấy bạn phù hợp, họ sẽ tự chủ động liên hệ để tìm hiểu rõ hơn về bạn.
Đầy đủ thông tin về các dự án
Ngắn gọn nhưng đầy đủ sẽ là những gì bạn cần chú ý ở phần này. Bạn không cần đưa quá nhiều dự án vào portfolio mà hãy chỉ đưa những gì bạn thật sự tự tin thể hiện được kỹ năng của mình. Nếu như bạn là người mới với số lượng dự án ít ỏi, đừng lo lắng, chỉ cần thể hiện được “chất riêng” cho portfolio của mình bằng cách thiết kế một vài hình ảnh hoặc landing page đơn giản, hay là các bài blog chia sẻ suy nghĩ của mình về một chủ đề nào đó,…. Một trang duy nhất với các dự án bạn thật sự tự hào vẫn hơn là nhiều trang giấy nhưng không có gì gây ấn tượng.
Thông tin về những dự án đưa vào portfolio bạn cũng chỉ nên chú thích ngắn gọn những thông tin quan trọng, bạn có thể dùng hashtag đại diện cho các nội dung chính để giúp cho portfolio bản thân trở nên thu hút hơn.
Các hình thức thể hiện portfolio ấn tượng?
Hiện nay, thời đại công nghệ số phát triển vượt trội, do đó bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức thể hiện portfolio khác nhau như in ấn file cứng, định dạng PDF hoặc là website trực tuyến. Đặc biệt hơn, các công cụ thiết kế ngày nay còn cung cấp sẵn các template để bạn có thể tham khảo và lựa chọn mẫu portfolio phù hợp với mình. Các hình thức thể hiện portfolio phổ biến hiện nay có thể kể đến như
In ấn
Đây được xem là hình thức cổ điển nhất, đòi hỏi bạn phải rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đúng khổ giấy, loại giấy và chất lượng in. Đồng thời bạn cũng cần sự chỉnh chu trong khâu thiết kế vì sự thiết kế chuyên nghiệp và hấp dẫn có thể dễ dàng thu hút nhà tuyển dụng hơn.
Hiện nay, để tiết kiệm thời gian, trước khi ứng tuyển thực tế ứng viên thường gửi portfolio qua email trước thì PDF là một hình thức không thiếu. Thông thường khi thiết kế xong portfolio của mình, bạn có thể lưu file dưới dạng PDF và dễ dàng gửi kèm chúng trong email ứng tuyển của mình. Gửi file ở dạng PDF sẽ giúp cho nội dung của bạn được cố định, khó chỉnh sửa, đồng thời chất lượng hình ảnh tốt và dung lượng file cũng nhẹ hơn rất nhiều.
Website
Dạng portfolio website này đang được rất nhiều giới trẻ cũng như những người trong lĩnh vực sáng tạo yêu thích, bởi vì sự tiện dụng, đẹp mắt và người dùng có thể thoải mái khám phá các chức năng của hình thức này, đem đến portfolio chuyên nghiệp nhất. Nếu như bạn muốn thử sức với hình thức này nhưng lại không biết nhiều về lập trình web, đừng lo lắng, hiện nay đã có sẵn rất nhiều nền tảng thiết kế website cho phép bạn tạo portfolio mà không mất nhiều thời gian như Behance, Adobe Portfolio,….
Xem thêm bài viết: Phân biệt Thiết kế web vs Lập trình web
Một số công cụ thiết kế portfolio chuyên nghiệp
Behance
Behance được xem “sân chơi” dành riêng cho các bạn yêu thích lĩnh vực sáng tạo, được xây dựng và phát triển bởi Adobe – một tập đoàn có trụ sở tại New York, Mỹ. Behance là công cụ tạo portfolio miễn phí có tích hợp với hệ thống lưu trữ Creative Cloud giúp người dùng sử dụng được cả những phần mềm khác thuộc Adobe như Photoshop, Illustrator,….
Với hàng triệu lượt người dùng, Behance được xem là một trong những website hướng dẫn tạo portfolio đang được ưa chuộng nhất hiện nay. Bạn có thể tự tạo portfolio cho riêng mình và đăng tải chúng lên Behance để có thể đem đến nguồn cảm hứng cho những người dùng khác. Đến với Behance, sự sáng tạo của bạn sẽ được phát huy tốt nhất. Behance sẽ là một trong những cách làm portfolio chuyên nghiệp nhất dành cho bạn.
Xem thêm bài viết: Tỷ lệ vàng trong thiết kế
Adobe Portfolio
Một sân chơi khác dành cho những ai yêu thích thiết kế cũng đến từ “nhà” Adobe chính là phần mềm Adobe Portfolio – phần mềm cho phép người dùng dễ dàng làm portfolio online chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như chụp ảnh, thiết kế, UI/UX design,…
Adobe Portfolio với giao diện thân thiện với người dùng giúp bạn dễ dàng tạo cho mình một website portfolio chuyên nghiệp chỉ trong vài phút. Nếu như bạn không giỏi về lập trình hay thiết kế, đừng lo lắng, Adobe Portfolio sẽ cung cấp cho bạn sẵn các template để bạn lựa chọn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lấy dữ liệu hình ảnh từ phần mềm khác của Adobe là Lightroom làm nguồn dữ liệu cho portfolio. Tuy nhiên bạn phải trả một khoản phí để có thể trải nghiệm những tính năng tuyệt vời của Adobe Portfolio.
Squarespace
Nếu bạn có nhu cầu tạo portfolio theo hình thức website thì Squarespace sẽ là một lựa chọn phù hợp dành cho bạn. Squarespace được thành lập vào năm 2003, là một website chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo trên mạng xã hội. Đến nay, đã có nhiều website được thiết kế dưới “bàn tay phù thủy” của đội ngũ Squarespace.
Một số tiện ích như Typekit, SEO,…của ứng dụng cũng sẽ giúp bạn thuận lợi hoàn thành tên miền và đường link cho website portfolio của mình. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng Squarespace để tạo website phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bạn chỉ được trải nghiệm website trong vòng 14 ngày và nếu muốn tiếp tục sử dụng, bạn cần phải chi ra một khoản phí nhất định. Nhưng đừng quá lo lắng, Squarespace cũng cung cấp rất nhiều gói dịch vụ ưu đãi cho người dùng.
Nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết nên bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo cách xây dựng website portfolio chuyên nghiệp thông qua video dưới đây để hiểu rõ hơn về những bước cơ bản tạo website portfolio.
Canva
Nếu như bạn muốn thiết kế một chiếc portfolio đơn giản theo hình thức kể chuyện hoặc video ngắn, bạn có thể tham khảo qua Canva. Hiện nay, Canva là một công cụ thiết kế và cho phép xuất bản trực tuyến đồng thời có thể trao quyền thiết kế cho mọi người và đăng tải bất cứ đâu. Canva được xem như một công cụ “giúp sức” cho nhiều người không chuyên về thiết kế như marketer hoặc content writer.
Với nhiều chức năng nổi bật Canva có thể giúp bạn tạo portfolio của mình theo nhiều hình thức khác nhau như video, bản trình chiếu, hình ảnh,…. Bên cạnh đó, Canva cũng cung cấp hàng ngàn template tùy theo nhu cầu của bạn. Và đặc biệt hơn hết, bạn được hoàn toàn sử dụng miễn phí các tính năng cơ bản của Canva. Tuy vẫn phải trả thêm một khoản phí để có thể khai thác toàn bộ chức năng của Canva, thế nhưng những tính năng cơ bản cũng đã giúp bạn xây dựng được một portfolio hoàn chỉnh cho mình.
Một số mẫu portfolio độc đáo truyền cảm hứng cho dân sáng tạo
Đây có lẽ là phần được nhiều bạn mong đợi nhất, những chiếc portfolio của những chuyên gia nổi tiếng chắc chắn sẽ đem đến nguồn cảm hứng sáng tạo cho bạn
Portfolio thanh lịch của Peter Saville
Peter Saville là một nhà thiết kế đồ họa và giám đốc nghệ thuật người Anh nổi tiếng. Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tân cổ điển và chủ nghĩa hậu hiện đại kiến trúc nên portfolio của ông bao gồm nhiều hình ảnh cổ điển từ năm 1978 đến 2016 và được mô tả là đem đến “sự thanh lịch không ngừng”.
Portfolio phong cách retro của Chip Kidd
Chip Kidd là một nhà thiết kế đồ họa người Mỹ nổi tiếng với các thiết kế bìa sách kinh điển của mình. Portfolio của Kidd bao gồm nhiều bìa sách được thiết kế theo phong cách cổ điển và lưu dưới định dạng dễ dàng truy cập. Kết hợp sáng tạo giữa các font chữ và hình ảnh gợi mở một cách hiện đại, portfolio của Kidd sẽ là nguồn cảm hứng tuyệt vời dành cho những bạn yêu thích phong cách retro cổ điển. Ghé website portfolio của Chip Kidd để tham khảo nhiều hơn những tác phẩm của ông https://chipkidd.com/home/portfolio
Portfolio đơn giản của Orhan Kuresevic
Bên cạnh phong cách hiện đại hay retro thì phong cách thiết kế đơn giản cũng là một lựa chọn phù hợp với nhiều người. Điển hình là designer tài năng người Na-uy Orhan Kuresevic đã lựa chọn cách thiết kế đơn giản nhưng vẫn thể hiện rõ được những dự án cho portfolio của mình.
Bạn có thể tham khảo thêm một số tác phẩm ấn tượng của nhà thiết kế này tại website chính thức https://www.orhankuresevic.com
Portfolio sang trọng của Sergey Shapiro
Sergey Shapiro là một nghệ sĩ viết thư pháp được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực thiết kế đồ họa bao gồm thiết kế logo, bao bì, bộ nhận diện và hơn thế nữa. Sergey làm việc tại Nga nhưng vẫn có nhiều đối tác và khách hàng trên khắp thế giới.
Vậy là VTC Academy Plus đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về portfolio. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã nắm được khái niệm về portfolio là gì cũng như tham khảo những mẫu portfolio ấn tượng giúp tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho bạn. Hãy theo dõi VTC Academy Plus để cùng đón đọc những bài viết thú vị nhé!
Tài liệu tham khảo
- “What is portfolio” – Forbes
https://www.forbes.com/advisor/investing/portfolio - “What is a Portfolio” – Nerdwallet
https://www.nerdwallet.com/article/investing/portfolio