Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo | VTC Academy
VTC Academy VTC Academy
Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo

Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo

Ngày đăng 22/06/2021

Vào tháng 11 năm 2008, chỉ có khoảng 10% dân số nước Mỹ sở hữu một tài khoản mạng xã hội. Sau mười năm, con số đó đã vượt lên tới 80 %. Không cần phải nói thêm nữa về vận tốc phát triển của các nền tảng mạng xã hội trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, bởi vì tất cả chúng ta, miễn là được tiếp cận với công nghệ cao, dù muốn hay không, cũng đều có ít nhất một tài khoản Facebook hoặc Instagram. Với bất kì chuyển biến gì trong công nghệ và xã hội, ngành Thiết kế cũng phải kịp thời theo dõi và xoay sở để có thể thích ứng, và đương nhiên quả bom tấn mang tên mạng xã hội chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ. Cần thiết phải dành một vài phút quan sát lại những thay đổi mà những hệ thống này đã đem lại cho những con người sáng tạo, để chúng ta còn có thể chuẩn bị tinh thần cho những cuộc cách mạng công nghệ lớn hơn nữa sắp xuất hiện.

Câu chuyện ra đời của mạng xã hội và tương lai của các Designer

Thế giới không bao giờ ngừng nói chuyện về mạng xã hội. Kể cả khi các trang web này không phải là đối tượng trực tiếp của câu chuyện, chúng cũng là nơi mà từ đó những câu chuyện xuất phát. Thế giới nhìn chúng ta qua những gì chúng ta đăng (hoặc không đăng) lên trên Live Story, qua những gì chúng ta bình luận trên bài viết của một fanpage nổi tiếng và qua những con số like/react bức ảnh đại diện của chúng ta. Bất kể bạn có cảm nhận như thế nào về sự hiện diện của các dịch vụ mạng xã hội, không ai có thể phủ nhận rằng toàn bộ thế giới đã vĩnh viễn bị thay đổi bởi các nền tảng này.

Facebook đã thay đổi cách mà những sản phẩm sáng tạo của chúng ta được đánh giá: Behance làm xáo trộn thị trường công việc của ngành Thiết kế, và Instagram thì biến những nhân tố thầm lặng trở thành ngôi sao truyền cảm hứng. Chỉ cần dành một phút để nhìn lại và bạn sẽ nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta hiểu về vai trò và hiện thực của Thiết kế và nghệ thuật chỉ mới 10 năm trước giờ đây đã trở nên lỗi thời.

Một trong những điểm cộng căn bản nhất đến từ sự tồn tại của các mạng xã hội chính là tính năng cho phép chúng ta kết nối và liên lạc với bất cứ ai tại bất cứ đâu. Mặc dù bản thân Internet nói chung cũng đã đóng tốt vai trò là cầu nối giữa mọi người khắp nơi nhưng chính nhờ có Reddit, Twitter, Facebook, Instagram,… mà chúng ta mới có thể mở rộng vòng tròn kết nối của mình ra khỏi không gian chật hẹp của thành phố chúng ta đang sống.

Khi chưa có sự tồn tại của các dịch vụ mạng xã hội này, cách duy nhất để chúng ta được nhìn thấy sản phẩm thiết kế của một Designer sống và làm việc tại Mỹ là bắt máy bay đến Mỹ. Các Designer không thể tìm được công việc nằm ngoài phạm vi nơi họ ở và cũng không có cách nào để học hỏi từ những chuyên gia sáng tạo từ những khu vực khác. Còn bây giờ, bạn chỉ cần gõ một từ khóa vào thanh tìm kiếm và Pinterest, Behance, Dribbble sẽ trả về cho bạn ít nhất là 500 kết quả khác nhau. Nếu bạn muốn tìm cách liên lạc với một Designer cụ thể, bạn chỉ cần nhắn tin cho họ qua Instagram Direct hoặc Behance Messages.

Nhìn chung, những công cụ mới này khiến cho những tác phẩm sáng tạo của các Designer đặc sắc hơn. Chúng ta có thể xây dựng cả một cộng đồng những người chung chí hướng, chung nguyện vọng và chung sở thích qua các trang web này. Chúng ta có thể trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau. Trên mạng không thiếu gì những diễn đàn và nhóm mà bất cứ ai có quan tâm tới thiết kế đều có thể tham gia. Thậm chí, có cả những trang web dành riêng cho việc chia sẻ và bàn luận về tác phẩm của nhau ví dụ như Behance, Dribbble, deviantART và Flickr. Những nền tảng này đã mở ra cho các Designer vô vàn nguồn cảm hứng và nguồn hiểu biết khác nhau thông qua việc giao lưu giữa những đồng nghiệp.

Xem thêm bài viết: Tỷ lệ vàng trong thiết kế – liệu có khó để chinh phục?

Mức độ cạnh tranh giữa các Designer bây giờ cũng khốc liệt hơn những ngày trước rất nhiều. Không chỉ bởi vì thiết kế giờ đã là một đề tài và ngành nghề phổ biến hơn, dẫn tới sự ra đời của nhiều Designer hơn trước, mà còn bởi vì các mạng xã hội đã đưa thị trường thiết kế lên trở thành một sân chơi toàn cầu. Khi mà địa chỉ email và website portfolio của mọi người đều được dán ngay đầu trang cá nhân Facebook thì chỉ bằng vài cú click chuột, các khách hàng có thể liên hệ ngay lập tức với bất cứ Designer nào tại bất cứ đâu, miễn là công việc đủ hấp dẫn đối với họ. Tất cả mọi người đều có nhu cầu sử dụng tài năng thiết kế hơn, nhưng đồng thời mọi người cũng không còn bị cản trở bởi các giới hạn địa lý nữa mà có thể với kết nối bên ngoài khu vực lân cận để tìm thấy những giải pháp cao cấp hơn. Một tỷ lệ lớn các dự án thiết kế bây giờ thậm chí có thể được hoàn thành mà không yêu cầu người thiết kế phải rời khỏi căn hộ của họ, huống chi là thành phố. Cách trở lớn nhất trong thời đại của mạng xã hội không còn là khoảng cách vật lý mà là tốc độ của mạng Internet. Chính vì lý do này mà các Designer đang bị thúc đẩy phải cạnh tranh với cả những người không cùng quốc tịch, nhưng đồng thời chính sự cọ xát đó lại càng hiến cho sản phẩm đầu ra bất ngờ hơn nhiều.

Likes, Shares, Comments: Hình thức tiền tệ mới

Vào thời điểm mà Mark Zuckerberg vẫn còn đang đi học tại Harvard, thành tựu lớn nhất mà một người có thể đạt được trên mạng xã hội là được lọt vào top 8 bạn bè của người khác trên Myspace. Đương nhiên lúc đó thì khoảnh khắc tự hào nhất của một người làm thiết kế không phải là nhìn thấy bức ảnh của mình được lan tỏa khắp Facebook, mà là chỉ cần được nhìn thấy tác phẩm của mình hiện ra trên một tấm áp phích dán trong một góc ngõ hẻm. Mục tiêu chính của một Designer vào năm 2007 chỉ đơn thuần là làm hài lòng được khách hàng và sếp, còn quyền quyết định tác phẩm của chúng ta được xuất hiện ở những đâu thì đều nằm trong tay của những người khác. Nếu sản phẩm của bạn tốt, có thể nó sẽ được tôn vinh ở một góc phố Đinh Tiên Hoàng. Nếu không, cũng chả vấn đề gì cả. Dù có thế nào thì cũng sẽ chẳng ai biết bạn là ai và chỉ dựa vào may mắn thì tiếng tăm của bạn mới có thể truyền sang một công ty khác. Trong những ngày tháng đó, dù bạn giỏi đến đâu, bạn cũng chỉ là một nhân tài tên tuổi không ai biết.

Một trong những lợi thế của một thế giới sở hữu mạng xã hội đó là chúng ta được quyền đăng tải bất cứ những gì chúng ta muốn (miễn là nó không xúc phạm đạo đức căn bản), và đối với những người làm sáng tạo, đây là một trong những món quà lớn nhất. Giờ đây, việc kiểm soát sự hiện diện của các tác phẩm đã lại quay trở lại vào tay của con người sở hữu chất xám. Các mạng xã hội đã biến mỗi người thành chuyên viên giao tiếp cho bản thân. Miễn là bạn có một danh sách bạn bè đủ dài và một sự bền bỉ nhất định, bạn có thể tự khiến bản thân đủ nổi tiếng để quảng cáo cho chính mình.

Dần dần các trang mạng xã hội đi xa hơn khỏi mục đích ban đầu của chúng mà biến chúng trở thành một khu phố chợ. Và trong khu chợ này thì các mặt hàng được buôn bán sử dụng những cú click chuột, cụ thể là vào nút Like, nút Share và nút Comment. Những Designer sẵn sàng đăng tải và chia sẻ những tác phẩm tốt nhất của bản thân ở khắp các nền tảng để hy vọng sẽ mang thêm về cho họ nhiều đối tác và nhiều tương tác hơn.

Hiện giờ là năm 2021, và có một tác phẩm trưng bày trong bảo tàng Louvre nhiều khi cũng là chưa đủ, bạn cần phải có bằng chứng trên Internet nữa. Bạn không bắt buộc phải tung mình vào vòng xoáy của cơn bão likes nếu bạn cảm thấy thoải mái trong sự im lặng và thân thuộc, nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là giờ đây, những biểu tượng nắm tay giơ ngón cái đang là thước đo thông dụng nhất của sự thành công. Bạn chỉ cần cẩn thận để không biến những nút likes đó trở thành cơn nghiện của bản thân là được.

Logo đầy đặn, nhận diện nở nang

Cùng là một cái áo phông trắng nhưng tại sao lại có nơi bán với giá 50.000 đồng một chiếc , có nơi lại bán với giá là 6.000.000 đồng? Có sự khác biệt gì nghiêm trọng tới mức có thể nâng giá một sản phẩm lên gấp 10 lần như vậy? Rõ ràng, sự chênh lệch khổng lồ về giá thành này không thể chỉ là kết quả của chất liệu và gia công. Câu trả lời thực chất chỉ bao gồm có hai chữ “thương hiệu” mà thôi.

Thời đại bây giờ quan trọng sơn tốt không kém gì gỗ tốt. Một mặt tiền đẹp chắc chắn đóng một vai trò ngang hàng với nội thất. Rõ ràng, chúng ta không chỉ muốn được ăn đồ ăn ngon, mà chúng ta muốn phải được ăn đồ ăn ngon trong một nhà hàng sành điệu, mặt phố, nơi có điều hòa lẫn wifi và nội thất bắt mắt. Kể cả nếu một cốc cà phê có đắt hơn bình thường, cũng không ai ngại gì đầu tư thêm một chút ngân sách để có thể được ngồi trong một không gian trang hoàng hiện đại, có thiết kế ưa nhìn. Bởi vì đơn giản việc sử dụng những sản phẩm có hình ảnh tốt cũng khiến chúng ta tự tin hơn về hình ảnh của bản thân. Tất cả mọi người đều muốn được nhìn nhận rằng mình là con người có giá trị, và có cách nào để làm việc đấy dễ dàng hơn là gắn kết hoạt động của mình với những thương hiệu có tên tuổi. Trong một xã hội mà danh tính của chúng ta được quyết định bởi những bức ảnh chúng ta đăng lên mạng, việc được nhìn thấy trên tay cầm một cốc Starbucks thay vì một ly đen đá vỉa hè quan trọng hơn rất nhiều. Thị trường có bị thuyết phục bởi sản phẩm của bạn hay không, trước hết là phải ở thiết kế bao bì. Một cửa hàng bán quần áo không biết là có các mẫu mã đẹp đến đâu nhưng avatar và ảnh cover của fanpage trên Facebook nhất định phải chỉn chu thì mới hút khách hàng. Và đương nhiên, trong cuộc thi hoa hậu này thì các Designer mới là những vị anh hùng thực sự.

Xem thêm bài viết: Yếu tố không gian trong thiết kế

Khi mà nhà nhà người người đều cần có một bộ nhận diện thật mỹ miều, nhu cầu phải có Designer giỏi lại càng cao hơn Cách đây 10 năm, việc có một Design riêng cho công ty có thể coi là một sự đầu tư xa xỉ, nhưng bây giờ, một thương hiệu trung bình muốn phát triển lớn mạnh không thể thiếu được ít nhất là một bộ nhận diện hoàn chỉnh từ logo, website tới bao bì sản phẩm. Vì vậy, dù muốn hay không, chúng ta cũng cần phải thuê một ai đó có tài năng và kỹ năng thiết kế để “trang điểm cho khuôn mặt” của nhãn hàng .

Ngày xưa, ngành Thiết kế chỉ quanh quẩn trong cánh gà và lặng lẽ thực hiện công việc của mình, duy những tổ chức và công ty lớn vừa trở lên mới cần đến một người Designer. Các mạng xã hội đã vô hình chung đưa các Designer lên sân khấu lớn, biến công việc của họ thành một đề tài thảo luận thường xuyên, và đồng thời bổ sung thêm nguồn nhân lực trong ngành. Hiểu biết về ngành Thiết kế đã trở nên rộng rãi và thông thường hơn rất nhiều. Nếu công ty của bạn không tuyển Designer riêng, chắc chắn cũng phải thuê một Designer ngoài công ty để đảm nhận các công việc thiết kế. Rõ ràng, nếu không nhờ có sự bùng nổ của các trang web như Facebook và Instagram, các Designer sẽ vẫn còn phải ẩn dật trong bóng tối một thời gian dài.

Kết

Chỉ cần dành một phút ngồi lại và quan sát, chúng ta có thể khẳng định rằng, sự phát triển của mạng xã hội đã cách mạng hóa ngành Thiết kế nói chung và Thiết kế đồ họa nói riêng. Để đánh giá xem những chuyển biến này mang tính tích cực hay tiêu cực còn tùy vào cách nhìn nhận của từng người, nhưng chắc chắn rằng đây là thực tế mà chúng ta đang sống và trải nghiệm.

Mỗi người có quyền lựa chọn cách phản ứng và con đường đi riêng cho mình. Bạn có thể đẩy mình theo dòng chảy tự nhiên của xã hội và tìm cách bắt kịp với những phát triển không ngừng của công nghệ hoặc bạn có thể kiên định với những mục tiêu và tôn chỉ của bản thân để xây dựng một danh tính bền vững riêng, độc lập khỏi những vòng xoáy bên ngoài thế giới.

Trong tương lai sẽ còn có nhiều phát minh và xuất hiện mới làm xáo động cả xã hội chứ không chỉ riêng gì ngành thiết kế. Hãy chắc chắn rằng bạn đã có những bước đi sáng suốt và sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó khi mà những công nghệ như thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo vươn lên làm chủ thế giới giống như cách mà mạng xã hội đã và đang làm.

(Nguồn: GRAPHICS)

| Tags |

Bài viết khác
6 tựa game thiết kế cho người mới bắt đầu

6 tựa game thiết kế cho người mới bắt đầu

Ngày đăng 19/06/2021
Giống như học bất kì kỹ năng nào khác, học thiết kế cũng yêu cầu bạn phải luyện tập và thực hành liên tục để có thể đạt được trình độ cao. Tuy nhiên, việc thao tác và làm việc trên các phần mềm đôi lúc sẽ thật nhàm chán. Vậy, kết hợp việc học và việc chơi sẽ như thế nào? Dưới đây là 6 tựa game thú vị dành cho các bạn Designer rèn luyện kỹ năng tư duy và thiết kế.
Sự kiện mới nhất
Bài viết khác
6 tựa game thiết kế cho người mới bắt đầu

6 tựa game thiết kế cho người mới bắt đầu

Ngày đăng 19/06/2021
Giống như học bất kì kỹ năng nào khác, học thiết kế cũng yêu cầu bạn phải luyện tập và thực hành liên tục để có thể đạt được trình độ cao. Tuy nhiên, việc thao tác và làm việc trên các phần mềm đôi lúc sẽ thật nhàm chán. Vậy, kết hợp việc học và việc chơi sẽ như thế nào? Dưới đây là 6 tựa game thú vị dành cho các bạn Designer rèn luyện kỹ năng tư duy và thiết kế.

Liên hệ với VTC Academy

    Tôi đã đọc và đồng ý với Điều khoảnChính sách bảo mật của VTC Academy.

  • Hà Nội: 0981 114 757
  • Đà Nẵng: 0865 098 399
  • Hồ Chí Minh: 0818 799 299