Công dân toàn cầu là tiêu chuẩn bắt buộc cho thế hệ Z
Tôi biết tới thuật ngữ “Công dân toàn cầu” từ chương trình “Công dân toàn cầu” do nhà báo Nguyễn Anh Tuấn – cựu tổng biên tập báo Vietnamnet – tâm huyết mang về Việt Nam năm 2016. Giáo sư Carlos Alberto Torres, Chủ tịch chương trình Giáo dục công dân toàn cầu và đồng Chủ tịch Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu thuộc tổ chức UNESCO đã trực tiếp tới Việt Nam gặp bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch nước Trần Đại Quang thời gian đó. Giáo sư cũng trực tiếp nói chuyện với các bạn sinh viên của Đại học Quốc gia TP.HCM về chủ đề này.
Công dân toàn cầu là một khái niệm quan trọng và thú vị cho thế kỷ 21, đồng thời cũng là giá trị quan trọng nhất tôi cảm nhận được sau chương trình nói trên. Trong những năm sau này, tôi nhận thấy không ít bạn trẻ ở Việt Nam vẫn có suy nghĩ không chính xác về khái niệm này khi cho rằng nếu như chúng ta đang ở Việt Nam thì không cần quan tâm tới cụm từ “công dân toàn cầu”, và khái niệm này chỉ phù hợp cho những ai bước ra bên ngoài thế giới. Theo tôi, công dân toàn cầu là một tiêu chuẩn mà bất kỳ bạn trẻ thế hệ Z nào cũng phải sở hữu, giống như cha ông chúng ta cần phải học chữ sau cách mạng tháng Tám và học tin học vào thập kỷ 199x của thế kỷ trước.
Định nghĩa đơn giản của khái niệm “công dân toàn cầu” là một bộ chỉ tiêu định nghĩa năng lực tri thức và tâm thế của các bạn trẻ nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của xã hội và nghề nghiệp trong cả hiện tại và tương lai, từ đó kiến tạo những giá trị tốt, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cho mọi dân tộc, quốc gia và các thế hệ khác nhau.
Nếu như chúng ta thống nhất hiểu khái niệm “công dân toàn cầu” theo định nghĩa trên thì mọi cá nhân – đặc biệt là thế hệ trẻ – phải đạt được yêu cầu này càng sớm càng tốt vì các lý do như sau:
1. Tích hợp với thế giới: Ngày nay, một quốc gia khó tồn tại hoàn toàn độc lập với thế giới dưới tác động của bốn dòng chảy quan trọng: dòng chảy về vốn, dòng chảy về tri thức, dòng chảy khoa học công nghệ và cuối cùng dòng chảy về nhân lực. Các quốc gia muốn phát triển mạnh cần phải tạo được giá trị trong toàn bộ chuỗi giá trị thế giới nhằm thu lại những lợi ích cho bản thân mình. Do vậy, dù đang sống tại Việt Nam nhưng tất cả các bạn đều đã và đang trực tiếp “tích hợp” với thế giới khi Việt Nam tham gia tích cực trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
2. Công nghệ 4.0: Không giống như các thế hệ trước thường phải chờ đợi khá lâu mới có thể tiếp cận với các công nghệ mới của thế giới, hiện nay, các bạn trẻ Việt Nam đã có thể cập nhật mọi thứ một cách dễ dàng và nhanh chóng. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) đã hiện diện đầy đủ và sâu sắc tại Việt Nam từ đào tạo, triển khai tới ứng dụng. Chính sự sẵn có của công nghệ 4.0 là lực đẩy mạnh mẽ bắt thế hệ Z phải trở thành công dân toàn cầu dù muốn hay không. Trong thế kỷ 21, câu hỏi “Có cần sử dụng công nghệ để trở nên phồn thịnh?” đã trở nên lạc lõng, chúng ta cần tự hỏi “Phải làm gì để nắm bắt và triển khai các công nghệ mới nhanh nhất?”, bởi chỉ có cách đó mới giúp các bạn trẻ bứt phá trên hành trình sự nghiệp của bản thân, đồng thời góp phần vào thành công của đất nước trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Xem thêm bài viết: Cách mạng công nghiệp 4.0 và 10 xu hướng công nghệ hàng đầu
3. Các vấn đề chung của thế giới: Đại dịch Covid-19 là minh chứng cho một sự thật hiển nhiên rằng tất cả các quốc gia, tất cả các ngóc ngách trên địa cầu này đều phải xử lý các vấn đề giống nhau, bởi lẽ mọi vấn đề xã hội – dù tích cực hay tiêu cực – đều đã được toàn cầu hóa, và tất cả chúng ta phải đối chọi, giải quyết cùng nhau trong tương lai – đặc biệt là thế hệ Z.
4. Đòi hỏi từ các cơ hội: May mắn là việc toàn cầu hóa cũng đem lại rất nhiều cơ hội cho chúng ta. Sau đại dịch Covid-19 sẽ có một làn sóng di chuyển các doanh nghiệp từ Trung Quốc ra toàn thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam. Tất nhiên, các doanh nghiệp này sẽ đặt ra một điều kiện tiên quyết cho lực lượng lao động tại Việt Nam trong quá trình tuyển dụng: phải đạt được tiêu chuẩn “công dân toàn cầu”.
Xem thêm bài viết: Những ngành nghề nào sẽ lên ngôi hậu đại dịch Covid-19?
5. Chạy đua trong lực lượng lao động: Việt Nam đã hội nhập thế giới từ vài thập kỷ nay. Hàng năm, có một lực lượng lớn học sinh sinh viên du học tại nước ngoài bằng con đường học bổng và tự túc. Theo đó, khoảng bốn, năm năm sau họ sẽ quay về Việt Nam với những năng lực và tâm thế của các “công dân toàn cầu”. Các bạn thanh niên Việt Nam cần nhận thức được rằng, tương lai nghề nghiệp chính là cuộc chạy đua không ngừng nghỉ của hàng triệu sinh viên từng ngày từng giờ liên tục. Chỉ những ai đáp ứng được những đòi hỏi một cách tốt nhất, đầy đủ nhất mới có thể thành công. Lực đẩy này còn trở nên cấp bách hơn nữa khi thị trường lao động Việt Nam mở cửa đón những lao động nước ngoài đã có sẵn tiêu chuẩn “công dân toàn cầu” trong “gen làm việc” của họ.
6. Đòi hỏi của chính thị trường lao động trong nước: Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trong khoảng mười năm qua đang rất nhanh chóng tự nâng tầm tiệm cận với các doanh nghiệp toàn cầu vì hai lý do: thứ nhất, bản thân họ phải cạnh tranh với các công ty toàn cầu tại Việt Nam, thứ hai, các doanh nghiệp đó muốn vươn mình ra thị trường quốc tế. Tương tự như các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tại Việt Nam sẽ luôn luôn ưu tiên các ứng viên có sẵn phẩm chất “công dân toàn cầu” thay vì các ứng viên bó hẹp tư duy, kiến thức và hành động.
7. Nhu cầu người dùng ở tầm vóc toàn cầu: Sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội và smartphone đã khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới ngày càng giống nhau về yêu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ. Chính vì điều này, các bạn trẻ khi đi làm sẽ nhận thấy: nhu cầu của khách hàng Việt Nam không khác gì so với khách hàng trên toàn thế giới. Các đòi hỏi từ khách hàng chính là động lực mạnh mẽ bắt buộc các ứng viên thế hệ Z phải đạt được tiêu chuẩn “công dân toàn cầu” nếu muốn gặt hái thành công trong sự nghiệp.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh, khái niệm “công dân toàn cầu” từ một lựa chọn mang tính “có thể” trong khoảng năm năm trước, giờ đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc phải có của các bạn trẻ thế hệ Z. Vấn đề tiếp theo đặt ra sẽ là: Các bạn trẻ cần hiểu đúng về con đường trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh biến đổi không ngừng của môi trường công việc hiện tại và tương lai. Vấn đề này sẽ được giải đáp trong các bài viết kế tiếp của tác giả.
Tác giả: ThS. Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia nghề nghiệp, hướng nghiệp và khởi nghiệp