Front-end là gì? Những điều cần biết về Front-end developer
Front-end là gì? Lập trình Front-end là làm gì? Chắc hẳn đây là những thắc mắc của đại đa số các bạn mới tìm hiểu về lĩnh vực phát triển web/ ứng dụng. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng vị trí lập trình Front-end khá cao, đó cũng là lý do mà nhiều bạn trẻ quan tâm đến công việc này. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn, VTC Academy sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên một cách rõ ràng và ngắn gọn để bạn có thể hiểu và đưa ra quyết định phù hợp với bản thân.
Front-end là gì? Công việc của một Front-end developer
Front-end của một website/ ứng dụng là phần giao diện tương tác trực tiếp với người dùng. Tất cả những gì chúng ta thấy khi điều hướng trên Internet, từ font chữ, màu sắc cho đến thanh menu, thanh trượt đều thuộc về phần Front-end của website/ ứng dụng. Có thể nói Front-end là “cầu nối” giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Trái với Back-end developer, Front-end developer (người lập trình Front-end) sẽ chịu trách nhiệm về mặt thẩm mỹ, trải nghiệm người dùng cho website/ ứng dụng. Vậy cụ thể người lập trình Front-end sẽ làm những công việc gì?
Người lập trình Front-end có khá nhiều nhiệm vụ khác nhau bao gồm:
- Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng cho website/ ứng dụng.
- Cập nhật các trang web hiện có hoặc tạo các trang web mới.
- Tạo email HTML cho các chiến dịch email.
- Đảm bảo website luôn hoạt động tốt trên các thiết bị khác nhau (điện thoại di động, máy tính bảng, PC, Laptop)
- Cải thiện hiệu suất hoạt động của website bằng cách làm sạch mã (để mã dễ mở rộng, sửa lỗi, tái cấu trúc) và tách mã (để chương trình chạy không quá dài, dễ quản lý).
- Thêm và cải thiện các tính năng hỗ trợ.
Các công cụ và kỹ năng cần thiết cho một Front-end developer
Front-end developer chuyên nghiệp bạn cần phải có một số kỹ năng sau:
Kỹ năng liên quan đến kỹ thuật
Sử dụng thành thạo các ngôn ngữ HTML, CSS và JavaScript
HTML, CSS và JavaScript là các ngôn ngữ lập trình đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên giao diện website/ ứng dụng hấp dẫn và thân thiện với người dùng. Mỗi ngôn ngữ lập trình Front-end sẽ đảm nhiệm một vai trò, cụ thể:
HTML: Đây là phần cấu tạo nên khung của website/ ứng dụng. HTML được sử dụng để cấu trúc nội dung của website. Đồng thời nó cũng cho trình duyệt biết cách hiển thị nội dung đó như thế nào.
CSS: Nếu ví website là cơ thể người thì CSS sẽ giúp cấu tạo nên phần da, quần áo bên ngoài cơ thể đó. CSS sẽ làm cho website bạn trở nên đẹp và chuyên nghiệp hơn. CSS cung cấp cho trình duyệt thông tin cụ thể hơn về việc hiển thị nội dung, kích thước và màu sắc như thế nào.
JavaScript: Với HTML, CSS bạn đã có thể tạo nên một website cơ bản. Tuy nhiên để làm cho nó tương tác (thả thanh menu xuống, phóng to, thu nhỏ trang web,…), bạn cần phải có kiến thức cơ bản về JavaScript. Một website không đơn thuần chỉ toàn là những đoạn văn bản. Nhờ JavaScript bạn có thể tạo nên các yếu tố phức tạp hơn như: bản đồ tương tác, đồ họa động,…
Có hiểu biết về các framework (khung) và libraries (thư viện)
Framework chính là những đoạn code được viết sẵn, tạo nên một bộ khung. Nó có thể chứa các trình diễn dịch, biên dịch, các thư viện,… Nhờ vào framework mà công việc lập trình trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Ví dụ, thanh tìm kiếm trên website là một chức năng phổ biến và bạn có thể tìm thấy framework tạo nên chức năng này mà không cần phải coding lại từ đầu. Một số framework, thư viện phổ biến hiện nay có thể kể đến như: AngularJS, React, Vue. Bạn có thể coi việc thuần thục các framework, libraries nổi trội ở thời điểm hiện tại là một thế mạnh giúp ghi điểm trước nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, với những bạn mới bắt đầu đừng nên chăm chăm vào học cách sử dụng framework mà không hiểu bản chất nó hoạt động như thế nào. Các bạn nên học những kiến thức về JavaScript từ cơ bản trước rồi đến chuyên sâu thì bạn sẽ dễ hiểu và nắm bắt kiến thức về framework tốt hơn. Nếu bạn chỉ biết cách sử dụng mà không biết vì sao nó hoạt động như vậy thì đó là điểm trừ rất lớn gây bất lợi cho bạn khi phỏng vấn.
Có kỹ năng xử lý CSS Preprocessors
CSS Preprocessors là ngôn ngữ tiền xử lý của CSS. Có thể hiểu CSS Preprocessors là phiên bản nâng cao của CSS. Nó giúp bạn viết CSS nhanh hơn và có cấu trúc rõ ràng hơn. Ngoài ra, việc bảo trì và phát triển CSS cũng dễ dàng hơn.
Các bộ phận tiền xử lý CSS như SASS, LESS cho phép các nhà phát triển viết mã bằng ngôn ngữ của bộ phận tiền xử lý. Như vậy, các thao tác cũng được đơn giản hóa hơn so với việc dùng CSS cũ đơn thuần. Bộ phận tiền xử lý sẽ tự động chuyển đổi mã sang CSS để đảm bảo nó có thể hoạt động bình thường trên website.
Kỹ năng về thiết kế web đáp ứng (Responsive web design)
Ngày nay, người dùng truy cập vào website bằng khá nhiều thiết bị khác nhau, trong đó có các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Một website tốt là khi nó có thể tự động điều chỉnh cho phù hợp với thiết bị người dùng. Khi bạn thiết kế web đáp ứng tốt bạn có thể tạo ra một website thân thiện với người dùng hơn.
Các kỹ năng mềm
Tưởng chừng như các bạn lập trình viên chỉ cần có các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật là đủ, nhưng không, để trở thành lập trình viên chuyên nghiệp bạn cần hơn thế nữa. Bạn nên trau dồi thêm các kỹ năng mềm để bổ trợ cho công việc của mình.
Kỹ năng xử lý và giải quyết các vấn đề nhanh chóng
Trong quá trình vận hành, sự cố là điều khó tránh khỏi. Vì thế khả năng ứng biến, xử lý nhanh các tình huống là kỹ năng mà một Front-end developer cần có để đảm bảo trải nghiệm người dùng được duy trì ổn định.
Kỹ năng giao tiếp
Dù bạn là lập trình viên Front-end, Back-end hay Full-stack thì bạn cũng cần phải giao tiếp và làm việc nhóm. Trong công việc bạn cần phải làm việc chung với nhiều bộ phận khác nhau nên việc giao tiếp tốt giúp cho công việc trôi chảy hơn. Với dân kỹ thuật, mọi người thường nghĩ họ là những người rụt rè, giao tiếp kém. Nhưng với cuộc sống năng động ngày nay, những lập trình viên giao tiếp tốt sẽ có điểm cộng rất lớn trong mắt các nhà tuyển dụng.
Mức thu nhập ngành lập trình Front-end
Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, thì mọi doanh nghiệp đều cần website để giao tiếp, tương tác với khách hàng trên môi trường trực tuyến. Vì thế mà nhu cầu web developer ngày càng cao. Tùy vào từng vị trí chuyên môn cụ thể mà mức lương cho các lập trình viên sẽ khác nhau.
Theo thống kê của trang Vietnamworks, mức lương trung bình cho vị trí lập trình Front-end là $948/tháng (~22,2 triệu đồng). Đây được xem là mức lương khá cao so với mặt bằng chung của các ngành khác tại Việt Nam.
Học lập trình Front-end ở đâu?
Đối với những bạn muốn trở thành Front-end developer chuyên nghiệp, các bạn nên lựa chọn cho mình một nơi đào tạo uy tín để có được lộ trình học tập cụ thể, rõ ràng. Và VTC Academy là một gợi ý dành cho bạn. Học viện có hơn 12 năm kinh nghiệm trong việc đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin và thiết kế.
Sản phẩm của học viên VTC Academy
Với khóa học lập trình phần mềm tại VTC Academy, bạn sẽ được cung cấp lộ trình học tập rõ ràng trong 2 năm học. Bên cạnh đó, VTC Academy cũng luôn mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các học viên. Sau khi hoàn thành chương trình học, bạn có thể đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Front-end developer, Back-end developer, Full-stack developer,… và hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những công ty lớn.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc Front-end là gì và hiểu được những công việc của một Front-end developer. Từ đó, có thể đưa ra quyết định lựa chọn hướng đi phù hợp cho bản thân. Chúc các bạn thành công với con đường mà mình đã lựa chọn.