Đừng phí 2-4 năm học nếu không xác định 5 điều sau
Nếu mở một cuộc điều tra với câu hỏi “Tại sao em lại quyết định học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT?”, câu trả lời của nhiều bạn có lẽ sẽ khiến chúng ta bất ngờ.
“Em học xong cấp một, cấp hai, cấp ba thì học tiếp thôi, không học thì làm gì bây giờ?”
“Em chưa từng nghĩ tới chuyện này, ai cũng học, em cũng vậy thôi…”
“Em không biết lý do em học là gì nữa, có thể là do em không biết làm gì sau khi học xong phổ thông.”
Hầu hết mọi người đều nghĩ việc học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT là lựa chọn hiển nhiên của mỗi cá nhân dù là học đại học, cao đẳng hay học nghề; một con đường mà ai cũng phải đi qua… Nhưng có bao giờ các bạn tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao ta lại lựa chọn con đường đó, và một khi đã lựa chọn thì phải đi như thế nào để đến đích một cách vẻ vang nhất?” hay không?
Xem thêm bài viết: Rớt nguyện vọng CNTT, làm sao để theo đuổi đam mê?
Thực ra, thời gian để để tiếp tục học tập là hai năm, ba năm hay bốn năm không quan trọng. Điều quan trọng nhất nằm ở việc mục tiêu bạn đặt ra là gì và làm thế nào để đạt được nó. VTC Academy chia sẻ 5 điều mà bạn cần xác định rõ và thực hiện trong suốt quá trình học để hành trình tương lai đạt được kết quả tốt nhất.
Đầu tiên, cần xác định rõ mục tiêu: Học để làm gì? Từ mục tiêu đó, hãy vạch ra lộ trình cụ thể để từng bước thực hiện.
Bạn học vì muốn trang bị kiến thức và chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai, học vì tấm bằng hay chỉ đi học cho giống bạn bè? Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ không biết mình học để làm gì dẫn tới việc sao nhãng, học đối phó chỉ để qua môn hay đơn giản là “xách ba lô lên và đi tới giảng đường”, còn con đường đó cuối dùng dẫn đến đâu thì các bạn không biết và cũng chẳng bận tâm.
Cứ thế, để rồi đến một lúc khi hành trình đã đủ xa và chợt giật mình nhìn lại, các bạn có lẽ sẽ tự hỏi rằng mình đang ở ngã rẽ nào của cuộc đời, hành trang trong tay mình là gì sau ngần ấy thời gian. Tiền bạc và thời gian bỏ ra không bao giờ lấy lại được, bạn muốn chúng giúp mình xây dựng hành trang vững chắc trên con đường phía trước hay là trắng tay để trở về điểm ban đầu? Điều đó tùy thuộc vào bạn. Hãy dành thời gian để suy ngẫm thật kỹ về con đường bạn quyết định đi, dựa trên quyết định đó hãy lập kế hoạch với thời gian biểu cụ thể và có từng cột mốc ngắn hạn lẫn dài hạn để từng bước thực hiện nó.
Thứ hai, hãy lên kế hoạch chi tiêu/tài chính rõ ràng: nhu cầu của bản thân bạn là bao nhiêu, số tiền gia đình cho bạn đã đủ chưa, cần làm gì nếu chưa đủ?
Việc lập kế hoạch thu chi và quản lý tài chính cá nhân là kỹ năng tối cần thiết đối với các bạn sinh viên, nhất là các bạn trẻ phải sống xa nhà và tự lập với rất nhiều khoản chi phí phát sinh bất ngờ cả trong việc học lẫn cuộc sống hàng ngày như đau ốm, bệnh tật. Chính vì vậy, hình thành nếp sống độc lập là cần thiết, bắt đầu từ việc quản lý chi tiêu cá nhân. Việc trước nhất nên làm là dự chi các khoản cố định: chi phí phòng trọ, ăn uống, đi lại,…, từ đó ước lượng số tiền tối thiểu cần dùng trong một tháng và cố gắng dành ra một khoản tiết kiệm trước khi bắt đầu sử dụng.
Bên cạnh đó, việc ghi lại chi tiêu mỗi ngày cũng giúp bạn kiểm soát được lượng tiền đã dùng vào việc gì và cân đối cho phù hợp. Hãy sắp xếp các khoản cần chi theo thứ tự ưu tiên: nếu bạn cần dùng quá nhiều tiền trong một tháng, hãy chia rõ các khoản cần chi ra và sắp xếp thứ cần thiết hơn lên đầu; những thứ còn lại có thể chuyển sang dự trù chi tiêu cho tháng sau.
Trong trường hợp số tiền gia đình có thể cho bạn hàng tháng không đủ với các nhu cầu của bản thân, hãy tính đến phương án tìm việc làm thêm theo hai tiêu chí: không “lấy cắp” thời gian của việc học và cố gắng tìm kiếm những công việc giúp bạn thực hành chính những nội dung đang học ở trường.
Thứ ba, chú trọng việc thực hành thường xuyên những kiến thức lý thuyết vừa học ở trường.
Nếu như ở THPT, lý thuyết là thứ bạn phải nỗ lực học để đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra thì khi lên các cấp học cao hơn, điều đó là không đủ. Trong những năm gần đây, tình trạng rất nhiều cử nhân đại học ra trường gặp phải tình trạng thất nghiệp hoặc làm trái ngành đã chỉ ra một thực trạng trong đào tạo: sinh viên vẫn học nặng về lý thuyết, chưa chủ động nâng cao năng lực thực hành và rất khó để bắt kịp diễn biến thực tế trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp.
Xem thêm bài viết: Nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục đồng hành cùng VTC Academy trong năm học mới
Với tốc độ công nghệ phát triển như vũ bão hiện tại, bạn sẽ rất dễ bị tụt hậu nếu không thường xuyên bổ sung những kiến thức mới cũng như rèn luyện việc thực hành và sử dụng các kiến thức vừa học vào công việc thực tiễn. UNESCO cũng khẳng định: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Bổ sung thêm kiến thức, “học đi đôi với hành” là điều cần thiết để các bạn trang bị nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tương lai của mình.
Thứ tư, nhất định phải rèn luyện kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
Các bạn sinh viên trẻ ngày nay khá năng động, nhiều bạn đã biết tự tìm kiếm các cơ hội để học tập và trau dồi các kỹ năng mềm cho bản thân. Tuy nhiên, phần lớn vẫn còn thụ động, chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong công việc và cuộc sống. Các bạn cứ nghĩ rằng học thật giỏi là đủ và chắc chắn sẽ thành công khi vào đời.
Thực tế cho thấy kỹ năng cứng (IQ) tạo tiền đề và kỹ năng mềm (EQ) tạo nên sự phát triển. Theo Wikipedia, người thành đạt chỉ có khoảng 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Chìa khóa dẫn đến thành công là khi bạn biết kết hợp cả hai kỹ năng này một cách khéo léo.
Có thể bạn đã biết, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, phần lớn các tin tức và tài liệu tri thức được cập nhật nhanh nhất đều là tiếng Anh. Nếu bạn sử dụng được tiếng Anh thành thạo đồng nghĩa với việc bạn nắm trong tay cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin chất lượng cao khổng lồ. Không những thế, tiếng Anh còn giúp bạn giao tiếp và tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp tốt hơn cho tương lai của mình.
Cuối cùng, đừng quên rèn luyện bản lĩnh tránh khỏi cám dỗ (cái gì cần thử có thể thử, cái gì không được thử thì nhất định nói không!)
Trường hợp thường xảy ra nhất đối với các bạn tân sinh viên đó chính là việc bị cuốn vào các mạng lưới đa cấp. Nói thêm về hình thức đa cấp đang ngày càng biến tướng ở Việt Nam, đó là việc lợi dụng lòng tin của các bạn trẻ với những lời hứa hẹn về hoa hồng khi bán sản phẩm và lôi kéo người tham gia vào mạng lưới rất hấp dẫn, nhưng lúc muốn thoát ra thì lại rất khó khăn – thậm chí còn bị đe dọa về tinh thần – khiến không ít người bị mất tiền oan và ảnh hưởng đến việc học tập.
Cùng sự tự do khi sống xa gia đình, một bộ phận trẻ khác lại không biết kiểm soát bản thân và thời gian, sa đà vào những cuộc chơi quên ngày tháng, sống cuộc sống “ngày ngủ đêm bay” vô cùng nguy hại. Về lâu dài nó có thể ảnh hưởng xấu không chỉ đối với việc học hành mà còn đối với sức khỏe của bạn.
Lời kết
Tốt nghiệp THPT & lên một cấp học mới cũng có nghĩa là bước chân vào một con đường mới, bắt đầu cuộc sống tự lập và phải tự chịu trách nhiệm với bản thân. Muốn không uổng phí thời gian thanh xuân của bản thân và tiền bạc của cha mẹ, các bạn nhất định phải tự mình rèn luyện và trưởng thành theo cách tốt nhất. Có như thế, việc học mới thực sự ý nghĩa và hiệu quả.
Bạn của những năm sau trở thành người như thế nào phụ thuộc vào quyết định và sự cố gắng của bản thân bạn ngay từ hôm nay. Hãy tự quyết định tương lai của bản thân và đừng quên VTC Academy luôn đồng hành cùng bạn trên con đường biến đam mê thành sự nghiệp.