Hướng nghiệp Trung học phổ thông: Nền tảng bền vững cho sự nghiệp tương lai
Để giúp nhiều bạn học sinh có được những nền tảng hướng hiệp hiệu quả, trong bài viết này VTC Academy xin gửi đến độc giả những trao đổi giữa VTC Academy và ông Vũ Tuấn Anh – chuyên gia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng. Hy vọng rằng, bài viết sẽ giúp những học sinh lớp 12 và phụ huynh giải tỏa được những băn khoăn trước con đường lựa chọn nghề nghiệp.
Tại sao việc hướng nghiệp THPT cụ thể là lớp 12 lại ảnh hưởng sâu sắc tới khả năng tìm việc làm của các sinh viên?
Như tôi trao đổi trong các bài viết trước giáo dục là sự kết nối từ bậc THPT đến lúc vào trường nghề, Cao đẳng, Đại học cho đến khi vào làm tại các công ty, doanh nghiệp. Xét trên phương diện lý thuyết, hướng nghiệp phải trong ba cấp. Trên thực tế, hướng nghiệp lớp 12 là quan trọng nhất tại Việt Nam.
Học sinh chọn sai nghề có thể điều chỉnh khi học Đại học. Khi ra trường, các bạn sinh viên mới tốt nghiệp cũng có thể điều chỉnh lại. Tuy nhiên, nếu chọn đúng nghề đúng ngành và đúng trường ngay tại lớp 12 sẽ tạo giá trị nhất định cho bản thân sinh viên, nhà trường gia đình và xã hội do các em sẽ ham thích học tập nghiêm túc và yêu mến nghề nghiệp mà mình chọn. Điều này dẫn tới khả năng có việc làm cao hơn khi tốt nghiệp Đại học. Ngược lại, các em học sinh lớp 12 sẽ rơi vào mô hình 4H: hướng nghiệp cho có, hiểu nghề qua loa, học chỉ lấy điểm, hành cốt đại khái sẽ dẫn tới câu chuyện đáng buồn: Lễ tốt nghiệp là lễ thất nghiệp. Rất nhiều các bạn sinh viên than thở về chọn ngành nghề sai dẫn tới chán nản trong học tập và thờ ơ trong các hoạt động thực tập. Các bạn học sinh lớp 12 đã tự lập trình thất bại khi chọn lựa nghề nghiệp sai.
Với cương vị chuyên gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng, ông đánh giá thế nào về công tác hướng nghiệp chung trong toàn xã hội?
Theo nhận định của tôi, cha mẹ và phụ huynh ai cũng rất hiểu, muốn và tha thiết với hướng nghiệp cho con cái vì sau một thời gian, xã hội đã nhận thức thấy rằng hướng nghiệp rất quan trọng vì nhiều lý do.
Lý do quan trọng nhất là chọn đúng nghề sẽ đảm bảo cuộc sống cho con cái và gia đình. Chúng ta không nói, các phụ huynh và gia đình cũng coi vấn đề này là sinh tử. Câu chuyện đây là mỗi người, mỗi gia đình, mỗi học sinh sẽ hiểu và vận dụng hướng nghiệp theo những phương pháp khác nhau. Hướng nghiệp chỉ đơn giản là cha mẹ quen nhiều và có kinh nghiệm nhiều thì con cái sẽ vào ngành đó. Hướng nghiệp là chọn ngành “hot” có nhiều tiền. Tất cả đều là một trong nhiều phương pháp hoặc quy trình hướng nghiệp. Ví dụ trong quy trình hướng nghiệp người thân là quan trọng, các điểm yếu như trình độ, kỹ năng, mong muốn nghề nghiệp sẽ dễ dàng được quan hệ thân quen hỗ trợ.
Lựa chọn ngành hot cũng có các lợi thế khi dễ tìm việc có thu nhập. Sau một thời gian hết “hot” như ngân hàng bây giờ thì có thể chuyển sang ngành nghề khác. Mọi phụ huynh đều coi rằng quy trình của mình là tốt, tối ưu và tạo nhiều giá trị nhất cho gia đình và con em. Mấu chốt theo tôi chúng ta nên cung cấp cho cha mẹ và các em một quy trình hiệu quả với công cụ, thông tin và các hướng dẫn chi tiết. Phương pháp hướng nghiệp tự phát là tốt nhưng nếu cha mẹ hiểu sâu về hướng nghiệp sẽ còn tạo nhiều giá trị cho bản thân và con cái hơn nữa.
Sau khi thực hiện theo quy trình hiệu quả cùng với các thông tin đầy đủ, chính xác và phong phú, tự cha mẹ và học sinh sẽ cân nhắc cái gì tốt và cái gì không tốt để theo. Ví dụ: Tôi phân tích chi tiết chi phí học Đại học tại các thành phố lớn bao gồm chi phí thật và chi phí cơ hội là khoảng 300 triệu cho 4 năm. Cha mẹ và các em học sinh sẽ tự cân nhắc bỏ ra 300 triệu rồi chứng kiến “Lễ tốt nghiệp là Lễ thất nghiệp” hay là học nghề tốn 100 triệu và ra có việc làm ngay với mức lương 23 triệu bền vững? Toàn bộ hệ thống và công tác hướng nghiệp nên tập trung mạnh vào việc xây dựng và cung cấp thông tin và kiến thức về hướng nghiệp cho xã hội. Chúng ta không thể định hướng thay cho bố mẹ và học sinh vì một lẽ rất đơn giản và bản chất: Mỗi cá nhân có quyền cao nhất trong quyết định và lựa chọn tương lai cho chính họ.
Theo ông, khâu đột phá trong vấn đề hướng nghiệp thời gian tới sẽ phải như thế nào nhằm giúp các em học sinh lớp 12?
Chúng ta cần thừa nhận văn hóa châu Á còn ngự trị trong mỗi gia đình Việt Nam. Cha mẹ vẫn là những người quyết định trong việc lựa chọn nghề và phương pháp lựa chọn nghề cho con em của họ. Như tôi trao đổi, có một điểm quan trọng: Mọi gia đình Việt Nam chúng ta đều coi trọng sự học. Như vậy đột phá phải tập trung vào phụ huynh học sinh thay vì chỉ là học sinh như trong thời gian trước đây. Đầu tiên các chương trình truyền thông tại nhà trường và xã hội cần tạo ra nhận thức cho cha mẹ.
Cha mẹ các bạn học sinh lớp 12 cũng cần nắm được các thông tin và cách thức hướng nghiệp hiệu quả. Họ sẽ nhận được nhiều thông tin bổ sung cho cách hướng nghiệp mà họ vẫn tin là hiệu quả. Thứ hai, chúng ta cần các cổng thông tin hướng nghiệp không vụ lợi nhằm truyền tải thông tin hiệu quả cho cha mẹ học sinh. Trên thực tế các chương trình hướng nghiệp của các trường Đại học mang nặng tính chất “hướng trường” hơn là hướng nghiệp. Ở đây vai trò của các cổng thông tin xã hội rất quan trọng vì nó mang tính chất trung tính. Thứ ba, chúng ta cần có những ngày hội hay sự kiện – nơi bố mẹ và các em học sinh có thể cùng tham gia, tìm hiểu và đưa ra những thông tin xác đáng.
Ông nghĩ thế nào về câu chuyện xã hội hóa hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 12?
Xã hội hóa chắc chắn sẽ là xu hướng qua hướng nghiệp nói riêng và giáo dục nói chung. Để hướng nghiệp hiệu quả, chúng ta cần rất nhiều các hoạt động như trí cụ thể, các thay đổi và biến chuyện của dự báo nhu cầu lao tham quan, nghiên cứu, cập nhật thông tin các ngành nghề, các bài trắc nghiệm chuyên môn và tư vấn chuyên sâu,…
Làm sao thực hiện đầy đủ chúng ta cần rất nhiều nguồn lực về tài chính , con người, thời gian và tri thức. Nếu chỉ nhìn vào lực lượng giáo viên và quản lý giáo dục tại các trường thì chắc chắn không thể nào thực hiện tốt và hiệu quả, mặc dù các thầy cô rất tâm huyết muốn làm cho các em học sinh. Xã hội hóa đầu tiên chính là làm thế nào để bố mẹ và các em học sinh hướng nghiệp cùng nhau.
Xã hội hóa – đó là làm thế nào để tận dụng nguồn lực của các cơ quan nhà nước như Trung Tâm Dự Báo Nguồn Nhân Lực. Xã hội hóa – đó là làm thế nào tận dụng nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và quan hệ của các trường đại học tuyển sinh. Xã hội hóa – đó là làm thế nào các doanh nghiệp và tổng công ty tâm huyết với sự nghiệp phát triển nhân lực đóng góp tài nguyên cho các hoạt động hướng nghiệp. Xã hội hóa – đó là nhân rộng và phát triển các chương trình hướng nghiệp từ các tổ chức phi Chính phủ hoặc lợi nhuận như Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla – măng khi họ xây dựng bộ giáo trình hướng nghiệp chuẩn từ lớp 9 cho tới lớp 12. Xã hội hóa có ý nghĩa tập trung và sử dụng toàn bộ nguồn lực từ mọi tổ chức cá nhân trong xã hội cho mục tiêu hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh.
Ông có thể giải thích quan điểm của ông về vai trò nhà trường và các thầy cô trực tiếp hướng nghiệp tại các trường cấp 3 hay không?
Xã hội hóa cũng cần phải có những người thực thi chính. Vai trò của nhà trường và các thầy cô cấp 3 quan trọng ngang với phụ huynh và học sinh vì họ phụ trách và tương tác trực tiếp. Tất cả các chương trình và hành động xã hội như tôi đề cập chỉ là hỗ trợ đứng sau các thầy cô hướng nghiệp.
Các thầy cô hướng nghiệp là mắt xích cuối cùng và quan trọng nhất mang những giá trị mà xã hội đã tạo ra tới phụ huynh và học sinh. Không có sự tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm của các thầy cô giáo cấp 3, chắc chắn sẽ không thể tạo ra chương trình hướng nghiệp hiệu quả.
Ông vừa đề cập tới hiện tượng các trường đại học thực hiện Hướng trường chứ không phải Hướng nghiệp. Ông có thể giải thích và đưa ra những gợi ý cho công tác này được tốt hơn trong kỳ tuyển sinh các năm kế tiếp hay không?
Như tôi đã trao đổi, trong các trường Đại học chi phí đầu tư cho tuyển sinh – “hướng trường” chiếm một tỷ trọng khá lớn. Chúng ta có thể thấy qua tần suất quảng cáo và các hoạt động tuyển sinh. Theo quan sát của tôi, các trường thật sự có đẳng cấp và uy tín luôn luôn thực hiện các chương trình hướng nghiệp đúng nghĩa.
Ví dụ một trường đại học chuyên về tài chính tại TPHCM, thay vì Hướng trường thông báo các hoạt động tuyển sinh như học bổng, học phí,… nhà trường sẽ tư vấn cho phụ huynh học sinh hiểu về ngành tài chính, những cơ hội và thử thách. Nhà trường sẽ đưa ra những thông tin, bài trắc nghiệm giúp phụ huynh và học sinh hiểu về ngành, nghề, năng lực nhà trường cùng với đánh giá năng lực, tính cách và sở thích nghề nghiệp của các em học sinh lớp 12 và phụ huynh.
Thông qua quá trình hướng nghiệp đó, cha mẹ sẽ lựa chọn và gửi con vào trường. Lý do thứ hai các trường Đại học nên thực hiện hướng nghiệp thật sự vì nếu họ đầu tư vào hướng nghiệp thì họ có thể giải quyết cả hai bài toán đầu vào – hướng nghiệp và đầu ra – tuyển dụng việc làm cho sinh viên trên cùng một khoản đầu tư.
Theo ý kiến tôi về lâu dài, đầu ra sẽ quyết định đầu vào. Chẳng có phụ huynh hay học sinh nào thích thú với công tác hướng trường rầm rộ để rồi 4 năm sau chứng kiến Lễ tốt nghiệp là Lễ thất nghiệp trừ phi cha mẹ và các em học sinh đó cùng đồng thuận – tấm bằng Đại học là trang sức đắt tiền treo trong gia đình khi học các trường Đại học đó.
Ông có lời khuyên nào dành cho các quý phụ huynh của học sinh lớp 12 trong công tác hướng nghiệp hay không?
Các quý vị phụ huynh và các em học sinh nên nắm quy trình hướng nghiệp hiệu quả. Và sau đó thực hiện các bài đánh giá về năng lực, tính cách và sở thích nghề nghiệp. Bước kế tiếp lựa chọn ra 3-4 nghề tiềm năng cho cha me và các em học sinh. Sau đó tìm hiểu thật kỹ thông tin về nghề này thông qua báo chí, phỏng vấn các anh chị đang làm trong nghề, tìm hiểu các trường đào tạo nghề, tìm hiểu thông tin từ các thầy cô giáo. Thông tin là sức mạnh. Nếu thông tin tốt, đầy đủ cùng với quy trình hiệu quả, chắc chắn quý vị sẽ thành công. Vậy cho nên hãy đầu tư thời gian và công sức cho tương lai nghề nghiệp của chính con mình.