Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh tại Việt Nam – Sự kết hợp quan điểm giữa Pháp và Đức
(Theo Dân Sinh) Thứ Bảy ngày 27/11, Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Viện Goethe tại Hà Nội sẽ đồng tổ chức hội thảo chuyên đề Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh (AVGC) tại Việt Nam – Sự kết hợp quan điểm giữa Pháp và Đức do bà Trương Uyên Ly – nhà báo, Hanoi Grapevine điều phối chương trình, với sự tham gia của các chuyên gia Pháp, Đức, Cộng hòa Séc và Việt Nam.
Ngày nay, truyện tranh là một hình thức biểu đạt nghệ thuật quan trọng ở châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Thị trường xuất bản truyện tranh đang phát triển không ngừng và mỗi độc giả đều có thể tìm cho mình một tác giả, một bộ sách đáp ứng thị hiếu riêng.
Đây cũng là một nguồn cảm hứng có sức ảnh hưởng và mang tới sự tương tác hai chiều với các phương tiện truyền thông khác: Nhiều bộ phim, phim truyền hình, video games, tiểu thuyết hoặc triển lãm đã được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các nhân vật, câu chuyện trong truyện tranh, hay còn được biết tới là nghệ thuật thứ chín. Truyện tranh còn là một phần của lĩnh vực rộng hơn được gọi là công nghiệp hình ảnh (hoạt hình, video games, truyện tranh).
Mục đích của hội thảo là quy tụ các họa sĩ minh họa, nhà văn, biên tập viên, nhà làm phim, nghệ sĩ, nhà báo, nhà xuất bản, nhà phê bình, cùng các nhà văn hóa và chuyên gia khác của Việt Nam để suy ngẫm và trao đổi về các điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam dựa trên hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh.
Đặc biệt, các diễn giả sẽ trình bày cách thức mà lĩnh vực xuất bản truyện tranh đã phát triển trong nền công nghiệp hình ảnh ở Pháp và Đức.
Sự kiện diễn ra gồm 3 vòng thảo luận và sẽ đề cập tới 3 nội dung chính:
● Sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp hình ảnh ở Pháp và Đức có thể truyền cảm hứng cho Việt Nam trong việc xây dựng ngành công nghiệp nghệ thuật hình ảnh của riêng mình như thế nào? Tình hình ở Đức và Pháp như thế nào?
● Tương lai của ngành Truyện tranh tại Việt Nam? Truyện tranh Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong lĩnh vực công nghiệp hình ảnh?
● Tại sao những đặc thù trong kĩ năng và chuyên môn của lĩnh vực công nghiệp hình ảnh mang lại các điều kiện thuận lợi để giúp các bạn trẻ Việt Nam trở thành những người có đầu óc đổi mới, trở thành các doanh nhân và nhà cung cấp việc làm?
Cách tiếp cận này sẽ làm nổi bật không những các khả năng kể chuyện đa truyền thông mới, mà còn kiếm tiền với sự phát triển từ nhượng quyền thương mại có sẵn trên nhiều phương tiện (truyện tranh, tiểu thuyết, trò chơi điện tử, phim, phim truyền hình hoặc phim hoạt hình…).
Các diễn giả tham gia chương trình có:
Họa sĩ Nguyễn Thành Phong và nhà nghiên cứu Nguyễn Khánh Dương – hai tác giả truyện tranh thuộc nhóm Phong Dương Comics. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2004, nhóm vẽ đã có tác phẩm in trên các tạp chí: Truyện Tranh Trẻ, Hoa Học Trò, Thần đồng Đất Việt Fanclub, Truyện Tranh Việt… Các tác phẩm tiêu biểu của nhóm bao gồm: Orange; Nhi & Tũn hay tác phẩm Long Thần Tướng – cuốn truyện tranh Việt Nam được nhiều giải thưởng quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS). Bà lấy bằng Tiến sĩ về Quản lý Văn hóa tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Từ năm 2012, bà đã tham gia với tư cách là thành viên cốt lõi của nhiều chương trình, dự án có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.
Ông Đặng Cao Cường là thạc sĩ xuất bản, biên tập viên, Trưởng ban bBên tập sách Comic của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ông là người phụ trách nhiều dự án Manga – Comic đình đám, với kinh nghiệm dày dặn trong xuất bản, phát hành và tổ chức các sự kiện về truyện tranh cho độc giả tại Việt Nam.
GS Hannes Rall (hay còn gọi là Hans-Martin Rall) là Giáo sư ngành Hoạt hình thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore. Ông cũng là đạo diễn thành công của các phim ngắn hoạt hình được sản xuất độc lập. Các tác phẩm của ông đã được chọn tham dự hơn 650 liên hoan phim quốc tế và giành được 70 giải thưởng. Các cuốn sách Hoạt hình: Từ ý tưởng đến sản xuất (From Concept to Production, 2017) và Chuyển thể hoạt hình: Chuyển đổi khung hình văn học (Adaptation for Animation: Transforming Literature Frame by Frame, 2019) đã được CRC Press xuất bản.
Ông Jakub Dvorský là người sáng lập, nhà thiết kế trò chơi và giám đốc sáng tạo tại Amanita Design, studio phát triển trò chơi độc lập có trụ sở tại Cộng hoà Séc được thành lập vào năm 2003, nổi tiếng với các trò chơi: Machinarium, Botanicula, Samorost series, Chuchel, Pilgrims, Creaks hoặc Happy Game.
Ông Marko Dieckmann là Giám đốc ION LANDS, một công ty phát triển và phát hành trò chơi độc lập có trụ sở tại Berlin, Đức. Ông là một nhà phát triển phần mềm và quản lý studio; đã thành lập nhiều studio phát triển trò chơi độc lập cũng như làm việc với tư cách là nhà phát triển phần mềm cho một loạt các dự án trò chơi khác nhau. Ông đã dẫn dắt các nhóm vượt qua tất cả các giai đoạn phát triển, thiết kế, thử nghiệm và vận hành trò chơi. ION LANDS đã rất thành công với trò chơi Cloudpunk và đang xây dựng trò chơi mới.
Ông Thierry Nguyen có thâm niên 19 năm trong ngành VFX và Animation, tham gia sản xuất hàng chục phim điện ảnh, phim hoạt hình và phim truyền hình dài tập. Thierry Nguyen thành lập xưởng phim BadClay Studio vào năm 2013 tại TP. Hồ Chí Minh. Kể từ đó, BadClay là một trong những studio VFX điện ảnh hàng đầu tại Việt Nam, cung cấp sản xuất VFX cho hơn 20 bộ phim truyện Việt Nam, bao gồm những bộ phim ăn khách nhất như: “Hai Phượng”, “Trạng Tí”, “Người bất tử”, “Hồn papa da con gái”…) và là đối tác cho nhiều hãng phim quốc tế ở châu Âu, Đông Nam Á và châu Mỹ.
Và ngoài ra còn có nhiều diễn giả nổi tiếng khác đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Hội thảo sẽ được tổ chức trực tuyến qua nền tảng Zoom. Link đăng ký: https://forms.gle/9taRCPFNgmftGV5x8.
(Nguồn: Dân Sinh)