Những mật mã của mạng xã hội
Như một liều Endorphin hạng nặng, mạng xã hội đang thu hút hơn 3 tỷ người trên thế giới sử dụng mỗi ngày. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các thế hệ người dùng, hãy cùng VTC Academy hé mở những câu chuyện về mạng xã hội qua từng thời kỳ.
Mạng xã hội hay mật mã của những thế hệ
Được coi là thế hệ bản lề, hay còn gọi là “Me & We Generation”, Gen Y (những người sinh năm 1981 – 1995) với những tâm lý mới mẻ trong nền xã hội nhiều thay đổi đã khiến những nhà sáng tạo phải định hướng lại về thế giới online.
Còn nhớ những ngày cuối năm 2002, LinkedIn – một nền tảng kết nối tất cả những người có chuyên môn trên khắp hành tinh được thành lập. Cuộc suy thoái kinh tế tại Mỹ trong những năm đầu 2000 đã kéo theo hệ lụy về câu chuyện tìm việc làm tại quốc gia này. Được coi là mạng xã hội hỗ trợ kinh doanh đầu tiên trên thế giới, LinkedIn đã mang đến lời giải cho sự tìm kiếm mối quan hệ giữa những người có cùng chung mục đích. Mật mã thành công của LinkedIn mang đến những góc nhìn sâu sắc về QUAN HỆ TRONG CÔNG VIỆC.
Kết nối trong công việc thực ra là nhu cầu quá nhỏ so với khao khát kết nối thế giới của thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Nhận thức được điều này, Friendster ra đời, trở thành một trào lưu mới tại Mỹ với hàng triệu thành viên ghi danh. Trang web do Jonathan Abrams sáng lập xuất phát từ một ý tưởng lãng mạn: Ông bị thất tình và muốn tìm những cô gái khác từ số địa chỉ email của bạn bè. Mặc dù sở hữu hướng đi tuyệt vời, những thành viên của ban quản trị Friendster đều là những người đã trên 50 tuổi, lứa tuổi khó có thể cảm nhận một mạng xã hội thực sự là gì và cần gì. Trong lúc các nhà sáng lập còn đang loay hoay mơ tưởng đến những điều lớn lao cho Friendster như bản địa hóa với các ngôn ngữ Trung, Nhật hay về tiềm năng quảng cáo trên mạng… thì họ lại quên đi một thực tế quan trọng là website đang ngày càng chậm chạp, các chức năng tê liệt và người dùng nổi giận vì mỗi trang web phải mất gần cả phút mới hiện ra.
Rất nhanh sau đó, các mạng xã hội đối thủ nối tiếp ra đời như MySpace (2004) hay Facebook (2006), biến Friendster thành “người khổng lồ dĩ vãng”. Ra đời với cùng ý tưởng, nhưng việc thiết kế không gian truy cập như một “ngôi nhà online”, qua đó tăng trải nghiệm thực của thế hệ trẻ thời đó trong việc kết nối bạn bè đã giúp các tân binh đánh bại người cũ đầy ngoạn mục.
Là thế hệ cởi mở nhất từ trước tới giờ do chào đời và trưởng thành trong thời đại số, lẽ dĩ nhiên khi Gen Y dễ dàng tiếp nhận mọi thứ, từ văn hóa đến tư tưởng. Họ thích chia sẻ, muốn lên tiếng và khát khao được lắng nghe. Không những vậy, họ luôn cảm giác sẽ bỏ lỡ điều gì đó (hay còn gọi là hội chứng FOMO – Fear of Missing out). Bởi vậy, không quá khó để hiểu mật mã thành công của mạng xã hội của Gen Y tại thời điểm này: KẾT NỐI THẾ GIỚI. Các tính năng của mạng xã hội cũng từ đó được tinh chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu của thế hệ này – như Facebook cho phép người dùng theo dõi hoạt động của nhau trọng thời gian thực qua News Feed (2006), ra đời ứng dụng trên di động (2008) hay bổ sung nút Like (2009).
Trở lại Việt Nam thời kỳ tháng 11/1997 – khi nước ta chính thức gia nhập vào mạng internet toàn cầu, Gen Y có lẽ là những người may mắn nhất khi có cơ hội chứng kiến những cuộc chuyển mình của đời sống mạng xã hội với hai thập kỷ đầy biến động. Cùng sự nở rộ của các tiệm net, Yahoo! Messenger, các diễn đàn mạng như Vn – zoom, Voz forum, webtretho,… bắt đầu trở nên quen thuộc với người Việt. Với lợi thế là nội dung phân loại theo từng chủ đề, các thành viên từ đó có thể dễ dàng tạo topic và chia sẻ thông tin.
Nhưng khi đến với Gen Z (1996 trở đi), một lần nữa, mạng xã hội lại bị xáo trộn và những mật mã thành công đã từng được áp dụng trước đó với Gen Y giờ không còn hiệu quả. Tự tin, bùng nổ, thích phá luật và luôn có xu hướng tự tìm kiếm tất cả, Facebook đối với Gen Z giờ như một sản phẩm “lỗi thời”, khi Snapchat, TikTok và Instagram là những nơi thể hiện cá tính của họ mạnh mẽ hơn.
Là một thế hệ “CÔ ĐƠN CÙNG NHAU”, Gen Z tương tác cả ngày nhưng hầu hết đều qua màn hình, dẫu khi họ ngồi sát cạnh nhau. Những cô bé, cậu bé chưa đến 20 tuổi với dáng vẻ thoải mái, nhưng trong lòng đầy những bất an với một “đại dịch” mang tên cô đơn. Mọi lời nói và hành động của họ đều bị kiểm soát, khiến mối quan hệ ngoài đời và trên mạng ngày càng bị thu hẹp. Họ tự do trong tiếng nói, nhưng cô đơn khi che giấu cảm xúc của chính mình và không thể giãi bày cùng ai. Hiểu được tâm lý của thế hệ Z, ứng dụng tin nhắn Snapchat ra đời năm 2011 với tính năng chủ đạo – tự động xóa sạch hình ảnh/video hay tin nhắn chỉ sau 10 giây. Một điều thú vị, CEO của Snapchat – Evan Spiegel cũng chỉ mới 21 tuổi khi thành lập công ty tỷ đô này. Khi thế giới internet luôn lưu trữ quá khứ của bạn, thì việc đi ngược lại xu hướng khiến Snapchat trở nên quyến rũ với người dùng – những người muốn gây sự chú ý, nhưng đồng thời cũng muốn bảo vệ sự riêng tư trong đời sống cá nhân. Không một thông tin nào được lưu trữ, đồng nghĩa với việc bản thân họ không bị đánh giá bởi những người xung quanh. Áp lực xã hội giảm đi, cơ hội để trở thành chính mình tăng lên – những dấu ấn rõ rệt của thế hệ trẻ đã mang tới mật mã thành công cho Gen Z cho mạng xã hội kiểu mới – CỘNG ĐỒNG THỰC.
Xem thêm bài viết: Cẩm nang đối thoại với Gen Z
Đối với Gen Y, đó là sự kết nối với thế giới. Đối với Gen Z, đó là nhu cầu thể hiện dấu ấn cá nhân. Và đối với mạng xã hội, thấu hiểu mật mã của từng thế hệ người dùng qua thời gian là mấu chốt để tìm tồn tại và tìm phương hướng phát triển.
Nguyên nhân của những biến chuyển về mạng xã hội
“Tại sao các loại hình mạng xã hội thay đổi rõ rệt theo thời gian?”
“Tại sao các nền tảng thành công lại chỉ có thể chinh phục được một mà không phải nhiều thế hệ ?”
Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp khi đặt người dùng trong một mô hình có sự kết nối sâu sắc tới vòng đời cá nhân, chịu tác động phức tạp bởi nền kinh tế, chính trị và xã hội. Trong một nghiên cứu chuyên sâu của Ipsos về thế hệ Y ở Anh Quốc, có ba hiệu ứng được xây dựng thành nền tảng cơ bản để giải thích về hành vi và thái độ của các thế hệ qua thời gian, trong đó tác động mạnh mẽ đến những biến chuyển của mạng xã hội.
Hiệu ứng vòng đời (Life Cycle Effect)
Với những chặng đường đi qua trong cuộc đời, mỗi người sẽ có những suy nghĩ, hành vi và mật mã hành về sự kết nối khác nhau. Còn nhớ ngày nút Follow xuất hiện trên Facebook, “Me Generation – Gen Y” đã phát cuồng khi mong muốn được ai đó để ý tới mình. Họ ganh tị, thèm muốn và khát khao được thể hiện bản thân với thế giới qua những “status” dài đậm áng văn thơ kèm chế độ công khai (Public). Nhưng khi Gen Y bước sang một chương mới trong cuộc đời – là công việc đầu tiên, là ngày lên xe hoa hay lúc chào đón thành viên mới trong gia đình, họ bắt đầu cảm nhận những sự thay đổi rõ rệt về lối sống và nội tâm. Không còn muốn tạo ảnh hưởng tới những người xung quanh, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc tạo sự khác biệt.
Điều này ảnh hưởng rõ rệt đến sự biến chuyển của mạng xã hội – khi người dùng muốn thuộc về những cộng đồng nhỏ hơn.
Không còn đăng status, thay vào đó là câu chuyện (Story). Không còn để chế độ hiển thị công khai ngày sinh, mở “tường nhà” (Wall) để nhận những lời chúc ảo, thay vào đó là “kết nối thực” ở ngoài đời. Đây là những tín hiệu cảnh báo cho những mạng xã hội đang rơi vào trạng thái “bão hòa” – để thắng được trái tim người dùng cần thấu hiểu và đồng hành cùng họ trong từng chặng đường.
Hiệu ứng thời điểm (Period Effect)
Khác với hiệu ứng vòng đời, hiệu ứng thời điểm tác động như nhau tới tất cả các thế hệ và chịu ảnh hưởng bởi sự dịch chuyển của nền kinh tế và xã hội của từng quốc gia.
Quay trở lại quá khứ về ngày cả thế giới đã sẵn sàng chào đón mạng xã hội thì Facebook có mặt. Việc chọn thời điểm ra mắt vô cùng hoàn hảo, khi tiến bộ công nghệ giao hòa với ý tưởng “xã hội ảo” để biến Facebook thành một tượng đài bền vững.
Một thập kỷ sau đó, khi nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) trỗi dậy mạnh mẽ với các thuật toán giúp định hướng nội dung hiệu quả hơn, ByteDance – công ty mẹ của TikTok đã ứng dụng thuần thục công nghệ này để thu thập xu hướng và sở thích video của người dùng. Từ việc giữ chân cộng đồng mạng lâu hơn trên ứng dụng cùng thời điểm không thể hợp lý hơn khi nội dung bằng chữ và hình ảnh không còn là xu hướng đối với Gen Z, TikTok đã trở thành một cơn sốt đích thực – Mạng xã hội được tải về lớn nhất thế giới năm 2018!
Hiệu ứng thế hệ (Cohort Effect)
Mạng xã hội được tác động bởi những mặt mã khác nhau của từng thế hệ – trong đó mỗi thế hệ thường được chia bởi “block thời gian” theo chu kỳ khoảng 15 năm. Mỗi thế hệ lại tồn tại những nhóm có cùng thái độ, giá trị và hành vi như nhau. Khi đó, họ không chỉ chịu ảnh hưởng về hiệu ứng thế hệ (sinh ra và lớn lên cùng thời điểm) mà còn tác động bởi hiệu ứng đám đông.
Minh chứng rõ nhất cho điều này, Bill Fisher – chuyên viên phân tích cấp cao tại eMarketer từng đề cập: “Facebook có vấn đề về tuổi tác!”. khi Gen Y – những người mở cửa làn sóng Facebook từ những ngày đầu thành lập bắt đầu trở thành những ông bố, bà mẹ và những tính năng như Facebook Game, Story không còn phù hợp với họ. Thay vào đó, họ có xu hướng lưu giữ video và hình ảnh để kết nối với cuộc sống xã hội của con cái và cháu mình.
Hiểu được hiệu ứng thế hệ, những tính năng phù hợp hơn bất đầu ra đời như “Ngày này năm xưa” hay “Cùng tạo album ảnh bằng nhiều tài khoản”. Không những vậy, nghiên cứu còn cho biết có 6,4 triệu người trong độ tuổi 55 – 65 trở lên đang sử dụng Facebook tại Anh vào năm 2018 – chiếm mức tăng trưởng cao nhất trong các độ tuổi sử dụng, và hầu hết được chuyển dịch từ nhóm độ tuổi 16 – 34 khi họ bắt đầu trưởng thành.
Những hiệu ứng kể trên là nguyên nhân tác động đến sự ra đời và phát triển của 3 loại hình mạng xã hội chính: Ego – Centric, Relationship – Centric và Content – Centric.
1. Ego – Centric: Mạng xã hội lấy cái tôi cá nhân làm trung tâm
Quay trở lại thời kỳ đầu của internet tại thế giới và Việt Nam, quá khứ huy hoàng của MySpace hay Yahoo! 360 là điển hình của thể loại mạng xã hội Ego – Centric. “Ép nick”, “đi chat”, “vào phòng”, “Buzz” hay các emoticon độc quyền, kể cả việc tuỳ biến giao diện blog từng là sân chơi để những cá nhân thuộc thế hệ Y thỏa sức thể hiện chính mình.
Nhưng dù vậy, chính những font chữ lấp lánh sặc sỡ trang điểm cho hàng triệu profile trên MySpace hay kiểu thiết kế “rối mắt”, tính năng tùy biến giao diện nhằm giúp người dùng thể hiện cá tính của Yahoo! 360 bằng CSS cực kỳ phức tạp lại là điểm yếu chí mạng, khiến hai mạng xã hội kể trên dần mất đi ngôi vị của mình và rơi vào lãng quên.
Xem thêm bài viết: Nghệ thuật vị tương tác: Hướng đi mới của ngành sáng tạo
2. Relationship – Centric: Mạng xã hội lấy mối quan hệ làm trung tâm
Những cái tên tiêu biểu cho mạng xã hội dạng này là Facebook hay Twitter. Bất kỳ ai cũng có thể cập nhật ngay tức thời thông tin của mình hay bạn bè và một cộng đồng cụ thể. Với các tính năng hỗ trợ tối đa việc kết nối như “Gợi ý kết bạn”, nút Follow hay Like, Share, Comment, Hashtag,… Vòng kết nối của người dùng trên nền tảng này mở rộng đến tối đa với tốc độ nhanh chóng. Sức lan truyền của nó cũng mạnh mẽ hơn hẳn so với dạng Ego – Centric, khi mà mọi công cụ đều hướng tới phục vụ cho nhu cầu mở rộng quan hệ và cộng đồng, biến mạng xã hội thành một hệ một cộng đồng thực trên hệ sinh thái ảo.
3. Content – Centric – Mạng xã hội lấy nội dung làm trung tâm
Theo khảo sát năm 2018 của Asia Plus tại Việt Nam, “Kết nối với bạn bè, người thân” là lý do hàng đầu để người dùng sử dụng Facebook hay Zalo, trong khi đó với Instagram – “Cập nhật tin tức/xu hướng” lại đứng ở vị trí đầu tiên. Một ví dụ khác là Tumblr – MXH tiểu blog ra đời chỉ vài năm sau khi người dùng bắt đầu dị ứng với sự náo nhiệt và xô bồ của Facebook. Điểm chung của các mạng xã hội thời kỳ này là nội dung sáng tạo do chính người dùng tạo ra.
Điều này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt từ mạng xã hội Relationship – Centric tới Content – Centric, khi các nội dung do cá nhân tạo ra cho bạn bè/công chúng được ưa chuộng hơn hẳn.
Với các loại hình kể trên, mạng xã hội mang đến sự tiến hóa và chuyển mình không ngừng qua thời gian.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội đang dần trở nên bão hòa. Có quá nhiều thế giới ảo cạnh tranh nhau với vô số tính năng khiến người dùng “bội thực”. Thậm chí, đồng sáng lập của mạng xã hội thảo luận theo chủ đề Reddit – Alexis Ohanian đã phải thốt lên: “Tất cả các mạng xã hội đã chạm đỉnh – nơi có quá nhiều các nền tảng tồn tại!”
Nếu thực sự như vậy, giữ chức một chân trên đỉnh có lẽ đã là một thách thức.
Thế mạng xã hội trong thời 4.0 – Cần lắm những mật mã thành công mới
Theo báo cáo của Wearesocial trong năm 2018, TikTok đứng thứ 3 trong top những ứng dụng điện thoại được tải về nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ sau Facebook và Facebook Messenger. Nhưng trên thực tế, TikTok còn không lọt top 20 ứng dụng sở hữu số lượng người sử dụng hàng tháng cao nhất cả nước. Ngoài vị trí thứ nhất và hai thuộc về ông lớn Facebook, thì cái tên số ba đến từ VNG – Zalo, một ứng dụng nhắn tin OTT. Điều này cho thấy TikTok và những startup trong thời đại số còn nhiều điều phải làm để khám phá mật mã thành công của mạng xã hội tại từng quốc gia.
Như câu nói đắt giá mà tác giả nghe từ một người tiêu dùng thế hệ Gen Y trong một buổi phỏng vấn của thương hiệu nước giải khát cho giới trẻ: “Công nghệ từng giúp những người ở xa cách nhau trở nên gần nhau hơn. Nhưng chính công nghệ khiến những người ở gần nhau, lại cảm thấy xa dần.” Không chỉ Gen Y, mà Gen Z sẽ lãng quên những mạng xã hội khiến họ cảm thấy không hòa nhập, thay vào đó là những nền tảng sáng tạo và giải trí hơn.
Trong vòng 5 năm tới, thế hệ Z sẽ có độ tuổi từ 23 trở lên và trở thành nhóm người dùng lớn nhất nhì mạng xã hội. Việc chú ý đến những hành vi phức tạp của họ trong thời đại công nghệ, biết cách thu hút bằng những nội dung phù hợp và thuật toán hiện đại, sẽ giúp những nhà làm thương hiệu đi đúng con đường chinh phục trái tim của Gen Z.
Kết
Mạng xã hội là một cuộc chơi độc quyền, mỗi kiểu mạng xã hội chỉ có một vị vua thống trị, dù có rất nhiều tân binh ra đời với cùng chung định hướng. Minds – mạng xã hội tiền ảo với tham vọng thế chỗ Facebook, dù bổ sung thêm tính năng mã hóa toàn bộ tin nhắn giữa người dùng giữa tâm bão “kiểm soát thông tin” của các ứng dụng internet và tích hợp công nghệ blockchain hiện đại, cũng không thể trở thành “miền đất hứa” cho những Facebooker muốn di cư. Vietspace – mạng xã hội “bản địa” sao chép Myspace nhưng sớm chết yểu do giao diện rườm rà, khó sử dụng. Itunes Ping thất bại khi cố gắng tạo ra một nền tảng chia sẻ âm nhạc, điều mà SoundCloud đã làm rất tốt trong lĩnh vực này. Và thậm chí, ứng dụng Lasso của Facebook ra đời với mục đích cạnh tranh với TikTok, cũng ngậm ngùi chịu chung số phận hẩm hiu khi không thể thành công được như người dẫn đầu.
Để tham gia vào cuộc chơi ấy, tồn tại đã là một thách thức, đứng yên có nghĩa là đã thụt lùi.
(Nguồn: Mạng xã hội)