Chữa bệnh lười “ngồi vào bàn học”
Bạn ghét khi phải ngồi vào bàn để học? Bạn không thích phải dành hàng giờ để hoàn thành bài tập? Bạn biết rõ bạn phải bắt đầu học nhưng lại muốn dành thời gian để chơi game hoặc đọc truyện hơn?
Chúng ta hiểu rõ rằng việc học rất quan trọng, bạn cần phải học tập tử tế để đạt được kết quả tốt. Dù trong đầu chúng ta luôn nghĩ như vậy, nhưng cứ mỗi khi bắt đầu ngồi vào bàn, chúng ta lại không thể tập trung như chúng ta nghĩ. Thật kỳ quái! Bạn còn luôn trong tình trạng trì hoãn việc học với suy nghĩ: “Mình biết là phải học rồi nhưng mà… chẳng có hứng thú gì cả nên không có tâm trạng mà học nữa. Vào mạng một tí đã rồi tính!”
Học hành thật là một việc phiền toái!
Thú nhận đi, các bạn đã từng cảm thán như vậy nhiều lần rồi phải không? Nhưng cứ mãi trì hoãn việc học như vậy chỉ làm các bạn luôn cảm thấy tội lỗi mà thôi! Khi bạn có động lực để học, một lúc sau bạn lại trì hoãn việc học vì một việc khác. Tin tôi đi, các bạn chẳng thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này nếu không nhanh chóng thay đổi với những bước sau đây đâu. Chúng ta hãy cùng nghĩ cách thực hiện được bước đầu tiên nhưng quan trọng nhất này nhé!
1. Sắp xếp lại góc học tập để tạo động lực nào!
Bàn học của bạn quá lộn xộn và bẩn đến nỗi bạn không muốn ngồi vào học. Nó bừa bộn thế kia, thì làm sao bạn tập trung được! Hãy cố gắng thu xếp không gian học ngăn nắp để tạo cảm hứng học tập. Bạn cần có không gian thoải mái để việc học trở nên dễ chịu hơn. Nơi học nên tương đối yên tĩnh và tránh xa mọi sự phân tâm có thể gây ra sự xao nhãng cho bạn.
Những người để bàn học bừa bãi khó có thể khiến bản thân hứng thú với việc học. Sau khi đã “tân trang” cho góc nhỏ của mình, nỗi muộn phiền của bạn sẽ tan biến đi và từ nay, bạn không cảm thấy ức chế khi phải đối diện cái bàn học nữa nhá!
Xem thêm bài viết: Làm thế nào khi không có hứng thú học tập
2. Dùng đồng hồ hẹn giờ thử học trong 3 phút
Nếu cảm thấy quá khó để học một lúc nhiều môn học trong ngày, bạn hãy thử hẹn giờ học trong 3 phút thôi. Để bắt đầu, các bạn hãy chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ học tập cần thiết cho buổi tự học của mình như sách vở, bút viết, máy tính, giấy ghi chú,… để chắc chắn rằng bạn sẽ loay hoay tìm kiếm mọi thứ. Sau đó, bạn hãy đặt báo thức trong 3 phút, đây sẽ là khoảng thời gian bạn hoàn toàn tập trung cho công việc.
Làm xong bạn sẽ thấy điều kì diệu. Đó là: bạn bỗng nhiên có suy nghĩ muốn học thêm một chút. Khi ấy, “công tắc học tập” của bạn đã được ấn rồi đó. Bí quyết là sử dụng đồng hồ hẹn giờ!
3. Cảm nhận cảm xúc sau khi học xong rồi bắt đầu học tiếp
Sau 3 phút đầu tiên học, bạn cảm thấy như thế nào? Có thấy bản thân mình đã nỗ lực rất nhiều và hoàn toàn tự tin với bài kiểm tra ngày mai không? Cảm nhận rõ những cảm xúc này sẽ khiến các bạn thoải mái bắt đầu học hơn các bạn nghĩ đấy.
Cảm xúc hào hứng lúc này của bạn sẽ tạo động lực cho não bộ hoạt động năng suất hơn. Hãy ghi nhớ cảm xúc này cho những công việc khác.
4. Thỉnh thoảng hãy thử thay đổi địa điểm học
Phòng riêng tuy yên tĩnh nhưng nhiều “cám dỗ”? Chúng ta rất dễ bị thu hút bởi điện thoại, truyện tranh, tạp chí, máy tính, hay chiếc giường “thân yêu” của mình? Có bao giờ bạn nghĩ đến việc chọn một chỗ học khác để tìm cảm hứng mới chưa? Thay vì học trong phòng, bạn có thể thử đổi sang phòng khách, phòng tự học ở thư viện, tiệm cà phê, không gian ngoài trời,…
Một vị trí dưới gốc cây cũng khá thú vị và táo bạo. Thỉnh thoảng hãy thử cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, bạn sẽ thấy tâm hồn dễ chịu và việc học cũng nhanh hơn. Lần tới bạn hãy thử cách này nhé!
5. Tuyên bố với người thân: “Từ nay mình sẽ học hành tử tế!”
Mãi không ngồi nổi vào bàn để học khiến chúng ta ôm cảm giác “tội lỗi” trong mình nhưng cứ như vậy mà không làm gì thì chỉ khiến thời gian trôi đi trong lãng phí mà thôi. Vì vậy, hãy thể hiện quyết tâm học tập bằng lời nói với những người xung quanh. Biết đâu các bạn còn được mẹ của mình cổ vũ và ủng hộ hết lòng nữa đấy.
Xem thêm bài viết: 5 bước để không trì hoãn việc học
Kết
Có rất nhiều thứ sẽ cám dỗ bạn khỏi việc học và làm giảm sự hứng thú của bạn với việc học. Điều bạn cần làm là khắc phục tính trì trệ và tăng khả năng tập trung của mình.
Kể cả người trước giờ chưa thể ngồi nổi vào bàn để bắt đầu học thì cũng có cách để học được! Quan trọng là các bạn phải thử.
Hi vọng là bài viết này có ích cho những bạn đang mắc phải “nỗi sợ” với chiếc bàn của mình!
(Nguồn: Bí kíp cho người mới bắt đầu)