5 bước để không trì hoãn việc học
Bạn đang có rất nhiều bài tập cần hoàn thành, nhưng thay vì bắt tay vào làm ngay thì bạn lại bị xao nhãng bởi những việc vặt vãnh khác như nhắn tin, lướt facebook, xem youtube, chơi game,… Bạn biết rằng bạn phải học ngay nhưng lại không thực sự muốn học, không có động lực để học, dễ dàng bị cuốn vào những việc khác.
Không ít lần bạn nghĩ rằng “Đằng nào cũng muộn rồi, để mai hãy làm.” hay “Mình chỉ chơi một tí rồi sẽ học tử tế.”. Tình trạng này diễn ra thường xuyên và trở thành thói quen khó bỏ.
Chỉ còn một tuần trước khi thi, bạn lên kế hoạch ôn tập mỗi ngày. Tuy nhiên, cuối cùng bạn lại trì hoãn mọi thứ và giờ bạn chỉ còn ba ngày để ôn thi. Như vậy, bạn đã đi lệch lại kế hoạch ban đầu và hiệu quả ôn tập không được ưng ý. Khi ôn tập với thời gian ngắn như thế, bạn sẽ phải bỏ qua một số nội dung không quan trọng, tâm lý học tủ, đem “phao” theo để “cứu cánh”. Và, kết quả thì cũng “hên xui” lắm.
Xin chia buồn, bạn đã mắc phải “căn bệnh chung” của nhân loại – bệnh trì hoãn.
Trì hoãn là một thói quen có xu hướng làm mọi thứ chậm lại, chưa muốn bắt tay vào làm việc hoặc có tâm lý chờ đợi và để một thời gian sau đó mới thực hiện. Thói quen trì hoãn thường làm gián đoạn các công việc và làm giảm hiệu quả học tập, làm việc của chúng ta. Sự trì hoãn là một thói quen xấu sẽ tạo nên tính thụ động và ì ạch trong công việc sau này. Chính vì điều đó, bạn cần phải thay đổi thói xấu này trước khi mọi thứ trở nên tệ hơn và càng khó sửa hơn.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn 5 bước để thay đổi thói quen trì hoãn và giúp bạn có một phương pháp học tập hiệu quả hơn
1. Trang trí không gian học tập của bạn thành một góc nhỏ truyền cảm hứng học tập
Không gian học tập phù hợp sẽ đảm bảo sự tập trung của bạn. Trong suốt quá trình học, sẽ có rất nhiều thứ thu hút sự chú ý của bạn, khiến bạn bị xao nhãng và quên đi nhiệm vụ chính của mình, ví dụ như điện thoại, tivi, laptop, truyện tranh,… Bàn học bẩn cũng khiến hiệu suất học tập của bạn bị giảm đi đáng kể.
Vì vậy, hãy dẹp bỏ hết tất cả mọi thứ có khả năng thu hút sự chú ý của bạn khi học khỏi bàn học của mình. Trước khi bắt tay vào học, bạn cần chuẩn bị tất cả các sách vở, tài liệu cần thiết cho việc học để không mất thời gian đi tìm. Một không gian học tập ngăn nắp, gọn gàng với một chậu cây nhỏ, hồ cá, khung ảnh,… sẽ mang tới hứng thú học tập cho bạn rất nhiều.
Xem thêm bài viết: Làm thế nào khi không có hứng thú học tập
2. Sắp xếp thứ tự các môn học hợp lý
Nếu bạn có quá nhiều môn cần phải học trong ngày và không biết nên bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu với môn học mà bạn yêu thích nhất. Khi bộ não mới chuẩn bị “khởi động” làm việc, bạn đã bắt nó phải ứng phó với những môn học khó nhằn và “khó xơi” đến cả bạn còn chẳng tha thiết thì thật tội nghiệp cho nó quá! Chúng ta có xu hướng giải quyết những môn học nhiều nội dung trước tiên và tiếp tới những môn học khác. Sau khi hoàn thành môn học có lượng bài vở nhiều, bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và không muốn làm gì nữa.
Sao bạn không thử bắt đầu từ những môn học mà mình thích trước để tạo hứng thú cho việc học ngày hôm đó của bạn?
3. Hãy gặp gỡ những thần tượng của bạn
Các bạn có thần tượng ai không? Thần tượng có thể là người thân, bạn bè, thầy cô, người nổi tiếng, danh nhân,… đã truyền cảm hứng hoặc đưa ra nhiều lời khuyên trong cuộc sống cho bạn.
Những người luôn tràn trề sức sống và nỗ lực để thành công sẽ là một “liều thuốc tinh thần” hữu ích cho bạn. Gặp gỡ và trò chuyện cùng những người như vậy, bạn sẽ được truyền cảm hứng và năng lượng tích cực từ họ rất nhiều. Khi bạn cảm thấy bị bế tắc trong việc học, hãy tìm đến những lời khuyên từ họ. Tin tôi đi, điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học và kinh nghiệm sống của bạn đấy!
4. Dán những bài kiểm tra của bạn trong phòng để nhắc nhở bản thân
Hãy dán cả những bài kiểm tra điểm xấu và điểm tốt trong phòng của bạn, ở những nơi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy. Hẳn rằng khi nghe đến đây bạn sẽ cảm thấy buồn cười, nhưng điều này thật sự sẽ có ích trong việc kích thích nỗ lực học tập của bạn đấy. Khi nhìn vào bài kiểm tra điểm tốt, bạn có thể nghĩ: “Nếu mình cố gắng thì hoàn toàn có thể được điểm cao thế này, mình sẽ học ngay!”, hoặc khi nhìn thấy bài kiểm tra điểm kém, bạn có thể nghĩ: “Nhất quyết lần sau không thể để bị điểm kém như thế này nữa! Mình phải học tập chăm chỉ hơn”.
Đây thật sự là một tip thú vị và độc đáo để tạo động lực học cho bạn.
5. Đừng giữ quyết tâm của bạn trong lòng, hãy nói ra cho mọi người cùng biết
Đừng để những quyết tâm của bạn chỉ là câu chuyện của riêng bạn. Đôi khi chúng ta hay bị cám dỗ bởi những thói quen xấu khác, không tập trung theo đuổi mục tiêu ban đầu vì không có sự ràng buộc. Hãy viết lời tuyên bố cho mục tiêu học tập của bạn ra giấy như một cam kết và được người khác chứng kiến. Hãy kể về mục tiêu của bạn cho người khác để họ giám sát và chứng thực cho nỗ lực của bạn sau này. Hãy đặt bản thân vào thế khó để bắt buộc mình phải học tập nghiêm túc hơn.
Xem thêm bài viết: Bí kíp ôn tập trước kỳ thi để đạt kết quả cao
Kết
Sự tập trung là điều vô cùng quan trọng trong học tập và công việc. Hãy đặt quyết tâm và rèn luyện sự tập trung để việc học của bạn phát huy hiệu quả tốt nhất.
“Để mai làm” là suy nghĩ của kẻ ngốc.
Bắt đầu từ hôm nay đã là muộn rồi ấy chứ!
Đứa ngồi cạnh bạn có khi đã bắt đầu học từ hôm trước rồi cũng nên?!
Nếu bạn đang gặp vấn đề về tính trì hoãn của mình, hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
(Nguồn: Bí kíp cho người mới bắt đầu)