Tác động kinh tế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 | VTC Academy
VTC Academy VTC Academy
Tác động kinh tế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Tác động kinh tế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Ngày đăng 18/07/2021

Quy mô và phạm vi ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghệ đang bùng nổ sẽ báo hiệu cho những thay đổi mang tính hiện tượng về kinh tế, xã hội, văn hóa mà gần như không thể dự đoán.

Cuộc CMCN 4.0 có một tác động rất lớn và toàn diện tới nền kinh tế toàn cầu, đến mức khiến các nền kinh tế khó có thể thoát khỏi một hiệu ứng riêng lẻ nào.

Thật vậy, tất cả các biến số vĩ mô lớn mà người ta có thể nghĩ đến như: GDP, đầu tư, tiêu dùng, việc làm, thương mại, lạm phát… đều sẽ bị ảnh hưởng.

Có hai thái độ trong việc đánh giá tác động của CMCN 4.0: Những người có thái độ bi quan đối với công nghệ cho rằng những đóng góp quan trọng của cuộc cách mạng kỹ thuật số đều đã được tạo ra trong các cuộc cách mạng trước đây, và rằng tác động của nó đối với năng suất hầu như đã dừng lại. Trong khi đó các nhà kinh tế có thái độ lạc quan đối với công nghệ khẳng định rằng: Công nghệ và đổi mới đang có một bước ngoặt và sẽ sớm tạo ra một sự đột biến về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Các nhà bị quan chủ nghĩa đưa ra khả năng về một “sự suy thoái thế kỷ” và nói về “đình trệ kéo dài” (secular stagnation) – một thuật ngữ trong thời kỳ Đại suy thoái được dùng bởi Alvin Hansen (và gần đây lại trở nên thịnh hành khi được các nhà kinh tế Larry Summers và Paul Krugman nhắc tới). Trước cuộc Khủng hoảng tài chính 2008, thế giới tăng trưởng ở mức 5,6%; người ta nghĩ triển vọng có thể kéo dài đến 14, 15 năm, và chỉ mất 12 năm để GDP toàn cầu tăng gấp đôi. Nhưng gáo nước lạnh của năm 2008 đã đột ngột dội xuống. Nền kinh tế toàn cầu dường như đã bị mắc kẹt tại một tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn cả tỷ lệ trung bình sau chiến tranh – khoảng 3 – 3,5% mỗi năm. Một kịch bản cực đoan, trong đó tăng trưởng GDP toàn cầu cả năm giảm xuống mức 2%, thì cần 36 năm để GDP toàn cầu tăng gấp đôi.

Xem thêm bài viết: Chuyển mình vững vàng trong từng bước sóng công nghệ

Hiện nay, có nhiều cách giải thích cho sự tăng trưởng toàn cầu chậm hơn, từ phân bổ sai nguồn vốn đến vay nợ quá nhiều, chuyển đổi nhân khẩu học, trong đó nổi bật hai nhân tố: Sự già hóa dân số và năng suất lao động.

Dân số thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7,2 tỉ lên 8 tỉ vào năm 2030, và 9 tỉ vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng trong tổng cầu. Nhưng còn có một xu hướng nhân khẩu học mạnh mẽ khác: Sự già hóa. Quan điểm phổ biến là: Sự già hóa chủ yếu ảnh hưởng tới các nước giàu ở phương Tây. Tuy nhiên, không hoàn toàn như thế. Tỷ lệ sinh đang giảm dưới mức thay thế trong nhiều khu vực trên thế giới ( không chỉ ở châu u – nơi mà sự suy giảm bắt đầu, mà còn ở hầu hết Nam Mỹ và vùng Caribe, nhiều nước châu Á bao gồm Trung Quốc và phía Nam Ấn Độ, và thậm chí cả một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi như Liban, Maroc và Iran).

Tình trạng già hóa dân số là một thách thức kinh tế. Bởi vì trừ khi tuổi nghỉ hưu được tăng lên đáng kể để những người già trong xã hội có thể tiếp tục đóng góp cho lực lượng lao động, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống cùng lúc khi mà tỷ lệ những người lớn tuổi phụ thuộc tăng lên. Khi dân số già đi và có ít người trẻ hơn, sức mua các mặt hàng đắt tiền như nhà cửa, đồ nội thất ô tô và các thiết bị giảm đi. Ngoài ra, dường như sẽ có ít người phải đối mặt với rủi ro kinh doanh hơn, bởi vì người lao động khi già đi có xu hướng bảo toàn tài sản để có thể nghỉ hưu thoải mái hơn là đầu tư vào việc kinh doanh mới.

Nhưng mặt khác, CMCN 4.0 mở ra cho chúng ta khả năng sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và năng động hơn. Vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà hơn một phần tư số trẻ em sinh ra tại các nền kinh tế tiên tiến được kỳ vọng là sẽ sống tới 100 tuổi. Các vấn đề như dân số trong độ tuổi lao động, vấn đề hưu trí và kế hoạch cuộc sống cá nhân cần được xem xét lại.

Về năng suất lao động, trong thập kỷ qua, chúng ta thấy năng suất trên thế giới vẫn tăng một cách chậm chạp, bất chấp sự tăng trưởng theo cấp số nhân của tiến bộ công nghệ và đầu tư vào đổi mới.

Theo một nghiên cứu của Bộ Lao động Hoa Kỳ – nơi có năng suất lao động tăng bình quân 2,8% từ năm 1947 đến 1983, và 2,6% từ năm 2000 đến 2007, so với 1,3% từ 2007 đến 2014 (“Năng suất thay đổi trong lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp, 1947-2014, Cục Thống kê Lao động). Phần lớn nguyên nhân của sự giảm sút này là do mức TFP thấp, thước đo phổ biến nhất cho sự đóng góp vào năng suất có nguồn gốc từ công nghệ và đổi mới.

Cục Thống kê Lao động Mỹ chỉ ra rằng tăng trưởng TFP từ 2007 đến 2014 chỉ ở mức 0,5%, giảm đáng kể nếu so với mức 1,4% tăng trưởng mỗi năm trong giai đoạn 1995 đến 2007. Năng suất là nhân tố quyết định quan trọng nhất cho tăng trưởng dài hạn và nâng cao mức sống, do vậy nếu thiếu nó trong suốt cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư thì có nghĩa là tăng trưởng và mức sống sẽ ít được cải thiện hơn.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, CMCN 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng với đó, người tiêu dùng sẽ có lợi ích từ việc tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn, và đặc biệt là được cá nhân hóa theo ý muốn.

Các hàng hóa và dịch vụ sáng tạo được tạo ra trong cuộc CMCN 4.0 có những chức năng và chất lượng cao hơn đáng kể, hiện đã được lưu thông trên các thị trường mà cơ bản khác với những thị trường thường dùng để đo lường. Nhiều hàng hóa và dịch vụ mới có chi phí cận biên bằng không và/hoặc khai thác các thị trường cạnh tranh cao thông qua các nền tảng kỹ thuật số, tất cả đều dẫn đến mức giá thấp hơn.

Cần phải khẳng định rằng gam màu lạc quan vẫn chiếm vai trò chủ đạo, GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tỏ ra rất lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới dưới tác động của CMCN 4.0. Ông viết:

Thứ nhất, CMCN 4.0 mang lại cơ hội để hợp nhất các nhu cầu chưa được đáp ứng của 2 tỉ người vào nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến các nhu cầu tăng thêm cho các sản phẩm và dịch vụ sẵn có, bằng cách trao quyền và kết nối các cá nhân và cộng đồng trên toàn thế giới với nhau.

Thứ hai, CMCN 4.0 sẽ làm tăng đáng kể khả năng giải quyết các tác động ngoại biên tiêu cực của chúng ta và trong quá trình đó, sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Lấy ví dụ khí thải các-bon, một tác động ngoại biên tiêu cực cơ bản. Cho đến gần đây, đầu tư xanh chỉ hấp dẫn khi được hưởng trợ cấp lớn từ Chính phủ. Điều và ngày càng không đúng. Các tiến bộ công nghệ nhanh chóng về năng lượng tái tạo, tiết kiệm nhiên liệu và dự trữ năng lượng không chỉ làm cho đầu tư trong những lĩnh vực này ngày càng có lợi nhuận, thúc đẩy tăng trưởng GDP, mà còn góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, một trong những thách thức toàn cầu lớn của thời đại chúng ta.

Thứ ba, như tôi sẽ bàn đến trong phần tiếp theo, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Chính phủ và xã hội dân sự mà tôi tiếp xúc đều nói với tôi rằng họ đang đấu tranh để thay đổi tổ chức của họ, để có thể khai thác đầy đủ các hiệu quả mà năng lực số mang lại. Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của CMCN 4.0, và nó sẽ đòi hỏi các cấu trúc kinh tế và tổ chức hoàn toàn mới để nắm bắt đầy đủ giá trị của họ. Để giữ thế cạnh tranh, cả các công ty và quốc gia đều phải đạt lời giới hạn của sự đổi mới trong mọi hình thức, điều đó có nghĩa là các chiến lược tập trung chủ yếu vào việc giảm chi phí sẽ kém hiệu quả hơn so với các chiến lược dựa trên việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với những cách thức sáng tạo hơn. Như chúng ta thấy ngày nay, các công ty đã thành lập từ trước đang chịu những áp lực tột cùng gây ra bởi các nhân tố phá vỡ oà đổi mới mới nổi từ các ngành công nghiệp và ở cả các nước khác. Điều tương tự có thể đúng đối với các quốc gia không nhận ra sự cần thiết phải tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới một cách phù hợp.”

Xem thêm bài viết: Những khái niệm cơ bản của Cách mạng 4.0

(Nguồn: Hướng Nghiệp 4.0 – Ths. Vũ Tuấn Anh – Ths. Đào Trung Thành )

| Tags |

Bài viết khác
Những khái niệm cơ bản của Cách mạng 4.0

Những khái niệm cơ bản của Cách mạng 4.0

Ngày đăng 18/07/2021
Theo Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0) xuất phát từ khái niệm “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. Khái niệm “Industrie 4.0” là xây dựng một nền công nghiệp, trong đó kết nối các hệ thống nhúng (embedded system) và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong hệ thống này.
Virtual Reality: Thực tế ảo - Cơ hội thật

Virtual Reality: Thực tế ảo - Cơ hội thật

Ngày đăng 13/07/2021
Virtual Reality (Thực tế ảo) thường được viết tắt là VR, đang là một trong những công nghệ đang được săn đón ở rất nhiều ngành nghề và nhiều lĩnh vực. Vậy VR là gì và chúng đang được ứng dụng ra sao? Cơ hội nào cho Designer khi VR đang lớn hơn từng ngày? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Bài viết khác
Những khái niệm cơ bản của Cách mạng 4.0

Những khái niệm cơ bản của Cách mạng 4.0

Ngày đăng 18/07/2021
Theo Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0) xuất phát từ khái niệm “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. Khái niệm “Industrie 4.0” là xây dựng một nền công nghiệp, trong đó kết nối các hệ thống nhúng (embedded system) và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong hệ thống này.
Virtual Reality: Thực tế ảo - Cơ hội thật

Virtual Reality: Thực tế ảo - Cơ hội thật

Ngày đăng 13/07/2021
Virtual Reality (Thực tế ảo) thường được viết tắt là VR, đang là một trong những công nghệ đang được săn đón ở rất nhiều ngành nghề và nhiều lĩnh vực. Vậy VR là gì và chúng đang được ứng dụng ra sao? Cơ hội nào cho Designer khi VR đang lớn hơn từng ngày? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Liên hệ với VTC Academy

    Tôi đã đọc và đồng ý với Điều khoảnChính sách bảo mật của VTC Academy.

  • Hà Nội: 0981 114 757
  • Đà Nẵng: 0865 098 399
  • Hồ Chí Minh: 0818 799 299