Chân Dung Người Dùng Mạng Xã Hội
Thách thức 10 năm là một trào lưu cách đây không lâu trên các trang mạng xã hội online, trong đó cư dân mạng đăng tải hình ảnh của họ 10 năm trước song song với chính họ của hiện tại. Họ muốn thể hiện sự thay đổi hoặc không thay đổi của mình trong ngoại hình và phong cách. Nhưng hãy thử suy nghĩ xem, nếu có một bức hình lột tả được tâm lý và hành vi của họ trong 10 năm với tư cách người dùng mạng xã hội thì sao?
Trước khi trả lời những câu hỏi này, hãy cùng VTC Academy tìm hiểu thử xem thế nào là mạng xã hội.
Mạng xã hội – hơn cả nghìn năm
Nếu bạn hỏi ai đó mạng xã hội là gì, thì xác suất lớn họ sẽ định nghĩa bằng các ví dụ như Facebook, Instagram hay Zalo, Nếu bạn hỏi Google, kết quả trả về có lẽ cũng tương tự. Người ta đang nhầm lẫn giữa mạng xã hội và các dịch vụ mạng xã hội online. Về bản chất, mạng xã hội là một cấu trúc xã hội hình thành bởi một nhóm các chủ thể xã hội, bởi các mối liên hệ song phương và các tương tác khác giữa họ.
Như vậy, chỉ cần hai người có một mối quan hệ nhất định thì đó cũng là một mạng xã hội. Tương tự, một gia đình, một lớp học, một công ty cũng là các ví dụ cho mạng xã hội của loài người đã có cả ngàn năm nay chứ không phải chỉ có nhờ internet. Quan trọng hơn, định nghĩa này chỉ ra rằng mạng xã hội xem xét cá nhân trong các mối quan hệ tương tác với chủ thể khác. Hệ quả là, khi phân tích sự thay đổi của con người trên mạng xã hội ta không chỉ dừng lại ở phân tích ở một cá nhân hay một nhóm đơn lẻ, mà theo dõi và phân tích sự thay đổi các mối quan hệ và tương tác giữa các cá nhân/nhóm với nhau.
Mặc dù định nghĩa mạng xã hội rộng hơn như đã nói, bài viết này VTC Academy tập trung vào sự thay đổi trong 10 năm qua của mạng xã hội tại Việt Nam dưới góc độ người dùng. Cụ thể hơn, mạng xã hội được giới hạn trong bài viết là các dịch vụ mạng xã hội online – các nền tảng số trong đó các cá nhân xây dựng các mối quan hệ xã hội với người khác. Vậy chân dung của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam 10 năm qua đã thay đổi như thế nào?
2009 – “Thiếu nữ dậy thì”
Năm 2007, bạn mở tài khoản Facebook vì tò mò nhưng không biết sử dụng thế nào nên bỏ nó vào xó. Hết năm 2007, bỗng dưng có thêm hai người quen kết bạn nhưng cũng không thêm được tương tác gì. Đến 2008, có thêm vài người bạn, viết được một cái ghi chú, đăng một trạng thái và được một bạn viết lên dòng thời gian. Cũng như nhiều người khác, thời gian để các tương tác xã hội trên mạng của bạn chủ yếu là qua email, các diễn đàn, các dịch vụ blog như Yahoo! 360, các dịch vụ chất như Yahoo! Messenger hay Skype. Các dịch vụ đó vẫn chỉ có những tính năng cơ bản, chưa hỗ trợ tương tác xã hội mạnh và vẫn cho phép người dùng dùng danh tính ảo. Năm 2009 đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ khi Facebook chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Nhờ thế mà đến cuối năm, số lượng bạn bè đã lên hàng trăm, và đã có tương tác sôi động hàng ngày trên nền tảng này.
Sự thay đổi đột ngột này cũng tương tự như những thay đổi của tuổi dậy thì đối với người dùng Việt. Các cô cậu mới lớn một ngày bỗng phát hiện những biến đổi lạ thường của cơ thể, của tâm hồn nhưng đa số chưa hiểu ngay những ý nghĩa của những thay đổi tâm sinh lý này. Tương tự, mạng xã hội như một thế giới mới, một công cụ mới có vẻ đầy hứa hẹn nhưng vẫn còn khó hiểu. Khác với phương Tây, xã hội Á Đông đã mang sẵn tính cộng đồng cao vì thế các công cụ hỗ trợ online cho kết nối và duy trì các quan hệ xã hội dường như không cần thiết vào thời điểm đó. Nếu như dân phương Tây ngay từ ban đầu dùng Facebook để tìm lại bạn cũ, kết nối với người thân hay tạo mạng lưới xã hội rộng hơn và duy trì chúng thì người Việt vào năm 2009 dùng Facebook và các mạng xã hội theo mục đích khác, với những động lực khác.
Như đã nói, xã hội Việt Nam có tính cộng đồng cao. Các mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc khá bền chặt. Trực tiếp hay không trực tiếp, ai cũng biết ai đang làm gì, quan hệ với ai, thậm chí còn thường có thói quen quan tâm hơi quá mức vào chuyện của người khác. Bởi vậy, về cơ bản các dịch vụ Mạng xã hội online không đóng góp nhiều lắm trong việc giúp gắn kết và làm khăng khít hơn các mối quan hệ của người Việt.
Tuy nhiên, vấn đề là không phải lúc nào tâm tư, suy nghĩ, sở thích cá nhân cũng được bộc lộ trong đời thực. Yahoo! 360, các blog, diễn đàn,… đã giúp người Việt lấp đầy sự thiếu sót trong cuộc sống nội tâm này. Trong khi đó, Facebook hay Twitter với các status ngắn khiến cho người Việt cảm thấy bỡ ngỡ lúc ban đầu. Người Việt chuyển sang Facebook thời điểm ấy đa phần là do các yếu tố khách quan: Yahoo! 360 đóng cửa và tâm lý đám đông. Có cả một bộ phận chuyển sang và sử dụng Facebook vì bị lôi kéo chơi game trên đó. Chính vì thế, nhiều người cho rằng Facebook chỉ là nhất thời và hoài nghi về tương lai của nó tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, các công ty – tổ chức trong nước lần lượt cho ra đời các MXH của riêng mình: Zing Me của VNG, banbe.net của FPT, Go.vn của VTC hay Tamtay.vn và Yume.vn. Họ tự tin cho rằng MXH của họ phù hợp với xã hội Việt và sẽ đánh bật Facebook. Đã có lúc, Zing me thông báo họ có số lượng người dùng cao hơn Facebook tại Việt Nam. Thế nhưng họ đã quên rằng, công nghệ không chỉ phục vụ xã hội mà còn thay đổi xã hội và kết cấu của nó. Cùng với toàn cầu hóa, các công nghệ truyền thông đang thay đổi mạng xã hội mạnh mẽ suy nghĩ, quan điểm, hành vi và cách thức tương tác xã hội của người Việt. Người Việt đang tiếp cận những nhu cầu từ thế giới bên ngoài và hơn nữa chính các công nghệ mới của các tạo ra nhu cầu mới mà trước nay người dùng không có. Điều đó có nghĩa là một mạng xã hội thiết kế trên nhu cầu của người Việt ở một thời điểm chưa chắc đã thành công trong tương lai. Dù 2009, người dùng vẫn còn bỡ ngỡ với mạng xã hội nhưng nó như một chân trời mới mở ra nhiều khả năng mới mà họ sẽ khám phá và khai thác sau này.
2019 – Những phụ nữ tinh khôn có phải vậy chăng ?
Chỉ trong 10 năm, số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam đã tăng gấp 60 lần, đạt 61 triệu người dùng, đứng thứ 7 trên toàn thế giới. Độ phủ của Facebook tại Việt Nam lên tới hơn 60% tính trên toàn dân số. Nếu cộng các MXH khác như Zalo, Instagram hay các mạng xã hội tin nhắn thì số người dùng mạng xã hội và độ phủ lớn hơn rất nhiều. Con số hơn 60% cho thấy cơ cấu người dùng mạng xã hội Việt Nam rất đa dạng.
Nếu như 2009, người dùng mạng xã hội chủ yếu là người trẻ tuổi thì 2019 bạn có thể thấy bố mẹ thậm chí ông bà mình còn sử dụng mạng xã hội nhiều hơn mình. Cơ cấu địa lý cũng thay đổi, thay vì chỉ tập trung ở các thành phố lớn thì hiện nay mạng xã hội còn phổ biến ở mọi tỉnh thành trên toàn quốc, dù thành thị hay nông thôn. Vì người dùng mạng xã hội thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau nên việc phân tích các động cơ và tâm lý người dùng cũng phải phân hóa tương ứng.
Sự phổ biến và dễ tiếp cận của smartphone và internet tới một vùng và đối tượng đã giúp nảy sinh một nhóm người dùng mạng xã hội mới là nhóm 50-60 tuổi. Mục đích sử dụng của họ đa phần đơn giản chỉ là để theo dõi, liên lạc con cái, người thân, bạn bè cùng trang lứa. Họ không biết và sử dụng nhiều tính năng tích hợp cũng như chỉ dùng một dịch vụ chứ không đa dạng như các đối tượng trẻ hơn. Việc so sánh đối tượng này của 2019 và 2009 là không có vì 10 năm trước đối tượng này là cực ít.
Bởi vậy, để thực sự hiểu rõ sự thay đổi trên khía cạnh hành vi ,tâm lý và động lực người dùng trong 10 năm qua thì lựa chọn thích hợp nhất là nhóm tuổi 18-39 – nhóm chiếm tỉ lệ sử dụng mạng xã hội cao nhất. Hơn nữa nhóm này hiện diện trong suốt cả 10 năm qua.
Một trong những thay đổi lớn nhất là sự đa dạng hóa và chuyên môn hóa . Mặc dù người dùng có ít sự lựa chọn hơn trước, nhưng những sự lựa chọn này lại đa dạng hơn trước. Không chỉ có các mạng xã hội chung như Zalo hay Facebook mà còn có các mạng xã hội chuyên về hình ảnh như Instagram, Pinterest, video như Youtube, TikTok, cho nghề nghiệp như LinkedIn, địa điểm như Foursquare, cho dân thiết kế như Behance, lập trình như Github, học thuật như academia.edu,… Nhiều trong số này đã có mặt từ 2009 và trước đó, nhưng sau này mới trở thành mạng xã hội thực sự và người dùng mới bắt đầu tận dụng sức mạnh của chúng.
Sự xuất hiện và mạnh lên dần của các mạng xã hội chuyên dụng khiến Facebook giảm dần sức hút. Điều này cũng dễ hiểu bởi trước đây nhiều người dù không thích Facebook nhưng vẫn buộc phải dùng vì không còn lựa chọn nào khác. Nhưng khi có thêm nhiều lựa chọn phù hợp hơn, họ sẽ từ bỏ Facebook hoặc ít dùng hơn.
Một nguyên nhân khác cho sự suy giảm sức hút của Facebook là những sức ép đến từ bầy nhóm xã hội và thẩm tra xã hội. Sức ép đầu tiên là việc bạn sử dụng một mạng xã hội chuyên nghiệp nào đó vì những người cùng ngành, cùng sở thích, cùng tầng lớp cũng đang sử dụng nó.
VD : Xã hội có xu hướng không coi trọng một giáo sư Đại học có tài khoản Tinder, bởi họ kỳ vọng một người với địa vị và học thức như ông ta nên sử dụng academia.edu để chia sẻ kiến thức và kết nối với các nhà học thuật khác.
Liên quan tới sức ép đó là sự thẩm tra xã hội, tức là khi bạn muốn vào một bầy nhóm xã hội nào đó thì các mạng xã hội của bạn đôi khi cũng bị xem xét và đánh giá. Điều này dẫn đến việc chuyển đổi MXH của người dùng.
VD: Nhiều người khóa/sửa đổi tài khoản Facebook và lập/cập nhật LinkedIn khi có kế hoạch xin việc mới. Nghe các sức ép này có vẻ tiêu cực nhưng chúng cũng có mặt tích cực. Một mặt mạng xã hội chuyên ngành sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm được những người có cùng sở thích, chí hướng, trao đổi các vấn đề một cách liên quan và chính xác hơn.
VD: Khi muốn “khoe” các thiết kế đồ họa và nhận được nhận xét của người trong ngành, các nhà thiết kế sẽ chia sẻ trên Behance tốt hơp là trên Facebook. Mặt khác, các mạng xã hội chuyên dụng cũng có nhiều tính năng phục vụ tốt hơn cho mảng/đối tượng mà chúng nhắm đến.
VD: Muốn chia sẻ code lập trình không ai thực hiện nó trên Facebook mà họ sẽ lên Github.
Sự dịch chuyển từ Facebook không những sang các mạng xã hội chuyên ngành mà còn sang các mạng xã hội “trẻ” hơn. Nguyên nhân chính là tâm lý đối kháng thế hệ. Khi các thế hệ già hơn bắt đầu sử dụng mạng xã hội của thế hệ trẻ thì mạng xã hội đó sẽ mất đi tính “trẻ”, “cool”, và thế hệ trẻ sẽ tìm mạng xã hội của riêng mình.
Nói như vậy không có nghĩa là người dùng bỏ mạng xã hội này sang mạng xã hội khác. Một người có thể có nhiều mạng xã hội khác nhau trong cả đời thực lẫn trên mạng. Tương tự, người dùng sử dụng các dịch vụ mạng xã hội khác nhau để thể hiện các vai trò khác nhau. Nếu muốn thể hiện vai trò của một stylist tài năng thì Instagram là nơi để diễn. Nếu đang đóng vai trò nhà tuyển dụng chuyên nghiệp thì Linkedin là một lựa chọn tốt.
Nếu là một người tìm kiếm hẹn hò thì dùng Zalo, Tinder. Những thông tin trên hoàn toàn có thể truyền tải trên Facebook nhưng nó sẽ kém hiệu quả và đôi khi phản tác dụng. Người dùng ngày càng trở nên tinh tế và thông thái hơn, họ nhận ra rằng các mạng xã hội đang phân cấp, chuyên môn hóa, phục vụ những vai trò và động cơ khác nhau.
Nói đến động cơ, đây là một thay đổi lớn trong 10 năm qua của người dùng mạng xã hội. Năm 2009, người dùng chủ yếu tham gia Facebook để kết nối với người đã quen biết, để chuyện trò, để viết status, chơi game thì nay một động cơ mới nảy sinh mà trước đây họ không hề nghĩ đến: Tạo ảnh hưởng xã hội. Điều này tác động đến sự thay đổi hành vi trên mạng xã hội. Những gì họ đăng được chọn lọc, chăm chút hơn trước để thể hiện một hình ảnh hoàn hảo nhất, hạnh phúc nhất, thậm chí khác xa với thực tế. Số lượng kết bạn hay theo dõi cũng tăng gấp bội. Một bộ phận đi xa hơn nữa để tạo ảnh hưởng vượt xa vòng xã hội sẵn có của mình.
Động cơ vật chất cũng là một động cơ xuất hiện trong 10 năm qua trên mạng xã hội. Mọi người đã đủ khôn ngoan nhận ra rằng sức ảnh hưởng mạng xã hội chính là một loại tiền tệ, quyền lực mới. Người có ảnh hưởng thì có thể kiếm tiền nhờ PR, quảng cáo cho các doanh nghiệp. Một tỷ lệ không nhỏ người dùng cũng kinh doanh, bán các sản phẩm, dịch vụ. Hơn ở đâu hết, Facebook tại Việt Nam đã chuyển mình từ một mạng giao tiếp xã hội thành một mạng quảng cáo – mua bán. Nhiều người đến Facebook vì lý do này, nhiều người ra đi và đến nơi khác cũng bởi vậy.
Tạm kết
Dường như người dùng ngày càng tinh khôn hơn trong việc khai thác và tận dụng mạng xã hội để phục vụ cho các mục đích của mình. Năm 2009 họ vẫn còn ngây thơ, bỡ ngỡ như một cô gái mới lớn trước một thế giới mới tràn ngập những điều mới mẻ thì 2019 họ đã trưởng thành như những phụ nữ trưởng thành biết nắm bắt cơ hội để tiến tới. Nhưng liệu họ có thực sự tinh không? Liệu họ đang tận dụng mạng xã hội hay mạng xã hội đang tận dụng họ? Ai cũng biết sử dụng các mạng xã hội là đang tự cho không các thông tin cá nhân và mọi tương tác xã hội trên đó.
Các dịch vụ mạng xã hội đang hiểu chính người dùng hơn là người dùng hiểu chính họ. Có giả thuyết rằng #10yearchallenge là công cụ để các mạng xã hội thu thập dữ liệu để huấn luyện cỗ máy trí thông minh nhân tạo nhận diện và suy đoán được sự thay đổi của khuôn mặt. Hãy tưởng tượng, 10 năm tới cho dù bạn đã đoạn tuyệt với mạng xã hội, gương mặt bạn đã có nhiều thay đổi nhưng đi đến đâu Facebook đều theo dõi và nhận ra bạn. Chúng còn đoán được bạn sẽ làm gì hay nghĩ gì. Làm thế nào để thoát khỏi sự kiểm soát toàn năng đó? VTC Academy nghĩ rằng đó chính là thách thức của bạn trong năm 2029.