Sống chậm lại để hiểu con hơn
Ngày càng có nhiều trẻ bị áp lực với chính những điều đơn giản nhất xung quanh mình. Nhiều tổn thương sâu âm ỉ về tâm lý của các em có độ tuổi dậy thì mà cha mẹ không nhận ra, để đến tuổi trưởng thành thì căn bệnh tâm lý mới bộc lộ trong sự nặng nề đến chết lặng…
Nuôi dạy con cái là công việc khó nhất trên đời
Cha mẹ thì loay hoay tìm kiếm con đường mà họ cho rằng là “tốt nhất” cho con mình mà bỏ quên đi những điều con cái thật sự cần. Sự mâu thuẫn và bất mãn giữa cha mẹ và con cái ngày càng mạnh mẽ và nghiêm trọng hơn. Khi mọi thứ vỡ lẽ, cha mẹ cố gắng xoa dịu nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu, và mọi thứ lại trở về vòng luẩn quẩn.
Giáo dục con cái là một bộ môn nghệ thuật mà người làm cha làm mẹ cần học tập và dành nhiều thời gian nghiên cứu hơn cả. Giống như một nghệ nhân múa chuyên nghiệp, các bậc cha mẹ nên biết đâu là lúc cần cứng rắn, lúc nào cần mềm mỏng, “bước đi” phải uyển chuyển và thận trọng khi áp dụng một phương pháp tập luyện mới.
Muốn các em thay đổi bất cứ điều gì, cha mẹ cần thay đổi trước trong từng lời nói, cách ứng xử, lối suy nghĩ, hành động… để con có cơ hội được nghĩ, hiểu, ứng dụng và thực tế có chiều sâu. Các cha mẹ hãy thấu hiểu con cái như những người bạn của mình, đừng bao giờ áp đặt con cái theo ý kiến cá nhân sẽ khiến con và cha mẹ có thể cùng rơi vào sự loay hoay bế tắc.
Không ai có thể chắc chắn rằng tương lai của các em có thể trở thành người nổi tiếng, danh nhân thành đạt trong xã hội hay không, nhưng một phương pháp giáo dục phù hợp sẽ đảm bảo các em được phát triển toàn diện và trở thành một người có ích cho xã hội, biết chia sẻ, lắng nghe, đồng cảm, có ý thức trách nhiệm, độc lập và bản lĩnh để đương đầu với mọi khó khăn.
Với xã hội đầy rẫy sự phức tạp và biến động không ngừng như hiện nay, việc các em tiếp cận nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội sẽ tác động rất nhiều đến tâm lý và suy nghĩ của các em. Các cha mẹ ơi, hãy sống chậm lại, dành thời gian tìm hiểu và tâm sự với con cái để giúp cho các em vượt qua được những nỗi sợ của mình, xử lý kịp thời những điều tồi tệ có thể xảy đến lứa tuổi vị thành niên như trầm cảm, nổi loạn, chán nản, u uất,…
Chỉ có trái tim mới chạm tới trái tim. Sự thấu hiểu của cha mẹ là điều tuyệt vời nhất để các em phát triển toàn diện tốt nhất.
Xem thêm bài viết: Tâm sự của phụ huynh có con học lớp 9
Đồng hành cùng con như những người bạn
Không một vị phụ huynh nào muốn nhìn thấy con mình mắc sai lầm hay vấp ngã. Nhưng nếu có thể, tôi vẫn luôn mong bố mẹ hãy cứ để cho các em “được sai”.
Trên hành trình dài đăng đẳng của đời người, chúng ta nhất định không thể tránh khỏi những khó khăn, trở ngại và thiếu sót. Với mỗi một lựa chọn sai lầm trước đây của mình, bố mẹ hiển nhiên không mong con cái của họ lặp lại và luôn cố giữ con tránh xa những lối ngã sai lầm đó. Nhưng nếu buộc các em phải từ bỏ những đam mê, sở thích của mình thì thôi, hãy cứ để các em được phép sai lầm bởi không niềm vui nào sánh bằng khi các em được làm điều mình thích.
Mỗi người chỉ có một lần tuổi trẻ và không ai muốn trở thành một cỗ máy hoàn hảo, chỉ biết chăm chăm đi theo những đường đi nước bước mà bố mẹ vạch ra. Đôi khi, cách tốt nhất để người ta trưởng thành là học hỏi từ những lỗi sai của chính mình. Bởi thế, bố mẹ hãy cứ để các em được tự mình trải nghiệm, tự mình sai và rút ra kinh nghiệm, được không?
Mong muốn con cái hiểu chuyện là mơ ước chung của nhiều bậc cha mẹ. Nhưng thực tế chứng minh, rất nhiều đứa trẻ khi còn nhỏ vô cùng hiểu chuyện, đến lớn chúng lại không còn dáng vẻ hoạt bát, hạnh phúc nữa. Nguyên nhân là vì trong mắt một vài bậc phụ huynh, những đứa trẻ “hiểu chuyện” là những đứa trẻ nói gì nghe đó, không bao giờ dám cãi lời họ, mà chỉ luôn làm theo ý bố mẹ.
Hiện nay số lượng trẻ vị thành niên mắc chứng tự kỷ đang ngày càng tăng lên và một trong những nguyên nhân chính là bởi sự thờ ơ, thiếu quan tâm và thiếu sự thấu hiểu từ gia đình. Vì vậy, dù cuộc sống có bộn bề lo toan và bận rộn như thế nào, bố mẹ hãy vẫn dành thời gian để trò chuyện và quan tâm tới các em nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bố mẹ gần gũi và hiểu các em hơn.
Những đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên, đặc biệt ở những năm học cuối cấp thường có nhiều áp lực và tâm tư. Áp lực trước một kỳ thi căng thẳng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bố mẹ có thể đồng hành và san sẻ cùng các em ngay từ đầu. Có rất nhiều hướng đi cho các em lựa chọn. Khi một lựa chọn thất bại, các em có thể chọn lại, cho đến khi tìm được đáp án tốt nhất cho mình.
Trong việc chọn trường, bố mẹ không nên áp đặt quá nhiều vào các em bởi những kỳ vọng của chúng ta sẽ chỉ trở thành gánh nặng đè nặng lên các em mà thôi. Đại học không phải con đường duy nhất, không có một nghề nào cao quý hơn nghề nào, vậy nên, phụ huynh hãy để các em được tự do phát triển theo đúng sở thích và phù hợp năng lực của mình.
Hãy khuyến khích các em được đưa ra ý kiến của mình đặc biệt trong những quyết định quan trọng trong đời như chọn trường chọn nghề. Ở độ tuổi còn quá nhỏ để nhận định được hướng đi xa, các em sẽ không tránh khỏi những suy nghĩ ngây ngô, nhưng đừng vì thế mà cười nhạo hay quát tháo các em. Bố mẹ hãy thử đặt mình vào vị trí của một cô cậu học trò tuổi đôi mươi đang chập chững muốn chứng tỏ mình với xã hội.
Hồi tôi bằng tuổi các em, tôi luôn ước mình trở thành một game thủ chuyên nghiệp, tương lai sẽ tham gia vào các giải đấu lớn mang tầm quốc tế như trên những bộ phim hoạt hình hay xem. Tại thời điểm đó, tôi vẫn chưa hiểu rõ mình có thật sự phù hợp với nghề hay không, tôi chỉ đơn giản chọn vì tôi cảm thấy mình thích thế. Và tất nhiên bố mẹ tôi phản đối kịch liệt, bởi với họ, chơi game là lông bông và vô định. Nhưng ở cái độ tuổi tràn trề nhiệt huyết và hoài bão, tôi khát khao được công nhận và khen ngợi nên tôi cố chấp giữ khư khư giấc mơ của mình. Khi đã lớn lên, đã làm bố của người khác, tôi mới hiểu được nỗi lòng bố mẹ mình khi đó.
Nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì những quyết định ngày xưa của mình, vì ít ra tôi đã được theo đuổi giấc mộng thời niên thiếu của mình, và cháy hết mình với giấc mộng đó.
Tại sao hầu hết những đứa trẻ đều có một thời kỳ nổi loạn? Bởi vì lúc đó chúng dần có suy nghĩ riêng, hiểu biết riêng về mọi thứ trong cuộc sống.
Chúng nhận ra cách suy nghĩ của bố mẹ quá “chuyên quyền” và vì vậy, chúng nổi loạn để chống lại quyền lực của bố mẹ.
Trong lúc này, bố mẹ nên lắng nghe, suy nghĩ kỹ xem ý con mình là đúng hay sai. Nếu sai chúng ta hãy giải thích rõ ràng, thuyết phục con mình hiểu. Nếu đúng thì hãy thả lỏng và cho con một bầu trời tự do riêng, không nên ép buộc chúng quá nhiều.
Xem thêm bài viết: Kỳ vọng của cha mẹ: Động lực hay áp lực của con?
Bố mẹ luôn là những người khổ tâm và quan tâm con cái nhất. Nhưng mỗi đứa trẻ đều có những điều ngây thơ, thuần khiết cũng như hoang dã riêng trong tính cách của chúng, không ai giống ai. Chúng ta không mong muốn bị áp đặt, vậy chúng ta cũng đừng nên áp đặt quá nhiều lên con cái.
(Nguồn: Sưu tầm)