Khám phá phương pháp vá lỗ hổng kiến thức trong tích tắc
Các bạn đã từng gặp khúc mắc trong học tập chưa? Dù rằng đã rất chăm chú nghe thầy cô giảng bài thì bạn vẫn cảm thấy không hiểu? Gặp một bài toán khó nhưng không biết cách giải vì “trót đánh rơi cây bút” khi thầy giảng bài? Khi đó bạn sẽ đọc sách tham khảo, sách giáo khoa để tìm cách giải quyết nhỉ?
Đôi khi chúng mình cũng rơi vào tình trạng không rõ mình không hiểu chỗ nào. “Không rõ mình không hiểu chỗ nào” tức là bạn không biết mình phải bắt đầu học từ đâu. Nếu vẫn học tiếp trong tình trạng như vậy sẽ rất nguy hiểm đấy!
Xem thêm bài viết: Làm sao để đối phó với những môn học mình “không yêu”
Vì càng học sẽ càng có nhiều chỗ không hiểu hơn. Điều đó chỉ làm tình hình rối loạn thêm thôi. Nó cũng tương tự như việc bạn tiếp tục sử dụng một món đồ điện đã hỏng vậy. Như vậy không nguy hiểm hay sao?!
Bình thường nếu tivi trong nhà bị hỏng, không biết cách sửa thì chúng ta sẽ mang đến cửa hàng hoặc trung tâm bảo hành để chỉnh lại chỗ bị hỏng cho chúng ta. Học hành cũng giống như vậy đấy. Chúng ta phải học hoặc chỉnh sửa lại những phần mà mình chưa hiểu.
Mình sẽ chia sẻ cho các bạn 5 bí quyết để “lấp lại lỗ hổng kiến thức” hiệu quả nhất mà mình đã đúc kết lại từ thầy cô và những người bạn “con nhà người ta” của mình.
1. Truy ngược về những chỗ mình vẫn còn hiểu
Hãy truy ngược về tới những chỗ mình vẫn còn hiểu! Có thể bạn sẽ phải đi đến kiến thức lớp 7 hoặc cách tính phân số thời tiểu học, nhưng biết đâu bạn có thể tìm ra được nguồn gốc của kiến thức mà mình chưa hiểu. Khi đó bạn chỉ cần quay ngược lại những kiến thức nền tảng trước đó để học lại từ đó là được rồi.
2. Hỏi ý kiến từ những bạn học khá hơn
“Học thầy không tày học bạn”, hãy thử hỏi ý kiến từ bạn bè của bạn. Tất nhiên, bạn nên hỏi cả ý kiến của thầy cô nữa. Nhưng tâm sự và nghe lời khuyên từ những “cô cậu” cùng tuổi vẫn gần gũi và dễ chịu hơn đúng không nè? Hãy thử tâm sự với bạn bè như thế này xem sao: “Gần đây mình học toán mà chẳng vào gì cả. Chắc là có chỗ nào đấy không hiểu nhưng hình cũng chẳng rõ nữa. Thế cậu thì sao, cậu cảm thấy môn toán thế nào?”
Bạn sẽ ngạc nhiên với lời khuyên từ những người bạn của mình đấy!
3. Thử đọc sách giáo khoa
Sách giáo khoa là loại sách tổng hợp những kiến thức căn bản và có hệ thống phù hợp cho từng độ tuổi. Nhiều bạn sẽ cảm thấy nội dung trong sách giáo khoa “tẻ nhạt” và “khó xơi” nhưng kiến thức trong đó thật sự rất hữu ích cho việc học của chúng ta đấy! Những bạn nào chưa đọc kĩ nội dung trong sách giáo khoa, hãy thử một lần xem sao.
Có thể các bạn sẽ có những phát hiện mới mẻ mà trước đây các bạn chưa nhận ra khi nghe giảng trên lớp đấy! Làm như vậy, các bạn có thể quay về phần căn bản của kiến thức rồi!
4. Viết câu hỏi vào giấy ghi chú
Giấy ghi chú là công cụ đắc lực hỗ trợ việc học cho chúng ta. Có rất nhiều mẫu giấy có thiết kế đáng yêu và bắt mắt trên thị trường khiến chúng ta nhìn thấy chỉ muốn “rinh ngay về dinh” thôi! Khi học trên lớp cũng như ở nhà, nếu có chỗ nào chưa hiểu, bạn có thể viết lên giấy ghi chú và dán luôn vào vở, sách giáo khoa và hỏi thầy cô, bạn bè. Sau khi hỏi được lời giải từ thầy cô hoặc bạn bè thì chỉ việc gỡ ra là xong.
5. Viết ra những chỗ mình đã hiểu
Ngược lại với bước số 4, các bạn có thể thử cách viết ra tất cả những điều mình đã hiểu vào giấy ghi chú và dán chúng ở những nơi bạn dễ dàng nhìn thấy nhất: trên tường trong phòng riêng, trên bàn học, trong sách vở,… Như vậy bạn có thể thường xuyên ôn lại những kiến thức cũ.
Xem thêm bài viết: 5 bí quyết “đối phó” với mọi loại đề
Kết
Trong quá trình học tập và làm việc, sẽ có những lúc chúng ta không hiểu mình đang làm gì, đang học gì. Những lúc như vậy có thể khiến chúng ta hoang mang và mất phương hướng học tập. Đừng lo lắng, hãy bình tĩnh và tìm nguyên nhân khiến cho chúng ta không hiểu bài, cách giải quyết phù hợp và nhanh chóng.
Khi tìm được chỗ mình chưa hiểu, hãy học lại từ chỗ đó ngay!
Hy vọng những tip nhỏ này sẽ giúp ích cho các bạn chinh phục tất cả mọi môn học!
(Nguồn: Bí kíp cho người mới bắt đầu)