Kỳ vọng của cha mẹ: Động lực hay áp lực của con?
Học hành là một quá trình căng thẳng và vất vả với các bạn học sinh, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp, từ áp lực thi cử, bài vở đến điểm số. Bên cạnh đó, những kỳ vọng “xa tầm với” của cha mẹ cũng tạo thành áp lực vô hình của các em khi nói về việc học hành.
Nỗi niềm của phụ huynh
Cha mẹ nào cũng muốn con cái học hành đến nơi đến chốn, vào học trong một ngôi trường tốt và tốt nghiệp với thành tích đáng nể. Và để cho các bạn có được một tương lai tốt với khả năng cạnh tranh cao hơn trong xã hội, các bậc phụ huynh thường có xu hướng thay con quyết định mọi thứ.
Với nền văn hóa Á Đông, đa số phụ huynh Việt Nam thường rơi vào tâm lý giáo dục truyền thống hết sức quen thuộc là “đặt kỳ vọng quá cao” mà ít khi quan tâm đến nguyện vọng, tâm tư và năng lực của các em.
Có rất nhiều trường hợp, các vị phụ huynh chia sẻ rằng họ đã cực khổ mưu sinh còn phải căng não lo toan cho việc học của con thì các em không có lý do gì để phản kháng và kêu ca. Trong khi nhiều gia đình không có thời gian quan tâm đến việc học tập của con cái, con muốn học sao cũng được, miễn lên lớp là được.
Những kỳ vọng của cha mẹ cùng sự bất đồng trong suy nghĩ của hai thế hệ đã vô tình đặt lên các em những áp lực mà cha mẹ lại không hề hay biết. Rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra chỉ vì chứng lo âu và trầm cảm của các bạn trẻ mà nguyên nhân thường xuất phát từ những áp lực học tập và từ chính gia đình của mình.
Xem thêm bài viết: 10 thực phẩm tốt cho não bộ, giúp tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung
Ước gì cha mẹ chịu hiểu!
Nhiều bạn trẻ tâm sự trên các hội nhóm và mạng xã hội về những câu chuyện trong gia đình mình và đều có chung một suy nghĩ: Ước gì cha mẹ tâm lý hơn để hiểu được tâm tư của mình dù chỉ một lần!
Các vị phụ huynh thường lập luận rằng mình trải qua nhiều nên họ hiểu và biết đâu là hướng đi tốt nhất dành cho con của họ, tuy nhiên, trên thực tế có rất ít trường hợp các em thật sự vui vẻ với những sắp xếp của cha mẹ.
Bạn N.T.H.Nhi, học sinh lớp 9 chia sẻ: “Trong kỳ nghỉ hè lớp 9 thì mẹ đã sắp xếp cho em đi học thêm, chiều nào cũng đi học, sáng ở nhà thì làm bài tập, thế là cứ luẩn quẩn bài học là hết hè. Còn giờ vào năm học thì sáng học trên trường, chiều tối lại học thêm, cứ luân phiên các môn Toán – Văn – Anh. Thật sự là rất mệt khi cả ngày chỉ có đi học. Sức học của em thì có giới hạn thôi nhưng mẹ lại đặt mục tiêu cho em ở một trường cấp 3 có tiếng trong thành phố, điều này khiến em rất mệt mỏi và áp lực. Em rất sợ sẽ sẽ làm mẹ thất vọng.”
Có một khao khát chung của nhiều em là được học thoải mái, học cho chính bản thân mình, trong khi số đông cha mẹ cứ áp đặt các em phải đạt được hạng 1, 2, 3. Và để con có khả năng cạnh tranh vào trường top, cha mẹ đã làm một việc hết sức quen thuộc là tự ý đăng ký lịch học thêm dày đặc cho con.
Tuy nhiên, liệu các em có thực sự muốn thi vào trường lớp mà cha mẹ mong muốn hay không? Các em có thật sự thích những môn học mà cha mẹ đăng ký cho em hay không? Các vị phụ huynh đã từng ngồi nói chuyện, lắng nghe ý kiến của con về lịch học, về những mong muốn của con bao giờ chưa? Chắc hẳn đọc đến đây, có phải không ít phụ huynh đều giật mình vì chính mình chưa từng làm những việc này phải không?!
Không phải tất cả các bạn học sinh đều hứng thú với việc học, cũng như học lực của các bạn sẽ không thể đồng đều hoặc không như kỳ vọng mà cha mẹ mong muốn được.
Sau khi tốt nghiệp THCS và THPT, sẽ có những bạn có hướng đi khác thay vì chỉ học ngành “đúng ý nguyện cha mẹ”.
Nếu thành tích tốt nghiệp của các em tốt, điều đó thật đáng mừng. Nhưng nếu điểm số không cao như dự định cũng không hẳn là điều đáng buồn hay là “ngõ cụt” cuộc đời. Hiện nay có rất nhiều lựa chọn dành cho các bạn học sinh có học lực trung bình sau khi hoàn thành chương trình THCS có được một tương lai vững chắc và phù hợp với bản thân hơn.
Đã đến lúc phụ huynh nên nghe ý kiến và tôn trọng sự lựa chọn của con để luôn là chỗ dựa tinh thần để con vững bước trên con đường phía trước, miễn là điều đó phù hợp với đam mê và mong muốn của trẻ.