Sự gia tăng của giai cấp vô dụng
Theo định nghĩa cổ điển, giai cấp vô dụng (useless class) là những cá nhân không có năng lực thực hiện các công việc trong xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời đại 4.0, định nghĩa “vô dụng” có thể được hiểu theo một ý nghĩa khác – đó là những cá nhân sở hữu tri thức, kỹ năng, tâm thế lạc hậu hoặc không đạt được đòi hỏi của công việc. Đây là một sự khác biệt của nhu cầu xã hội hiện tại và tương lai. Trước đây, khi nói tới giai cấp vô dụng, chúng ta thường nghĩ tới những người không có kiến thức và trình độ chuyên môn, tuy nhiên trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giai cấp vô dụng có thể là những cá nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có bằng cấp nhưng vẫn thất nghiệp. Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, sau khi khảo sát dịch vụ Grab chỉ ra rằng, có đến 80% tài xế của Grab là sinh viên, cử nhân thất nghiệp. Điều này làm dấy lên một mối lo ngại, con số khảo sát đưa ra đã minh chứng cho sự gia tăng của tầng lớp vô dụng trong thị trường lao động hiện nay.
Theo lý thuyết lãnh đạo của Warren Bennis và Burt Nanus, thế kỷ thứ 21 đang và sẽ trong bối cảnh đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ (VUCA: nhiều biến động – Volatility, bất định – Uncertainty, phức tạp – Complexity và mơ hồ – Ambiguity). Tất cả nghề nghiệp đang thay đổi từng ngày dưới tác động công nghệ thông tin. Tại Việt Nam, doanh số xe máy của Honda và Yamaha đã giảm sút mạnh, vì người tiêu dùng đang chuyển sang mua xe điện (theo chuyên trang thống kê và phân tích về thị trường xe máy – Motorcycles Data). Một xu hướng thay đổi mạnh mẽ và dễ thấy nhất hiện nay đó là thói quen tiêu dùng không tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến, dẫn tới nhiều thay đổi trong phương thức thanh toán, mua và bán hàng trong xã hội. Trong tương lai, các xu hướng thiết kế nhà ở và thiết bị thông minh sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và sinh hoạt.
Tuy nhiên, những xu hướng đó không đáng ngại bằng quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp và tổ chức. Trong những tháng đầu năm 2021, Việt Nam đang quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chuyển đổi số và quyết tâm số hóa hành chính công nhanh nhất có thể. Ví dụ, tỉnh Quảng Ninh sẽ cung cấp thêm 781 dịch vụ công trực tuyến mức 4 trước tháng 6 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các doanh nghiệp, việc thực hiện chuyển đổi số còn diễn ra nhanh hơn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đẩy mạnh chuyển đổi số tới 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là phương thức tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, với mục đích chính là gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm, làm hài lòng khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Xem thêm bài viết: 6 yếu tố cần trang bị để gặt hái thành công trong mọi nghề nghiệp
Những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, biến chuyển nhu cầu khách hàng, quá trình số hóa mạnh mẽ trong doanh nghiệp đã thay đổi bản chất của các ngành nghề hiện tại và tạo ra nhiều ngành nghề mới. Những thay đổi này liệu đã được các trường đại học và các cơ sở giáo dục cập nhật để đào tạo cho các bạn sinh viên, trang bị đầy đủ để họ đối phó với xu thế thời đại hay chưa? Để trả lời được câu hỏi này, cần sự phối hợp của nhiều bên như quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và các thầy cô để tìm ra lời giải. Tuy nhiên, nếu các bạn sinh viên và thế hệ trẻ không tự trang bị cho mình sự bền bỉ, tinh thần dũng cảm vượt qua vùng an toàn của mình để học hỏi những tri thức mới thì chắc chắn rằng, khả năng trở thành thế hệ vô dụng sẽ rất cao trong tương lai gần.
Những công nghệ mới xuất hiện như AI, Big data, công nghệ sinh học, công nghệ nano, máy tính lượng tử, dự án kết nối não người và máy, các vật liệu mới đã khiến cho xã hội thay đổi với tốc độ chóng mặt, khiến cho một bộ phận lao động không thể học tập và tích lũy đủ năng lực để kịp thích nghi với môi trường mới, công việc mới và những đòi hỏi mới. Đây là một sự thật đáng buồn cho nguồn nhân lực trẻ tương lai.
Xem thêm bài viết: 10 xu hướng định hình ngành công nghệ năm 2021
Nếu bạn không nỗ lực thay đổi và tiến bộ thì khả năng cao bạn sẽ rơi vào “tầng lớp vô dụng”. Bạn cần phải thay đổi bản thân nhanh hoặc nhanh hơn tốc độ phát triển của xã hội mới đảm bảo được cơ hội của bạn trong thị trường lao động tương lai.
Thạc sỹ Vũ Tuấn Anh – tác giả sách Hướng nghiệp 4.0