Covid-19 khiến cho gần 1,2 triệu lao động thất nghiệp trong Quý II/2021
Theo Tổng cục Thống kê, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong Quý II/2021, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi 15 trở lên tăng đến 2,6% và nhu cầu mua sắm giảm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) Quý II tăng 0,45% so với quý trước.
Ghi nhận tình hình lao động chung trong Quý II/2021
Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch COVID-19 tạo ra còn lâu nữa mới kết thúc và mức tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023.
Báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021 của ILO (WESO) dự đoán sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019.
Tại Việt Nam, do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch COVID-19, trong Quý II, cả nước có đến gần 1,2 triệu người thất nghiệp, con số cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tình hình lao động việc làm Quý II cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Quý II/2021 là 68,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn và khó kiểm soát hơn của dịch COVID-19 lần thứ tư đã làm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,80% và 2,49%). Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy được qua các năm trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị. Xét theo ba khu vực kinh tế, tỷ trọng lao động thiếu việc làm trong độ tuổi Quý II năm 2021 ở khu vực dịch vụ là cao nhất với 35,8%, tiếp theo là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 35,6%.
Trong Quý II/2021, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người, giảm 2,25% so với quý trước và tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý trước và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,6 triệu người đang làm việc, tăng 3,19% so với quý trước, và tăng 3,64% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động Quý II năm 2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,44 lần (7,1 triệu đồng so với 4,9 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,41 lần (7,5 triệu đồng so với 5,3 triệu đồng). Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong Quý II năm 2021 đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động kể từ Quý III năm 2020 đến Quý I năm 2021. Quý II năm 2021 ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước.
Ông Phạm Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết: “Số thanh niên từ 15 – 24 tuổi thất nghiệp trong Quý II là hơn 389.000 người, chiếm 31,8% tổng số người thất nghiệp.”
Bên cạnh đó ông Nam cũng chia sẻ, Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 1 triệu người lao động không có bảo hiểm với kinh phí là hơn 1.027 tỷ đồng. Đây là những người bị giãn việc, mất việc, tạm hoãn hợp đồng, tạm chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra gói hỗ trợ còn hướng đến một số đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo,…
Phát biểu tại họp báo tình hình lao động việc làm Quý II năm 2021 do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Trung Tiến đánh giá, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm Quý II/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.
Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch.
Xem thêm bài viết: Các quốc gia đã sử dụng công nghệ góp phần đẩy lùi Covid-19 như thế nào?
Bài toán đặt ra cho các đơn vị đào tạo giáo dục Việt Nam
Với những con số thống kê đáng quan ngại từ Tổng cục Thống kê vừa qua và theo dự báo của ILO, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt với sự thay thế lao động khi ứng dụng công nghệ số, có tới 70% số việc làm ở mức rủi ro cao (xác suất bị thay thế trên 70%). Trong đó, lao động ngành nông, lâm và thủy sản bị máy móc, rô bốt thay thế là 83,3%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… bị thay thế là 74,4%, bán buôn, bán lẻ 84,1%, dệt may là 83% và điện tử là 75%.
Công nghệ số sẽ làm cho năng suất lao động cao hơn, nhưng nếu không quan tâm đến những người bị mất việc, thì công nghệ số sẽ tác động đến con người trầm trọng và lâu dài.
Nhu cầu lao động tương lai cần những cá nhân có chuyên môn kỹ thuật rất cao, nhất là các lĩnh vực then chốt như: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Thiết kế và in ấn 3D, Kỹ thuật cao, Công nghệ thông tin và Thương mại điện tử,…
Để ứng phó với tình hình xã hội trong giai đoạn dịch bệnh, các đơn vị đào tạo cần:
- Đổi mới theo phương thức đào tạo kết hợp: vừa trực tiếp vừa trực tuyến, để tận dụng kỹ thuật – công nghệ số trong quá trình đào tạo
- Mở nhiều ngành nghề mới liên quan đến Công nghệ thông tin và Thương mại điện tử kết hợp với các ngành dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ gia đình
- Thúc đẩy hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nhằm kết nối, hỗ trợ học viên học tập lý thuyết song song với thực hành dựa trên các dự án thực tế từ doanh nghiệp, phát triển toàn diện về kỹ năng và kiến thức chuyên môn trong ngành
- Hợp tác, liên kết đào tạo với các trường phát triển giáo dục như Mỹ, Pháp, Canada, Nhật,… để nâng cao chất lượng đào tạo và tạo cơ hội cho học viên tiếp cận môi trường và phương pháp giáo dục hàng đầu thế giới
Trước mắt, để tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19; Tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; Tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.