Câu chuyện tâm lý học trong ngành sáng tạo | VTC Academy
VTC Academy VTC Academy
Câu chuyện tâm lý học trong ngành sáng tạo

Câu chuyện tâm lý học trong ngành sáng tạo

Ngày đăng 30/06/2021

Rất nhiều cái tên mà tôi sắp đề cập tới đây sẽ vô cùng quen thuộc đối với các bạn dù đang làm nghệ thuật hay những lĩnh vực khác liên quan đến sáng tạo và truyền thông, như Robin Williams, Marilyn Monroe, Choi Jin Sil, Agatha Christie, Beethoven, Vincent van Gogh, Chester Bennington, Park Yong Ha, Amy Winehouse, Kim Jong Hyun, Kurt Cobain, Chris Cornell, Kimi Qiao Renliang, Sylvia Plath, Virginia Woolf Edvard Munch, Anne Sexton… Điều đáng buồn ở đây, họ chỉ là một phần nhỏ trong số nhiều những người nghệ sĩ nổi tiếng đã qua đời vì những căn bệnh tâm lý.

Là những người làm việc trong ngành sáng tạo và nghệ thuật, chúng ta không thể tránh khỏi, thậm chí còn có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi sự đe dọa của những chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực. Đã tới lúc chúng ta đối diện trực tiếp với vấn đề này và bắt đầu có những cuộc hội thoại nghiêm túc và thẳng thắn về sức khỏe tâm lý của chính mình.

Sức khỏe tâm lý của người làm trong ngành sáng tạo hiện nay

Tại Việt Nam, khoảng 30% dân số được phát hiện mắc phải các rối loạn và tâm lý, trong đó, tỷ lệ trầm cảm chiếm tới 25%, số bệnh nhân trầm cảm tự tử dao động từ 36.000 đến 40.000 người. Đây mới chỉ những con số đại diện cho những cá nhân được ghi nhận, còn trên thực tế, số lượng bệnh nhân mắc bệnh tâm lý thực thế còn cao hơn nữa. Không thể phủ nhận rằng, những vấn đề về sức khỏe tâm lý là vô cùng nghiêm trọng và thật may mắn thay, dạo gần đây, trước những bài báo đưa tin về những mất mát và tổn thương mà chúng đem lại, số đông dân chúng cũng đã bắt đầu nhận thức được sự nguy hiểm của các căn bệnh vô hình này.

Tuy nhiên, chỉ nhận thức không thôi là chưa đủ, chúng ta vẫn còn phải bắt đầu nói chuyện, nghiên cứu và chủ động trong việc phòng ngừa và chữa trị bệnh, đồng thời hỗ trợ những bệnh nhân khác vượt qua khỏi chứng ngại tâm lý của họ.

Những căn bệnh tâm lý có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, ảnh hưởng tới bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi hay ở trong bất cứ công việc nào. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, những cá nhân làm việc trong các ngành nghề sáng tạo và nghệ thuật vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những ngành khác. Thực ra, cũng không quá bất ngờ khi chúng ta – những người làm thiết kế, những người thường xuyên phải thức khuya để chạy theo deadline, vắt óc để tìm ý tưởng, chịu đựng stress từ đủ các nguồn – lại là những người gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe tâm lý hơn hẳn những ngành nghề khác. Trong một môi trường agency thông thường, sẽ thật khó để chúng ta có thể thư giãn và chăm sóc cho bản thân khi áp lực công việc là vô kể và dồn dập không ngừng. Không khó để tìm thấy những câu chuyện về các Designer và họa sĩ phải ở lại văn phòng làm việc đến đêm, thậm chí tới sáng chỉ để hoàn thành một đầu việc cho kịp yêu cầu của khách hàng. Hay là giai thoại về những ngày cuối tuần không được nghỉ ngơi, bộn bề công việc chất đống tới mức mà thời gian rảnh để tự nấu một bát cơm cũng chẳng có. Môi trường và điều kiện làm việc của ngành sáng tạo và cực kỳ gian khổ và đầy rẫy những bất cập, nên hiển nhiên việc chúng ta bị rình rập bởi những rối loạn tâm lý là điều khó có thể tránh khỏi.

Bệnh tật thì có thể lãng mạn hay không?

Điều đầu tiên chúng ta cần phải nắm bắt về sự hiện diện của những căn bệnh này đó là những rối loạn về tâm thần, không phải là một thử đáng để mong muốn hay thèm khát. Chỉ bởi vì những con người sáng tạo dễ gặp các triệu chứng tâm lý hơn người thường không có nghĩa chúng ta phải chấp nhận đó là một phần của công việc. Có những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới từng được chiêm ngưỡng đều là kết quả của những rối loạn bất ổn trong trí óc của người nghệ sĩ, nhưng những tổn hại mà chúng gây ra vẫn lớn hơn bất kỳ lợi ích nào mà chúng đem đến.

“Một cuộc đời liên tục bị đày đọa bởi những rối loạn tâm thần là một cuộc đời không một ai nên có, và càng đáng tiếc hơn nữa nếu đó lại là cuộc đời của một người nghệ sĩ vĩ đại.”

Trên thế giới chắc sẽ không có ai không biết đến cái tên Vincent Van Gogh và những kiệt tác hội họa của ông, nhưng không phải ai cũng được nghe về những khó khăn và đau đớn mà ông đã phải hứng chịu. Trái với những lầm tưởng thông thường, trong suốt cuộc đời của mình, tranh của van Gogh không hề được đón nhận tốt. Ông liên tiếp gặp thất bại trong hành trình sáng tác của mình và bất chấp mọi cố gắng, giới nghệ thuật gần như không màng tới những thành quả của ông. Cũng vì sự thất bại không ngừng kèm với nỗi túng thiếu và đói khổ, ông đã trở thành nạn nhân của một loạt những căn bệnh tâm thần. Cho tới tận bây giờ, các nhà nghiên cứu khoa học vẫn chưa đồng tình với nhau về việc những chứng bệnh cụ thể mà Van Gogh mắc phải là gì, và phải có tới trên dưới 30 chẩn đoán khác nhau. Đa số đều công nhận rằng ông mắc bệnh động kinh, một số thì thêm rằng ông mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách ranh giới, tâm thần phân liệt và một số loại bệnh tâm thần khác nữa. Cuộc chiến giữa Van Gogh và những căn bệnh của ông kéo dài gần như suốt cuộc đời ông, và càng trở nên cam go trong những năm cuối đời. Bất chấp sự cố gắng không ngừng nghỉ của mình để chống chọi lại căn bệnh này, ông đã phải chịu thua và thế giới đã mất đi ông chỉ bằng một phát súng tự bắn vào ngực ở tuổi 37. Thậm chí, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông thậm chí còn không nhận thức được rằng mình sắp chết và còn cố hoàn thành một bức tranh minh đang vẽ dở.

Những bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh như Starry Night (Đêm đầy sao), Self Portrait (Chân dung tự họa), Sunflowers (Những bông hoa hướng dương),… đều có một chút ảnh hưởng nhất định từ những căn bệnh mà ông mắc phải. Những nét vẽ thô cứng với màu sắc và hình khối méo mó đều là những chi tiết ông sử dụng để phác họa tâm trí rối bời của mình. Đối với ông, việc vẽ tranh thậm chí không phải là một cách để giải tỏa tinh thần bởi ông tin rằng nếu không tiếp tục vẽ chắc chắn mình sẽ phát điên. Có thể nhiều người ai mong muốn mình có khả năng hội họa vĩ đại của Van Gogh, nhưng chắc chắn sẽ không ai muốn bị rơi vào hoàn cảnh khốn cùng như của ông. Một cuộc đời liên tục bị đày đọa bởi những rối loạn tâm thần là một cuộc đời không một ai nên có, và chỉ càng đáng tiếc hơn nữa nếu đó lại là cuộc đời của một người nghệ sĩ vĩ đại. Những nỗi đau về tâm lý có thể đã là một nguồn cảm hứng giúp Van Gogh sáng tạo ra những kiệt tác của mình, nhưng chúng cũng lại là nguyên nhân dẫn tới sự khổ đau và cuối cùng là cái chết của ông. Hãy thử tưởng tượng thế giới nghệ thuật có thể chứng kiến những gì nếu Vincent Van Gogh có một cuộc sống khỏe mạnh và sáng tác ra được những bức tranh không nhuộm màu của nỗi buồn?

Xem thêm bài viết: Kết hợp màu sắc không khó như bạn nghĩ!

Cảm hứng nghệ thuật có thể đến từ bất cứ đâu, và những căn bệnh tâm lý cũng có thể là một nguồn kích thích sáng tạo. Theo như một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Stanford, những bệnh nhân mắc bệnh rối loạn lưỡng cực biểu hiện khả năng sáng tạo cao hơn những người bình thường, và họ cũng bộc lộ một số đặc điểm thường gặp ở những người sáng tạo khác. Tuy nhiên, chính căn bệnh của họ lại khiến cho họ không thể nào làm việc được khi đang mắc bệnh, và họ chỉ có thể dựa vào trải nghiệm với bệnh tật của họ để biến chúng thành các tác phẩm sáng tạo khi các triệu chứng đã thuyên giảm hoặc biến mất. Trên thế giới tồn tại không ít những động lực sáng tác khác an toàn cho sức khỏe hơn, vì thế không có lý do gì để chúng ta phải tìm kiếm và phụ thuộc vào những căn bệnh để rồi hy sinh tâm trí của mình hết.

Những bộ phim tình cảm và những tập truyện lãng mạn có lẽ đã xây dựng một hình ảnh quá lãng mạn và thơ mộng về những con người sáng tạo bị giày vò bởi bệnh tật. Đã tới lúc chúng ta cần phải rũ bỏ đi hình tượng này và đối diện với sự thật rằng sức khỏe tâm lý là một vấn đề nghiêm trọng cần phải được quan tâm bởi tất cả mọi người, đặc biệt là với những ai làm việc ở trong ngành sáng tạo và thiết kế, bởi đây là nơi mà chúng ta dễ gặp nguy hiểm từ những căn bệnh tâm thần hơn là những môi trường làm việc khác.

Không thức khuya thì cũng thức trắng

Thiết kế là một trong những công việc được xem là còn rất mới đối với bối cảnh của Việt Nam, cho nên những nơi mà Designer làm việc cũng thường hiện hữu những tư tưởng phóng khoáng và hiện đại hơn. Tuy nhiên, phóng khoáng và hiện đại không hoàn toàn là tốt, và kể cả ở những môi trường này, chúng ta cũng có thể tìm thấy những mầm mống của những căn bệnh tâm lý.

Ở Anh Quốc có một giải thưởng diễn ra hàng năm mang tên là Giải thưởng Thời trang, nhằm vinh danh những Designer và người mẫu xuất sắc nhất trong năm đó.

Alexander McQueen, Designer đứng đầu tại Givenchy từ năm 1996 đến 2001, đã được vinh danh Designer của năm 4 lần tại giải thưởng này và là một trong những người trẻ nhất được xướng tên. Sức ảnh hưởng của ông tới thế giới thiết kế thời trang là vô cùng lớn, và không ít những nghệ sĩ khác đều phải kính nể và ngưỡng mộ ông. Tiếc thay, ông cũng là một nạn nhân của căn bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu, dẫn tới việc treo cổ tự vẫn khi chỉ mới 40 tuổi. Lễ tưởng niệm của ông có sự góp mặt của Kate Moss, Anna Wintour, Lady Gaga, Naomi Campbell, Sarah Jessica Parker và Björk, cùng với hơn 2,500 khách mời khác.

Một trong những lý do dẫn đến vấn đề sức khỏe của McQueen chính là áp lực từ công việc của ông. Để có thể đáp ứng được những đòi hỏi không ngừng từ cấp trên và khách hàng ông thường xuyên phải làm việc với một nhịp độ gần như ngạt thở, thậm chí phải cầu cứu sự trợ giúp của các chất kích thích để có thể sản xuất những thiết kế sáng tạo và độc đáo hơn. Mặc dù có thành công trong công việc nhưng rõ ràng, Alexander McQueen không thực sự cảm thấy hạnh phúc. Và những cố gắng hàn gắn lại cuộc đời mình của ông lại dẫn đến sự kết thúc của chính nó.

Câu chuyện của McQueen có lẽ cũng không quá xa lạ với những Designer khác, dù họ có làm việc trong ngành thiết kế thời trang hay không, bởi công việc Thiết kế nói chung đã được mang tiếng là đi đôi với việc bị chèn ép về thời gian và khối lượng công việc rối. Hỏi bất kì Designer nào và bạn chắc sẽ thấy tất cả bọn họ đều đã từng phải thức đến ít nhất là 1 hoặc 2 giờ sáng, nhiều khi còn muộn hơn và thức trắng để hoàn thành một bản thảo thiết kế cho kịp với deadline đã được giao. Ảnh hưởng xấu của việc này tới thể lực đã là rõ ràng, nhưng nó cũng còn có tác động rất không tốt cả tâm lý của chúng ta nữa. Chẳng ai muốn phải nghe những lời đánh giá, chỉ trích và nhận ra tiêu cực, nhưng Designer thì lại phải thu nhận chúng một cách thường xuyên và tìm cách tiếp thu một cách kiên cường và khách quan. Chuyện sẽ còn tệ hơn nữa nếu chúng ta gặp phải một viễn cảnh mà không một người thiết kế nào mong muốn, đó chính là bí ý tưởng. Mỉa mai thay, phản ứng bộc phát khi rơi vào hoàn cảnh tắc nghẽn chất xám lại là ép bản thân làm nhiều hơn để chứng minh bản thân, trong khi chính vì sự quá tải trong công việc mới dẫn đến hiện tượng này. Chỉ cần một thời gian dài không có một thành quả sáng tạo đột phá nào thì sớm muộn, các Designer cũng sẽ trở thành con mồi cho những lo âu và trầm cảm. Mọi thứ cứ xoay vòng một cách luẩn quẩn như vậy, và thật khó để có thể thoát khỏi quỹ đạo của chiếc bánh xe đẩy một khi đã bị nó cuốn theo.

Rõ ràng, những đòi hỏi của công việc thiết kế thường xuyên rất khắt khe và kéo theo những hậu quả lâu dài, nhưng có vẻ như trước giờ chúng ta vẫn chấp nhận những rủi ro này để có thể được sống cùng công việc mình yêu thích. Nhưng có một điều tất cả mọi người cần phải hiểu rõ, đó là nguy cơ mắc bệnh tâm lý cao có thể là một phần của công việc, nhưng bản thân những căn bệnh tâm lý thì không. Chúng ta phải hứng chịu rủi ro cao hơn khi làm trong ngành thiết kế và sáng tạo, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận mắc bệnh và im lặng. Bất kỳ ai cũng có quyền được cảm thấy thoải mái trong công việc của mình, và hiếm có thứ gì đáng quý hơn sức khỏe của bản thân. Nếu bạn cảm thấy bức bối và bí bách trong chính công việc mà bạn đang yêu thích, chắc hẳn có gì đó đang không đúng.

Có một điều gì đó đáng sợ trong sự mặc định rằng các Designer đương nhiên phải miệt mài từ sáng tới khuya và luôn ở trong tư thế sẵn sàng mở phần mềm ra và sửa bản thiết kế. Dường như khi bạn đã quyết định bước chân vào trong ngành này, làm việc quá sức và hứng chịu những lời chê bai là việc gần như tất nhiên, không thể bàn cãi và tranh luận nữa. Không lẽ tất cả chúng ta đều có định mệnh phải làm việc cho tới khi đổ bệnh? Trên thế giới có được bao nhiêu công việc đòi hỏi người làm phải thường xuyên đi làm 12 tiếng một ngày ngày nghỉ cũng phải ngồi bên cạnh chiếc máy tính, không ngừng vắt óc suy nghĩ để sản sinh ra các ý tưởng sáng tạo và thậm chí những vấn đề này còn không được nói rõ trong phần mô tả công việc. Cùng lắm, chúng thường được nhắc đến trong quá trình phỏng vấn, tóm gọn bằng câu hỏi “Bạn có chịu được áp lực cao không?”, và rồi tất cả mọi thứ coi như đã được đóng dấu xác nhận sau thì chúng ta lưỡng lự gật đầu.

Đôi khi, sự bù đắp cho tất cả những khó khăn này chỉ là một lời động viên nhẹ nhàng của cấp trên, một hai bữa tiệc liên hoan nhỏ chúc mừng sự miệt mài đã dẫn đến thành công của cả nhóm hoặc là một chút tiền thưởng dành cho cuối tháng. Những tổn thất về tinh thần mà các Designer phải chịu đựng không thể nào chỉ có thể phủi qua được bằng một câu nói “Thôi mọi người có công nhé”. Sau khi những bữa tiệc đã tàn và những đống lưng da được tiêu thì chúng ta vẫn phải quay lại với vòng xoay của công việc mà thôi. Chừng nào mọi người làm trong ngành thiết kế còn nhắm mắt chấp nhận những đòi hỏi khắc nghiệt của công việc thì chúng ta sẽ còn gặp thêm những trường hợp con tương tự như của Alexander McQueen.

Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ

Để có thể xây dựng một ngành thiết kế hiểu biết và sẵn sàng hơn trong việc đối phó với những đe dọa về sức khỏe tâm lý, chúng ta cần phải bắt đầu có những cuộc trò chuyện nghiêm túc, chân thật và cảm thông về chủ đề này.

Điều quan trọng nhất là mọi người phải cảm thấy được lắng nghe và được hỗ trợ. Tất cả những vấn đề liên quan đến tâm lý đều cần được phải bàn luận với sự thấu hiểu, tôn trọng và hãy đối xử với những vấn đề này như cách chúng ta đối xử với những căn bệnh khác. Chỉ bởi vì chúng ta không nhìn thấy nó được, không có nghĩa là chúng không tồn tại. Điều quan trọng nhất khi đương đầu với vấn đề này đó là chúng ta không được ngại ngùng và lo sợ. Chừng nào chúng ta vẫn còn coi những căn bệnh này như một chủ đề gì đó nhạy cảm và không nên đề cập tới, những hậu quả nghiêm trọng của chúng sẽ vẫn còn tiếp diễn. Hãy lên tiếng khi bản thân không khỏe và hãy lắng nghe khi người khác đang cần sẻ chia , đó chính là điều tất cả chúng cần phải làm để đương đầu với mối nguy hại này .

Những cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm lý là bước đầu để chúng ta đi tới sự tiến bộ, nhưng những biện pháp cụ thể mới thực sự cải thiện được hiện trạng thực tế. Từ trước tới giờ, ngành thiết vẫn luôn nổi tiếng là một nơi tụ tập nhiều cá tính mạnh mẽ và khác biệt. Hình ảnh của Designer gần như đã đi liền với những lời nhận định về sự “điên” và “khùng” rồi. Sẽ thật là đáng buồn và có phần mỉa mai nếu chúng ta không còn quan tâm đến những sự khác biệt đó khi chúng không còn mang tính tích cực nữa. Nếu ngành thiết kế lấy làm tự hào vì có những cá nhân xuất chúng và nổi bật với những cá tính mạnh mẽ, chúng ta cũng cần phải biết cách giúp đỡ nhau trong những tình huống như thế này. Hãy thường xuyên hỏi thăm đồng nghiệp của mình về sức khỏe của họ, hãy cho phép họ được có những giờ phút nghỉ ngơi, hãy chủ động tìm kiếm các phương án hỗ trợ tâm lý có hiệu quả. Có những cử chỉ nhỏ bé và đơn giản nhưng lại rất cần thiết trong việc giúp những người khác vượt qua được những khó khăn thường gặp trong công việc.

Xem thêm bài viết: Dự án “Họa Sắc Việt”- Sự thăng hoa của bản sắc Việt trong thiết kế

Kết

Là một trong những phân khúc công việc đòi hỏi sự sáng tạo cao và không ngừng, các Designer sẽ luôn luôn dễ bị tổn thương bởi các căn bệnh liên quan đến tâm thần hơn. Từ thời gian biểu làm việc hàng tháng, những yêu cầu khắt khe của khách hàng và những lo ngại không ngừng về bản thân, không quá lời khi nói rằng đây là một công việc thực sự khắc nghiệt. Ngành thiết kế nói chung cần phải có những động thái rõ ràng và nghiêm túc trong việc phòng chống các vấn đề tâm lý và hỗ trợ những bệnh nhân của các triệu chứng tâm lý. Chúng ta chọn công việc này vì chúng ta cảm thấy yêu nó, nên đừng để ai phải hy sinh trong đam mê của chính mình.

(Nguồn: GRAPHICS)

| Tags |

Bài viết khác
Negative Space: Thông điệp từ những khoảng trống

Negative Space: Thông điệp từ những khoảng trống

Ngày đăng 30/06/2021
Không gian âm (Negative Space) không chỉ là một yếu tố được sử dụng trong bố cục để tạo ra nhịp nghỉ trong thị giác, nó còn có thể được áp dụng trong thiết kế nhận diện thương hiệu để nâng tầm ý nghĩa của logo. Việc sử dụng những không gian trống đấy một cách thông minh chính là trọng tâm của phong cách thiết kế logo negative space (logo âm bản).
Dự án

Dự án "Họa Sắc Việt"- Sự thăng hoa của bản sắc Việt trong thiết kế

Ngày đăng 26/06/2021
Đứng trước nguy cơ mai một của tranh Hàng Trống, thật may mắn đã có một nhóm các bạn Designer trẻ cùng nhau tập hợp thành nhóm S-River để cùng nhau làm nên “Họa Sắc Việt” - Dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại.
Sự kiện mới nhất
Bài viết khác
Negative Space: Thông điệp từ những khoảng trống

Negative Space: Thông điệp từ những khoảng trống

Ngày đăng 30/06/2021
Không gian âm (Negative Space) không chỉ là một yếu tố được sử dụng trong bố cục để tạo ra nhịp nghỉ trong thị giác, nó còn có thể được áp dụng trong thiết kế nhận diện thương hiệu để nâng tầm ý nghĩa của logo. Việc sử dụng những không gian trống đấy một cách thông minh chính là trọng tâm của phong cách thiết kế logo negative space (logo âm bản).
Dự án

Dự án "Họa Sắc Việt"- Sự thăng hoa của bản sắc Việt trong thiết kế

Ngày đăng 26/06/2021
Đứng trước nguy cơ mai một của tranh Hàng Trống, thật may mắn đã có một nhóm các bạn Designer trẻ cùng nhau tập hợp thành nhóm S-River để cùng nhau làm nên “Họa Sắc Việt” - Dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại.

Liên hệ với VTC Academy

    Tôi đã đọc và đồng ý với Điều khoảnChính sách bảo mật của VTC Academy.

  • Hà Nội: 0981 114 757
  • Đà Nẵng: 0865 098 399
  • Hồ Chí Minh: 0818 799 299