Chia sẻ từ một lập trình viên về 1001 thứ hay ho của ngành CNTT
Ngày đăng 05/06/2020
Dựa trên vai trò là một lập trình viên nhiều năm kinh nghiệm (2 là số nhiều rồi) mình có thể khẳng định ngành lập trình là một ngành cực kỳ hay ho và hấp dẫn. Mình có thể kể tới 1001 thứ hay ho của ngành này nhưng vì thời gian có hạn nên mình mới chỉ nêu ra 9 thứ sau đây.
1. Google là trường học
- Chắc các bạn từng nghe câu “trăm năm trong cõi người ta, cái gì không biết thì tra google“, và mình thấy câu này đúng 101% đối với ngành CNTT. Bạn có thể tìm được hầu hết mọi thứ kiến thức của ngành CNTT thông qua google và đa số các kiến thức này đều được chia sẻ miễn phí.
- Các bạn chắc cũng từng nghe nhiều giai thoại về những cao nhân tự học tiếng anh và thi được IELTS 7-8 “chấm”, thì ngành CNTT cũng xuất hiện nhan nhản những cao nhân tự học mà đem lại thu nhập “khủng” gấp vài lần tụi tốt nghiệp từ trường lớp.
2. Bạn bè và đồng nghiệp là thầy
- Lại là 1 câu khác mà các bạn hẳn cũng đã nghe qua “học thầy không tày học bạn“, đối với mình câu này cũng siêu đúng luôn, chắc phải đúng đến 99% trong ngành CNTT. Cá nhân mình chắc có đến 2/3 kiến thức mình biết được trong thời sinh viên là đến từ internet và bạn bè.
- Đồng nghiệp là thầy là 1 thứ cực kỳ hay ho mà mình nghĩ ít ngành nào có được như ngành CNTT. Hầu hết những người làm trong ngành CNTT đều rất ít khi giấu nghề và sẵn sàng chia sẻ, chỉ bảo cho đàn em bất cứ thứ gì mình biết. Điều này lại góp phần làm cho môi trường làm việc của ngành CNTT lại thường thân thiện và cởi mở, ít thị phi.
3. Kiếm được tiền khi đang học
- Có phải bạn đang nghĩ đến những việc part-time mà tụi sinh viên hay làm như là phát tờ rơi, chạy bàn bưng bê, phục vụ. Những công việc này đúng là kiếm được tiền nhưng đối với sinh viên ngành CNTT thì họ có thể làm part-time trong chính chuyên ngành của họ ngay từ năm 2 – năm 3. Và lương cũng không tồi chút nào, các bạn có thể kiếm được từ 2 – 5 triệu/tháng, thật là 1 số tiền không nhỏ với 1 đứa sinh viên phải không.
- Ngoài ra chính những công việc part-time như thế lại giúp sinh viên ngành CNTT càng học được nhiều thứ mà trường lớp không dạy và càng giỏi hơn khi ra trường.
4. Bằng đại học là gì có ăn được không?
- Thực tế đã chứng minh là bằng đại học không thật sự được các nhà tuyển dụng quan tâm khi tuyển nhân viên ngành CNTT. Mình đã nộp đơn xin việc rất nhiều công ty và chưa có công ty nào yêu cầu mình nộp bằng đại học đi kèm CV.
- Có 1 điều rất thú vị là nếu bạn kể quá nhiều thông tin về việc học tập tại trường đại học thì CV của bạn sẽ bị đánh giá thấp so với những CV kể về những dự án họ đã làm. Nhà tuyển dụng không quan tâm bạn tốt nghiệp trường nào, họ chỉ quan tâm bạn đã làm và có thể làm những gì.
Xem thêm bài viết: 5 năm sau, sẽ không còn ai nhớ điểm thi đại học của bạn
5. Việc tìm người
- Mỗi khi mình đọc thấy những mẫu tin về cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mình lại thở dài, thật là đúng với câu “kẻ ăn không hết, người lần không ra“. Tình trạng thiếu nhân lực ngành CNTT luôn luôn là điều nhức nhối của những công ty phần mềm, trong khi đó nhìn qua nhiều ngành khác tình trạng thất nghiệp lại diễn ra nhan nhản.
- Tình trạng khát nhân lực của ngành CNTT thể hiện rõ nhất ở chỗ các công ty liên tục phải tung ra các chiêu trò để thu hút nhân lực. Có công ty thì treo thưởng từ vài trăm cho đến vài ngàn đô khi nhân viên giới thiệu được bạn bè của họ vào công ty làm. Công ty khác thì lại tích cực rải người tham gia vào các diễn đàn, mạng xã hội, hội thảo để dễ dàng tiếp cận được con mồi.
- Phải kể đến điểm hay ho nhất khi việc phải đi tìm người là nhân viên ngành CNTT được dịp “chảnh” khi đi phỏng vấn xin việc. Từ “xin việc” có vẻ không còn đúng nữa khi mà các ứng viên thoải mái đặt vấn đề với nhà tuyển dụng kiểu như “em còn hẹn phỏng vấn nhiều nơi lắm nên chưa quyết định chấp nhận mức offer này hay không”, hoặc đỉnh hơn là “em rất thích công ty của anh chị nhưng có công ty ABC đang offer em mức hấp dẫn hơn nên em chưa quyết định được”. Việc 1 vài thanh niên cứng bật lại nhà tuyển dụng khi bị hỏi những câu không liên quan chuyên môn như “em apply vào vị trí ACB nhưng anh lại toàn hỏi kiến thức của vị trí XYZ, nếu thật sự anh tuyển em để làm XYZ thì em nghĩ chúng ta nên dừng cuộc phỏng vấn tại đây” không phải là hiếm.
6. Lương khủng
- Ngành CNTT luôn nằm trong top các ngành được trả lương cao của nhiều quốc gia trên thế giới, đó là sự thật, nhưng tại sao lại như vậy? Câu trả lời đơn giản nhất có thể trả lời câu hỏi này là vì 1 nhân viên CNTT có thể mang lại “giá trị thặng dư” cao hơn những nhân viên của nhiều ngành khác. Lấy ví dụ 1 sản phẩm phần mềm có giá trị $100.000 thì sẽ cần khoảng 10 người làm trong vòng 4 tháng với những chi phí cơ sở vật chất cực thấp thì chứng tỏ 1 người đã tạo ra giá trị hơn $2.000/tháng cho công ty, nên việc lương trung bình của 1 nhân viên là $1.000/tháng là chuyện bình thường.
- Ngoài ra quy luật cung cầu cũng rất ảnh hưởng đến lương của một nhân viên. Ngành CNTT hiện nay luôn khát nhân lực vì thế trả lương cao để tranh giành nhân lực là chuyện thường xảy ra giữa các nhà tuyển dụng.
7. Internet là công ty
- Bạn nghĩ sao về việc ngồi ở nhà làm việc mà lương vẫn về đều mỗi tháng? Có không ít công ty phần mềm cho phép nhân viên có thể làm việc ở bất kỳ đâu họ muốn (ở nhà, quán cà phê, công ty,…) chỉ cần đảm bảo được tiến độ công việc. Và cũng có không ít công ty trên thế giới sẵn sàng mướn nhân viên làm việc từ xa ở bất kỳ nước nào.
- Ngoài ra nếu bạn không thích làm cho công ty bạn hoàn toàn có thể tự kiếm dự án cá nhân từ các mối quan hệ hoặc các trang freelance để làm.
8. Cộng đồng “phẳng”
- Không giống như nhiều ngành khác, cộng đồng của họ thường mang tính cục bộ hoặc đôi khi rất nhỏ và không năng động. Cộng đồng của ngành CNTT lại cực kỳ năng động và hoạt động rất rộng trên toàn thế giới. Cộng đồng ngành CNTT có những “tụ điểm” chung để giao lưu và trao đổi mà giới hạn bởi khoảng cách địa lý và ngôn ngữ trở nên rất mong manh như Stack Overflow hay GitHub và hàng trăm “tụ điểm” hay ho khác.
- Cộng đồng của ngành CNTT lại cực kỳ năng động, chúng tôi thường xuyên tổ chức hàng tá buổi hội thảo, workshop (cả online lẫn offline) thường là miễn phí (hoặc phí rất thấp) để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với nhau.
9. Chia sẻ để thăng tiến
- “Giấu nghề” là từ không có trong từ điển của dân CNTT. Chính văn hóa không giấu nghề làm nên sự khác biệt và sự phát triển vượt bậc của ngành CNTT.
- Cộng đồng CNTT luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho những người thích chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho người khác, nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những người có blog ngàn người theo dõi, có GitHub ngàn lượt follow, hay xuất hiện nhẵn mặt ở các buổi hội thảo, workshop.
(Nguồn: hainnt)