
Học theo sở thích hay theo xu hướng nghề nghiệp?
Khi đứng trước ngưỡng của chọn ngành, chọn nghề, nhiều bạn không khỏi trẻ bối rối với những câu hỏi quen thuộc: “Nên học theo sở thích hay theo xu hướng nghề nghiệp”. Một bên là sở thích cá nhân, thứ khiến bạn không thấy chán, là nguồn cảm hứng bất tận. Một bên là theo xu hướng nghề nghiệp, những ngành “hot”, dễ kiếm việc, hứa hẹn một tương lai ổn định với mức lương hấp dẫn. Vấn đề là, hai con đường này không phải lúc nào cũng giao nhau, và lựa chọn chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Vì sao nhiều người bị cuốn vào “đại lộ thênh thang” mang tên xu hướng nghề nghiệp?
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay, ngay cả khi đã đến thời điểm lựa chọn ngành học, vẫn chưa thực sự hiểu rõ bản thân yêu thích điều gì hay đâu là thế mạnh nổi bật của mình. Chính vì thế, không ít người lựa chọn ngành theo xu hướng thị trường, mà chưa lường trước được những hệ lụy tiềm ẩn từ việc chạy theo “ngành hot”.
Phần lớn đều cho rằng chỉ cần học xong là sẽ dễ dàng tìm được việc làm, đặc biệt khi theo đuổi các lĩnh vực được đánh giá cao về mức lương và cơ hội như Công nghệ thông tin, Marketing hay Khoa học dữ liệu. Bên cạnh đó, áp lực từ gia đình cũng là một yếu tố không nhỏ, khi nhiều phụ huynh mong muốn con mình có được một công việc ổn định và thu nhập tốt ngay sau khi ra trường.
Đằng sau lựa chọn “ngành hot”: Những rủi ro không ai nói trước
Việc chọn ngành học chỉ vì nó “hot” hay dễ kiếm việc làm có thể mang lại cho bạn cảm giác an toàn ban đầu, nhưng tiềm ẩn rủi ro lâu dài. Khi thật sự không yêu thích ngành học, bạn dễ rơi vào trạng thái học để đối phó, thiếu động lực, và cảm thấy chán nản sau một thời gian. Nhiều người dù đã ra trường nhưng vẫn quyết định bỏ ngang để theo đuổi con đường khác, gây lãng phí thời gian, tốn công sức và cả chi phí học tập. Đặc biệt, nếu thiếu đam mê thực sự, bạn rất khó để tạo ra sự khác biệt hay tiến xa trong lĩnh vực bạn đã chọn. Bởi vì trong môi trường cạnh tranh, đam mê là yếu tố giữ chân bạn lại khi công việc trở nê áp lực và giúp bạn vượt qua những thử thách để phát triển bền vững. Học theo xu hướng mà không có sự đồng thuận từ bên trong, dễ khiến bạn bị lạc giữa chặng đường dài.
Không ít bạn trẻ sau vài năm học hoặc làm việc mới nhận ra mình thực sự không phù hợp với ngành mình đã chọn. Việc chuyển hướng nghề nghiệp bây giờ đã không còn dễ dàng: bạn phải học lại từ đầu, làm lại từ vị trí thấp hoặc đánh đổi sự ổn định hiện có. Trong khi đó, nếu ngay từ đầu bạn cân nhắc giữa sở thích cá nhân và xu hướng xã hội, bạn có thể vẫn giữ được đam mê, vừa mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Điều quan trọng không phải là chọn ngành đang “hot” nhất, mà là chọn ngành bạn có thể gắn bó lâu dài, phát triển bản thân và tạo ra giá trị. Đó là lý do vì sao hiểu rõ bản thân, định hướng đúng từ sớm và linh hoạt trong lựa chọn là nền tảng giúp bạn tránh những cú “rẽ ngang” trong tương lai.
Đam mê và thực tế: Lý do không phải ai cũng nên học theo sở thích cá nhân
Chọn học theo sở thích là điều ai cũng mong muốn, nhưng nếu chỉ dựa vào đam mê mà không xem xét đến thị trường thực tế, bạn rất dễ rơi vào tình trạng bế tắc ngay sau khi tốt nghiệp. Có những sở thích mang tính cá nhân cao như chơi game, viết truyện… vốn không có nghề nghiệp rõ ràng hoặc ít cơ hội việc làm nếu không có khả năng kết nối với thị trường. Khi đó đam mê trở thành “gánh nặng tài chính” thay vì là động lực. Nhiều bạn trẻ mù quáng theo đuổi sở thích mà bỏ qua những kỹ năng cần thiết, dẫn đến khó tìm việc, thu nhập bấp bênh và áp lực từ gia đình, xã hội. Đam mê chỉ thực sự bền vững khi nó được gắn với một giá trị cụ thể hoặc thích nghi và ứng dụng vào những lĩnh vực mang tính thực tiễn hơn.
Nói cách khác, đam mê và học theo sở thích không sai, nhưng nếu không có chiến lược cụ thể, nó rất dễ trở thành trò chơi cảm tính. Học chỉ vì sở thích, mà thiếu tầm nhìn dài hạn, có thể khiến bạn lạc lõng giữa một thị trường khốc liệt.
Không chỉ đam mê, cũng chẳng đơn thuần là xu hướng – Đâu là giải pháp tốt nhất cho bạn trẻ hôm nay?
Cuối cùng, câu hỏi “nên học theo sở thích hay theo xu hướng nghề nghiệp” giải pháp tốt nhất lại nằm ở sự cân bằng. Không nên tuyệt đối về một phía, bởi vì theo sở thích mà không theo thị trường thì lại trở thành mơ mộng, trong khi chạy theo thị trường mà bỏ quên bản thân lại dễ khiến bản thân mất định hướng.
Trong thế giới thay đổi nhanh chóng, sự linh hoạt và chủ động là yếu tố sống còn. Hãy bắt đầu bằng việc hiểu rõ bản thân: bạn thích gì, có năng khiếu và sở trường ở lĩnh vực nào, đồng thời quan sát thị trường đang cần gì. Đôi khi chỉ cần điều chỉnh một chút – như chọn chuyên ngành phù hợp, kết hợp giữa học và thực hành, bạn có thể biến đam mê thành lợi thế cạnh tranh, thay vì trở ngại.
Ví dụ: Nếu bạn thích sáng tạo, hãy chọn học những ngành thiết kế như UI/UX, truyền thông số. Nếu bạn thích chơi game hãy tìm đến việc lập trình game, thiết kế 3D game… Cơ hội luôn tìm đến nếu bạn biết tìm điểm giao giữa sở thích và thị trường.