Kỹ năng số – Chìa khóa làm việc thế kỷ 21
Ngày 04/04/2017, tại hội thảo “Kỹ năng làm việc số” được tổ chức tại Khoa Ngoại ngữ kinh tế – Đại học Kinh tế quốc dân Thành phố Hà Nội, hơn 100 bạn sinh viên trong Khoa được tiếp cận về kỹ năng số nhằm chuẩn bị tâm thế cho việc làm trong thế kỷ thứ 21 từ ThS. Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia Tư vấn và Đào tạo Chuyển đổi số – Đổi mới, Sáng tạo và Khởi nghiệp.
Báo Sinh Viên có bài phỏng vấn anh về tầm quan trọng của kỹ năng số của nhân lực Số hóa.
Hỏi: Thưa ông, tại sao kỹ năng số lại là điều kiện tiên quyết trong việc làm thế kỷ 21?
Th.S Vũ Tuấn Anh: Khi đi làm tại bất kỳ doanh nghiệp hay ngành nghề nào, người lao động luôn luôn cần tri thức về nghề đó, các hành xử đúng đắn có nền tảng thái độ và cuối cùng là tập hợp các kỹ năng để thực hiện công việc.
Ví dụ một bạn nhân viên phục vụ khách hàng cần có tri thức về dịch vụ khách hàng, tâm thế khách hàng là trọng tâm và cuối cùng là một loạt các kỹ năng như lắng nghe hiệu quả, quan sát chi tiết, xử lý vấn đề, đàm phán và giao tiếp hiệu quả. Thiếu một trong những chi tiết nói trên sẽ dẫn tới khách hàng không được phục vụ chu đáo. Kỹ năng số phát sinh trong những năm gần đây do khách hàng đã chuyển đổi sang số hóa. Khách hàng tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, giao tiếp với doanh nghiệp lên nền tảng số hóa. Chúng ta có thể thấy khách hàng giao dịch qua apps trực tiếp với lái xe taxi công nghệ, chat với doanh nghiệp thông qua các phần mềm, sử dụng Zalo nói chuyện với nhân viên phục vụ. Doanh nghiệp bắt buộc phải hóa để phục vụ khách hàng, từ đó các kỹ năng số được ra đi và bắt buộc nhân viên phải thực hiện. Lý do thứ hai chính là cuộc cách mạng 4.0 với những công nghệ như dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, tự động hóa, di động đã thâm nhập trong doanh nghiệp tạo ra những công cụ, quy trình gia tăng năng suất và hiệu suất trong công việc. Doanh nghiệp luôn luôn tìm kiếm tối ưu hóa lợi nhuận thông qua áp dụng những công cụ và công nghệ mới này. Khi điều này xảy ra sẽ bắt buộc nhân viên phải có những kỹ năng số hóa làm việc chung với các công cụ và công nghệ mới.
Hỏi: Ông có thể liệt kê các kỹ năng số quan trọng với các bạn sinh viên chuẩn bị cho việc làm số?
Th.S Vũ Tuấn Anh: Nhóm kỹ năng số được chia ra làm hai loại. Loại một đó là những kỹ năng truyền thống nhưng do số hóa nên tầm quan trọng của những kỹ năng này được tăng lên rất nhiều so với những thời gian trước đây. Cụ thể đó chính là 4C: Communication – giao tiếp / Collaboration – phối hợp / Creativity – sáng tạo và Critical Thinking – tư duy chính yếu. Loại thứ hai đó chính là những kỹ năng mới phát sinh trong thời gian gần đây do số hóa, bao gồm quản trị thông tin, quản trị kết nối, xử lý hình ảnh và âm thanh, giao tiếp tương tác trên mạng xã hội hay mobile như Zalo. Làm việc cộng tác với các hệ thống tự động như trả lời chatbot tự động. Các kỹ năng số hóa này có đặc điểm chung là ra đời gần đây nhưng tốc độ đại chúng hóa rất nhanh và sâu sắc trong cuộc sống. Cả hai nhóm kỹ năng này tiếp tục sẽ thay đổi trong thời gian tới khi các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình số hóa.
Xem thêm bài viết: Những kỹ năng mềm trong cách mạng công nghiệp 4.0
Hỏi: Để thực hiện chuyển đổi bản thân thành những người lao động số hóa sở hữu những kỹ năng số hóa theo ông các bạn sinh viên cần phải chú trọng những điểm gì?
Th.S Vũ Tuấn Anh: Theo tôi cái quan trọng nhất chính là tâm thể chủ động của các bạn sinh viên. Số hóa hay cái gì đi nữa thực chất là sự thay đổi. Mỗi cá nhân muốn vượt qua thay đổi thì cần có tâm thế dấn thân và cam kết. Dấn thân có nghĩa là xông vào nó chiến đấu tới cùng và cam kết đó là khi bắt đầu làm thì cần phải thực hiện cho tới cùng việc mình bắt đầu làm. Tiếp nữa, giá trị tạo ra và khách hàng thỏa mãn là mục tiêu không bao giờ thay đổi của bất kỳ quá trình chuyển đổi nào. Các bạn sinh viên hãy hình dung khách hàng doanh nghiệp cần gì, muốn gì và ưa thích gì để bản thân phát triển các kỹ năng mới phục vụ họ. Tiếp nữa đó là cá nhân thành công cần phải ngày càng tạo ra giá trị nhiều hơn.
Sau tâm thế đó chính là nền tảng. Bản chất số hóa là kế thừa những gì truyền thống trong kinh doanh. Số hóa có ý nghĩa đơn giản là chúng ta thực hiện các quy trình truyền thống thông qua công cụ số. Như vậy các bạn trẻ rất cần có nền tảng kiến thức và những kỹ năng căn bản truyền thống chuyển đổi số không có ý nghĩa phủ định toàn bộ những gì truyền thống mà là kết hợp giữa nền tảng căn bản và số hóa. Chuyển đổi số là kết hợp giữa truyền thống và số hóa. Cuối cùng sự thành thục chỉ tới với các bạn khi các bạn thực hành nhiều. Công thức 4H – học, hiểu, hành và hoàn thiện cần được áp dụng triệt để. Các bạn cần “hành” để khám phá trải nghiệm nếu có vấn đề thắc mắc quay lại “học” và “hiểu”. Cuối cùng sự hoàn thiện chỉ tới khi các bạn đã hành thật sự đầy đủ và thấu đáo.
Cảm ơn ông đã chia sẻ những thông tin bổ ích!
Xem thêm bài viết: Chuyển mình vững vàng trong từng bước sóng công nghệ
Kết
Cuộc cách mạng 4.0 chính là động lực mạnh mẽ cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp và tổ chức. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ số hóa trong nền kinh tế số hóa nhằm phục vụ khách hàng số hóa. Nhân lực cũng phải chuyển sang số hóa để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Quá trình học tập 4 năm của các bạn sinh viên tại đại học bên cạnh học tập kỹ năng kiến thức cần được tích hợp quá trình chuyển đổi số hóa bản thân. Nhiệm vụ này không ai khác ngoài các bạn sinh viên phải chủ động để thực hiện cho từng là nghề nghiệp của chính các bạn.
(Nguồn: Hướng Nghiệp 4.0 – Ths. Vũ Tuấn Anh – Ths. Đào Trung Thành)