5 bước lập kế hoạch học tập “đỉnh của chóp”!
Các bạn có lên kế hoạch học tập cá nhân không?
Nếu có thì kế hoạch đó có tiến triển thuận lợi không nhỉ?
Sự thật thì hình như chẳng ai làm theo kế hoạch học tập đã đề ra thì phải?
Dù ban đầu đã bỏ công làm kế hoạch rất cẩn thận nhưng chỉ cần không theo được một chút thôi thì chúng ta đã vội chán nản và muốn bỏ cuộc rồi.
Mặc dù chúng ta đều hiểu rõ rằng việc lập kế hoạch sẽ giúp cho việc học tập của chúng ta hiệu quả hơn nhưng hầu như chúng ta đều không thể theo đuổi đến cùng. Lý do thì có thể đến từ ngoại cảnh hoặc do chính chúng ta. Bản thân mình khi còn ôn thi lên đại học cũng đã từng như vậy đấy. Ví dụ, khi mình lên kế hoạch sẽ dậy sớm từ 6 giờ sáng đi học toán vào ngày nghỉ thì thực tế lại ngủ đến tận 10 giờ. Các bạn cũng có nhiều lúc như vậy mà, phải không? Thế nhưng, chỉ việc tạo ra một kế hoạch cá nhân cũng khiến cho chúng ta cũng thấy mãn nguyện rồi. Vì khi nhìn vào đó, chúng ta có thể nghĩ, “Kế hoạch mình tuyệt quá!! Cứ làm thế này thì mình sẽ học giỏi thôi!”
Các bạn có biết khi lên kế hoạch, điều gì là quan trọng nhất không?
Bài viết này sẽ bật mí cho các bạn 5 bước đầu tiên quan trọng nhất trước khi xây dựng một kế hoạch học tập.
1. Hãy chắc rằng bạn thiết kế thời gian học hợp lý và thư thả
Đừng cố tạo ra một bản kế hoạch chằng chịt và kín thời gian của bạn, điều đó sẽ khiến bạn “hoảng hốt” mỗi khi nhìn vào kế hoạch của mình đấy! Nếu lập kế hoạch với quý thời gian eo hẹp và chặt thì khi phát sinh thay đổi rất dễ dẫn đến khả năng kế hoạch của bạn bị đổ bể. Vì vậy, nên phân bổ thời gian thoải mái và có kế hoạch dự phòng để đảm bảo bạn sẽ ứng phó được nếu bất ngờ phát sinh những sự cố ngoài ý muốn.
Ví dụ, bạn không cần lên kế hoạch học chặt chẽ cho tất cả các ngày và cố gắng học xong hết trong các ngày trong tuần. Hãy để thời gian nghỉ ngơi vào thứ 7, chủ nhật để giải trí chẳng hạn.
Xem thêm bài viết: Làm thế nào khi không có hứng thú học tập
2. Lên kế hoạch theo tháng, theo tuần hoặc theo ngày
Trước khi lập một kế hoạch chi tiết bạn cần xác định rõ 3 mục tiêu: Mục tiêu lớn, mục tiêu vừa và mục tiêu nhỏ. Nói cách khác, là cụ thể hóa mục tiêu kế hoạch của bạn trong 1 tháng, 1 tuần và 1 ngày. Khi đã nắm được 3 mục tiêu này, bạn sẽ có động lực để duy trì kế hoạch hơn.
Ví dụ, bạn đặt mục tiêu cho tháng là “Tháng này mình sẽ cố gắng học toán”, mục tiêu cho tuần “Tuần này mình sẽ làm bài tập phần hàm số bậc 2”, mục tiêu ngày “Hôm nay làm bài tập từ câu 20 đến câu 30”. Vậy là bạn đã biết bạn nên làm gì trong 1 tháng, 1 tuần và 1 ngày rồi đúng không?
3. Cùng bạn bè lên kế hoạch và kiểm tra kế hoạch của nhau
Bạn đang lên kế hoạch học một mình đúng không? Một mình làm thì thật buồn chán đúng không? Hãy rủ rê đám bạn của bạn cùng nhau lập kế hoạch đi! Lập kế hoạch một mình thường mang tính ngẫu hứng và dễ thất bại lắm đấy! Ngược lại, cùng bạn bè lên kế hoạch sẽ khiến bạn có cái nhìn khách quan hơn, tránh trường hợp lên kế hoạch quá sức với mình. Thêm nữa, lên kế hoạch cùng bạn bè, vô hình trung tạo ra một “hệ thống giám sát” để các bạn có thể kiểm tra chéo cho nhau đấy. Ngoài ra, làm như vậy cũng khiến bạn duy trì động lực theo đuổi kế hoạch ngay cả khi thấy nản chí, vì những đứa bạn sẽ “giám sát” bạn đấy!
4. Thỉnh thoảng hãy để tâm trạng thay đổi kế hoạch của bạn
Con người không phải máy móc nên tâm trạng chúng ta thay đổi rất phức tạp. Ví dụ, trong kế hoạch đặt ra hôm nay, bạn sẽ học tiếng Anh. Nhưng vì bài kiểm tra môn Toán hôm nay đạt điểm cao nên bạn lại muốn học Toán thay vì tiếng Anh. Tuy rằng có lúc đi lệch lại kế hoạch ban đầu nhưng cũng khá thú vị đúng không? Miễn là điều đó không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch lâu dài của bạn thì cũng ổn thôi.
Đôi lúc, chúng ta còn rút thăm để quyết định việc gì đấy. Mình cũng hay dùng trò bốc thăm để quyết định bắt đầu học từ môn nào trước. Bạn hãy thử cách làm này khi bạn đang buồn chán và ngán ngẩm với “núi” bài tập và không biết bắt đầu từ đâu xem.
Xem thêm bài viết: Cải thiện bệnh “mất trí nhớ” trước mùa thi
5. Không lên kế hoạch mà bản thân không thể thực hiện
Có một bản kế hoạch cụ thể tất nhiên rất tốt đúng không. Nhưng nếu bạn là một người không thích “khuôn khổ” và “tổ chức” thì việc lập một kế hoạch chi tiết đến đâu cũng rất khó tuân theo đúng không? Nếu bạn không lên kế hoạch được hoặc cố gắng hết sức mà cũng không theo được thì cứ học mà không cần theo kế hoạch nào cả cũng được!!!
Có kế hoạch học tập hay không không quan trọng. Quan trọng là chúng ta luyện cho mình thói quen học tập.
Kết
Lập kế hoạch học tập cá nhân sẽ làm tốn của bạn kha khá thời gian để phân tích, đề ra mục tiêu, xây dựng các đầu mục công việc. Tuy nhiên bù lại, bạn sẽ có một kế hoạch “dẫn đường” để đến gần hơn những kết quả mà bản thân vẫn hằng mong đợi. Vì vậy, bạn hãy nhanh chóng tạo ra một bản kế hoạch học tập của riêng mình nhé!
Không cần thiết phải nhất nhất tuân thủ theo kế hoạch!
Quan trọng là các bạn hiểu được: bị lệch một chút cũng không sao.
Bạn đã bắt đầu xây dựng kế hoạch cá nhân của mình chưa? Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
(Nguồn: Bí kíp cho người mới bắt đầu)