Khám phá những phần mềm hữu ích cho dân “ghiền” Motion Graphic | VTC Academy
VTC Academy VTC Academy
Khám phá những phần mềm hữu ích cho dân “ghiền” Motion Graphic

Khám phá những phần mềm hữu ích cho dân “ghiền” Motion Graphic

Ngày đăng 23/06/2021

Đã bao giờ bạn có một câu chuyện muốn chia sẻ hay muốn thể hiện một ý tưởng đã ấp ủ rất lâu thông qua mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng chưa? Văn bản là cách thức quá quen thuộc và có vẻ không đủ hấp dẫn, trong khi xây dựng hẳn một bộ phim thì lại đòi hỏi sự đầu tư lớn và cần khá nhiều thời gian. Vậy thì bạn hãy thử sức với Motion Graphic xem sao!

Motion Graphic là gì ?

Bạn đã bao giờ bắt gặp những MV lyric (video ca nhạc chỉ hiện lời) hay đoạn clip ngắn giới thiệu tên của các kênh truyền hình như HBO, MTV, VTV,… hoặc video 2D minh họa cho TedTalk chẳng hạn? Tất cả đều là sản phẩm của Motion Graphic nhưng với các phong cách đa dạng khác nhau. Nếu quan tâm đến Motion Graphic thì hắn là bạn đã tìm kiếm thông tin về nó và có thể sẽ bối rối khi đọc hàng loạt những tài liệu tham khảo từ lịch sử hình thành cho đến vô số các cách định nghĩa khác nhau về Motion Graphic. Vậy thì rốt cuộc Motion Graphic là gì?

Theo một cách đơn giản và dễ hiểu nhất thì Motion Graphic chính là những hình ảnh đồ họa tạo ra do giác chuyển động hoặc thật sự chuyển động. Motion Graphic bao gồm Graphic là các yếu tố thiết kế như Typography (nghệ thuật sắp xếp chữ), Shape (hình), Space (Không gian),… làm nguyên liệu và Motion chính là quá trình bạn sắp xếp để các nguyên liệu kia xuất hiện và chuyển động trên màn hình thật nhịp nhàng và liên kết với nhau. Chúng gồm 1 hoặc nhiều chủ thể tùy thuộc vào ý tưởng và câu chuyện mà ta đang muốn minh họa, thể hiện thông qua Motion Graphics.

Những đối tượng Motion Graphic được chuyển động nhờ sự tương tác của phần mềm diễn hoạt, như Adobe After Effects, Apple Motion, Discreet Combustion hoặc những phần mềm ứng dụng 3D Maxon Cinema 4D, Softimage XSI, Autodesk Maya,… Motion Graphic đang trở thành một xu hướng hướng thời thượng trong lĩnh vực Truyền thông đa phương tiện.

Motion Graphic có từ bao giờ?

Mọi thứ ra đời đều vì một lý do nhất định, và Motion Graphic cũng không phải ngoại lệ. Trước đây, khi muốn thông báo về một sự kiện nào đó, người ta chỉ cần đến một tấm poster hay banner để truyền tải thông tin là đủ. Bởi vì đối tượng quảng cáo của những poster này chỉ là trong một khu vực nhỏ, có chăng cũng chỉ là những người sống quanh khu vực được dán poster.

Thế nhưng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và đặc biệt là sự ra đời của điện ảnh cùng những thước hình động thì mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi. Ban đầu, Motion Graphic chỉ đơn giản là những dòng tiêu đề và phụ để cho các bộ phim, nhưng sau đó nó đã được khai thác và phát triển mở rộng đến mức đáng kinh ngạc. Vào khoảng những năm 1950, Maurice Binder và Pablo Ferro – hai nhà thiết kế tiêu đề phim người Mỹ, đã tạo ra những bước ngoặt mới cho Motion Graphic khi biến những dòng tiêu đề giới thiệu phim nhàm chán thành những mình họa vô cùng mới mẻ với sự phân cấp thông tin chặt chẽ kết hợp với phần nhạc nền ăn ý. Và thế là người ta bắt đầu để ý hơn đến Motion Graphic và tiềm năng mà nó ẩn chứa. Cùng thời điểm đó, nhà thiết kế đồ họa đồng thời cũng là nhà làm phim Saul Bass đã tạo được tiếng vang lớn khi thiết kế phần giới thiệu cho bộ phim “The man with golden arm” (1955) và sau đó là “Anatomy of a murder” (1959). Không chỉ có những dòng chữ đơn thuần như thường lệ, Saut đã kết hợp thêm những mảng hình với những kích thước và chiều hướng khác nhau, tất cả được sắp xếp và tạo ra một video đồ họa chuyển động hài hòa và nhịp nhàng, dẫn dắt được người xem ngay từ những giây phút đầu tiên của nội dung phim khi phim còn chưa thật sự bắt đầu.

Xem thêm bài viết: Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo

Chính từ đây, Motion Graphic được đặt những nền móng đầu tiên. Cùng với sự ra đời của Internet và các phương tiện truyền thông, poster với việc quảng cáo trong phạm vi hẹp thôi là chưa đủ, người ta cần một phương thức có thể quảng cáo và truyền tin đi xa hơn với những đối tượng rộng hơn. Bởi vậy Motion Graphic ra đời như một bước phát triển tất yếu của Graphic Design, trở thành một trong những hình thức quảng cáo truyền thống hữu dụng và phổ biến nhất cho đến ngày nay.

Motion Graphic được tạo ra như thế nào?

Một video Motion Graphic có thể chỉ dài từ vài ba giây cho đến vài phút, tuy nhiên để có thể tạo ra một video như thế bạn cũng cần đầu tư một khoảng thời gian và công sức, tùy thuộc vào thời lượng cũng như nội dung của video. Sau đây là tóm tắt những công việc cơ bản mà một Motion Graphic Designer cần phải làm:

1. Brief:

Để có thể truyền tải được câu chuyện chỉ qua vài phút ngắn ngủi đòi hỏi bạn phải xác định được mục đích của video thật rõ ràng, từ đó chọn lọc các tình tiết thật giản lược và hợp lý để thể hiện được câu chuyện của mình.

2. Script:

Nội dung hầu như là phần không thể thiếu của bất cứ video Motion Graphic nào. Có nhiều phương thức để truyền tải chúng qua video của bạn: Chữ chuyển động (Kinetic Typography), giọng nói kèm theo (VoiceOver ) hay là kết hợp cả hai phương thức này hoặc thậm chí là chỉ sử dụng các tạo hình trong video là đủ rồi.

3. Storyboards:

Đây là lúc bạn kết hợp phần nội dung từ kịch bản đã tạo trước đó với những tạo hình minh họa phác thảo để hình dung câu chuyện cụ thể sẽ diễn ra như thế nào.

4. Design:

Sau khi đã thống nhất về các khung hình trong mỗi cảnh, lúc này bạn sẽ bắt tay vào thiết kế các yếu tố tạo hình thật sự để hoàn thiện phần nguyên liệu, chuẩn bị cho quá trình ghép chuyển động sau đó.

5. Animation:

Bây giờ là lúc bạn lắp ráp và sắp xếp tất cả những nguyên liệu từ các công đoạn trước vào với nhau. Cách bạn lựa chọn và sắp đặt yếu tố nào xuất hiện trước, yếu tố nào xuất hiện sau hoặc xuất hiện cùng nhau chính là công đoạn tạo ra chuyển động trong Motion Graphic. Cùng với đó, để hoàn thiện video thì không thể không kể đến sự kết hợp với các hiệu ứng âm thanh để câu chuyện của bạn được thể hiện một cách chân thực và ấn tượng hơn.

Công cụ của Motion Graphic

Motion Graphic hình thành và phát triển đến ngày nay là nhờ những bước tiến của khoa học máy tính và công nghệ truyền hình. Nhưng về bản chất, đồ họa tĩnh vẫn là nền móng chính để tạo ra Motion Graphic. Thế nên trước khi tìm hiểu các phần mềm chuyên dụng của Motion Graphic thì hãy đảm bảo là bạn đã nắm vững các kiến thức về đồ họa đồng thời có khả năng sử dụng các phần mềm thiết kế đồ họa và tạo hình 2D như Photoshop hay Illustrator trước đã. Sau đó hãy tìm hiểu đến các công cụ hỗ trợ chuyên biệt của Motion Graphic.

Một vài phần mềm làm Motion Graphic phổ biến có thể kể đến như :

1. After Effects:

Đây được coi là phần mềm làm Motion Graphic 2D phổ biến và hiệu quả nhất ngày nay. Khi bạn thiết kế những yếu tố đồ họa của mình ở Illustrator hay Photoshop thì việc chuyển sang thiết kế Motion ở After Effects gần như là điều tất yếu. Bởi vì After Effects cũng là một phần mềm được phát triển bởi Adobe nên sẽ tương thích với “người anh em cùng gia đình” như Illustrator, điều này sẽ cho phép bạn chỉnh sửa tác phẩm của mình một cách hiệu quả hơn.

2. Cinema 4D:

Cinema 4D là phần mềm cung cấp các tính năng vượt trội về thiết kế và ứng dụng đồ họa 3D được phát triển bới MAXON Computer (Đức). Đây là phần mềm không thể thiếu trong các hãng phim hay các hãng chuyên xây dựng hiệu quả kỹ xảo hình ảnh đặc biệt (VFX). Trong Cinema 4D có cổng dẫn tương thích với After effects, do đó bạn có thể dễ dàng nâng cấp những video 2D của mình trở nên hoành tráng và chân thực hơn với diện mạo 3D nhờ Cinema 4D.

3. Red Giant Software:

Đây không phải là phần mềm làm Motion Graphic phổ biến, tuy nhiên nó lại rất hữu dụng khi bạn muốn tạo ra các hiệu ứng 3D đẹp mắt và mượt mà trong một khoảng thời gian ngắn. Khi thời gian hạn chế nhưng yêu cầu của khách hàng lại cần thật hoành tráng thì Red Giant sẽ là một lựa chọn không tồi.

Đối với hầu hết các phần mềm kể trên, do quá trình thiết kế chuyển động khá phức tạp và cần nhiều công đoạn nên để sử dụng được chúng đòi hỏi máy tính của bạn cần có dung lượng lớn với cấu hình cao .

Nhân vật trong ngành Motion Graphic

Motion Graphic không còn xa lạ gì ở các nước phát triển, với công nghệ tiên tiến và thị trường đa dạng. Motion Graphic là một ngành hấp dẫn và thu hút nhiều người theo đuổi. Tuy nhiên ở Việt Nam, Motion Graphic vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ và chưa được nhiều người biết đến.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự phát triển của đồ họa chuyển động trong và ngoài nước hiện nay, để hãy cùng xem qua một vài nhân vật nổi bật trong ngành nhé!

  • Trên thế giới:

1. Thế giới Future Deluxe (futuredeluxe.co.uk):

“Design & Moving Image” chính là câu slogan nổi tiếng của studio tên tuổi nước Anh này. Luôn tìm tòi cái mới, theo đuổi những giá trị thẩm mỹ kết hợp với công nghệ mới chính là con đường mà Future Deluxe lựa chọn. Ngay khi click vào website của nhóm, bạn sẽ choáng ngợp với hàng loạt những chuyển động nhịp nhàng của các nhân vật cùng sự biến hóa của các chất liệu đến không gian xung quanh một cách đầy hấp dẫn và sống động như các khung hình trong những bộ phim viễn tưởng. Có lẽ bạn sẽ muốn học ngay về Motion Graphic nếu nhìn thấy các tác phẩm của Future Deluxe đấy!

2. Eloisa (eloisa.studio):

Là một agency nổi tiếng trong lĩnh vực Branding thông qua các quảng cáo truyền hình. Đã từng làm việc với hàng loạt các khách hàng tên tuổi như HBO, MTV, FOX,… các thiết kế của Eloisa đặc trưng bởi các mảng màu đậm, cách sử dụng linh hoạt các yếu tố thiết kế như Typography, Line, Shape,… toát lên màu sắc hiện đại và ấn tượng của đồ họa đương thời.

3. Yambo studio (yambo-studio.com):

Nếu như Future Deluxe nổi bật với những hiệu ứng chuyển động ảo diệu như các bộ phim, Eloisa thị đặc trưng với những video giới thiệu nhân vật cho truyền hình thì Yambo lại được biết đến với hàng loạt các video Motion Graphic quảng bá sản phẩm tuyệt vời cho các nhãn hàng như Vivo, Xiaomi hay Nike. Yambo tin rằng bằng sự kết hợp giữa Design (thiết kế), Production (sản phẩm) và CGI (công nghệ tái tạo hình ảnh) chính là chìa khóa để tạo ra những tác phẩm chất lượng và độc đáo của nhóm.

  • Trong nước:

1. Red Cat Motion (redcatmotion.com):

Là agency được thành lập năm 2012 bởi Leo Đinh, Red Cat là một trong số ít những agency thiết kế đồ họa chuyển động, minh họa và hiệu ứng hình ảnh – một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Sản phẩm của Red Cat hầu hết là các video Marketing dùng trong quảng cáo truyền hình. Một vài sản phẩm nổi bật của nhóm có thể kể đến như hiệu ứng trong MV Count Me Out của Luca Brasi hay video quảng cáo Happy Shopping cho Tiki.Vn.

2. Fustic (facebook.com/Fustic.studio):

Là một studio còn khá mới mẻ vì vừa ra đời vào tháng 8 năm 2017, tuy nhiên những sản phẩm của Fustic lại rất đáng nể với các video được đầu tư tỉ mỉ về tạo hình nhân vật nổi bật với yếu tố chất liệu được trau chuốt từng chút một. Với tiêu chí hướng đến thiết kế ở tương lai, phong cách độc đáo của fustic đã được thể hiện qua các sản phẩm như MV 3 phút – Marzuz, Wechoice Award 2017, NIMBIA Visual Pack.

Các kênh hướng dẫn tự học Motion Graphics

Tự học hỏi là một phần không thể thiếu nếu bạn đang quan tâm đến một lĩnh vực nào đó, và sau đây là một và kênh youtube về Motion Graphic mà bạn nên biết:

1. Greyscalegorilla:

Là kênh hướng dẫn sử dụng After Effects và Cinema 4D và các Công cụ cần thiết cho Motion Graphic, đồng thời kênh cũng chia sẻ những vấn đề và giải pháp khi làm việc trong ngành đồ họa chuyển động.

2. Mt.Mograph:

Là kênh video hướng dẫn cả bản về Motion Graphic 20 thông qua After Effects và một vài công cụ hỗ trợ khác, với số lượng video cực lớn, Mt.Mograph là một trong những kênh giao dục có số lượng follower khá lớn trên Youtube.

3. Video Copilot:

Là kênh hướng dẫn chuyện về hiệu ứng 3D và các kỹ xảo cho dựng phim. Nếu bạn quan tâm đến kỹ xảo điện ảnh thì đừng bỏ qua các sản phẩm của Video Copilot nhé!

Bên cạnh đó, nếu như Youtube là cộng đồng video tuyệt vời để tự học Motion Graphic , thì Vimeo lãnh địa chuyên dụng cho các video Motion graphic được phô diện hết những hiệu ứng hoành tráng và sống động mà không nơi nào làm được. Hãy ngó qua những kênh Vimeo sau đây để thấy sự hiện diện của những video Motion Graphic đa dạng, ấn tượng và thú vị từ khắp các designer trên thế giới: Wine after Coffee, Purely Motion Graphics, Motionographer, Kinetic Typography Channel, Nice Type, Motion Soup.

Xem thêm bài viết: Maximalism – Nghệ thuật tối đa giữa một thế giới chuộng sự tối giản

Có thể nói, Motion graphics được sử dụng khá nhiều trong thực tiễn ngày nay và cụ thể là trong các chiến dịch Marketing nhằm thu hút khách hàng của các công ty doanh nghiệp. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã có thể hiểu được Motion Graphics là gì và nắm rõ hơn những ưu điểm tuyệt vời của nó. Chúc các bạn thành công!

(Nguồn: GRAPHICS)

| Tags |

Bài viết khác
Góc chiếu isometric trong thiết kế và minh họa

Góc chiếu isometric trong thiết kế và minh họa

Ngày đăng 23/06/2021
Nếu bạn có để ý quan sát tới các bản thiết kế và các hình minh họa được ra mắt trong vòng 5 năm trở lại đây, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng có một số lượng lớn được phối cảnh ở cùng một góc chiếu mang tên là góc chiếu đẳng cự (isometric). Sau khi phong cách thiết kế phẳng (flat design) bị bỏ lại sau một thời kỳ dài thống trị mặt bằng thiết kế, isometric là một trong những xu hướng thay thế được ưa chuộng nhất. Bài viết này sẽ đi sâu vào những đặc điểm chính của góc chiếu kỳ lạ này, cũng như cách áp dụng nó trong việc thiết kế và vẽ minh họa.
Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo

Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo

Ngày đăng 22/06/2021
Vào tháng 11 năm 2008, chỉ có khoảng 10% dân số nước Mỹ sở hữu một tài khoản mạng xã hội. Sau mười năm, con số đó đã vượt lên tới 80 %. Không cần phải nói thêm nữa về vận tốc phát triển của các nền tảng mạng xã hội trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, bởi vì tất cả chúng ta, miễn là được tiếp cận với công nghệ cao, dù muốn hay không, cũng đều có ít nhất một tài khoản Facebook hoặc Instagram.
Bài viết khác
Góc chiếu isometric trong thiết kế và minh họa

Góc chiếu isometric trong thiết kế và minh họa

Ngày đăng 23/06/2021
Nếu bạn có để ý quan sát tới các bản thiết kế và các hình minh họa được ra mắt trong vòng 5 năm trở lại đây, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng có một số lượng lớn được phối cảnh ở cùng một góc chiếu mang tên là góc chiếu đẳng cự (isometric). Sau khi phong cách thiết kế phẳng (flat design) bị bỏ lại sau một thời kỳ dài thống trị mặt bằng thiết kế, isometric là một trong những xu hướng thay thế được ưa chuộng nhất. Bài viết này sẽ đi sâu vào những đặc điểm chính của góc chiếu kỳ lạ này, cũng như cách áp dụng nó trong việc thiết kế và vẽ minh họa.
Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo

Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo

Ngày đăng 22/06/2021
Vào tháng 11 năm 2008, chỉ có khoảng 10% dân số nước Mỹ sở hữu một tài khoản mạng xã hội. Sau mười năm, con số đó đã vượt lên tới 80 %. Không cần phải nói thêm nữa về vận tốc phát triển của các nền tảng mạng xã hội trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, bởi vì tất cả chúng ta, miễn là được tiếp cận với công nghệ cao, dù muốn hay không, cũng đều có ít nhất một tài khoản Facebook hoặc Instagram.

Liên hệ với VTC Academy

  • Hà Nội: 0981 114 757
  • Đà Nẵng: 0865 098 399
  • Hồ Chí Minh: 0818 799 299