Nghệ thuật tạo hình từ những con chữ
Bạn có biết mục đích truyền tải nội dung, các con chữ còn là một yếu tố tạo hình đặc biệt tham gia vào thiết kế và nghệ thuật hay không? Nếu quan tâm đến thiết kế, chắc hẳn đã không ít lần bạn bắt gặp những thuật ngữ như Typography, Hand Lettering hay Calligraphy. Cả 3 lĩnh vực này đều sử dụng các con chữ là yếu tố thiết kế chính nên rất dễ gây ra những nhầm lẫn và hiểu sai.
Vậy Typography, Hand Lettering hay Calligraphy cụ thể là gì và chúng có những đặc trưng ra sao, hãy cùng mình tìm hiểu ngay sau đây bạn nhé!
Typography là gõ chữ
Cái tên Typography có nguồn gốc từ Tiếng Hy Lạp. Từ Tiếng Hy Lạp, “typography” được ghép nối bởi “τύπος – typos” mang nghĩa hình thức và “γράφειν – graphein” nghĩa là viết. Hiểu một cách đơn giản, Typography là nghệ thuật và kỹ thuật của việc sắp xếp chữ dùng cho hiển thị và in ấn.
Bởi vì tính chất sử dụng trong hiển thị và in ấn, nguyên liệu của Typography là các kiểu chữ có sẵn (typeface) hoặc là các bộ font do Designer tự thiết kế ra. Đây là đặc trưng để bạn phân biệt Typography với các nghệ thuật tạo hình chữ còn lại.
Tùy theo mục đích mà Typography có thể tạm chia thành hai loại: Đó là Text Typography và Display Typography. Trong đó Text Typography chính là cách bạn phân cấp thông tin và dàn trang cho những văn bản dài và nhiều chữ, với mục đích để người đọc có thể tiếp nhận thông tin một cách hiệu quả và dễ dàng hơn. Chính những dòng bạn đang đọc này cũng là một sản phẩm của Text Typography.
Xem thêm bài viết: Góc chiếu isometric trong thiết kế và minh họa
Bên cạnh đó, Display Typography là những câu quote hay tiêu đề sách hoặc một khẩu hiệu nào đó được thiết kế lung linh mà bạn vẫn thường thấy trên mạng xã hội hoặc quảng cáo. Với Display Typography, yếu tố nổi bật và hấp dẫn thị giác được đề cao hơn cả. Do đó, trong thể loại Typography này, thay vì chỉ phân cấp thông tin hay sắp xếp bố cục chữ, các Designer thường kết hợp thêm các yếu tố thiết kế như hình ảnh, màu sắc,… để sản phẩm cuối cùng không chỉ đơn giản là một dòng chữ đơn thuần nữa mà là một tác phẩm nghệ thuật có thể đọc được.
Calligraphy là viết chữ
Calligraphy hay có thể tạm gọi là thư pháp, thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại, gồm “kallos” nghĩa là vẻ đẹp và “graphẽ” có nghĩa là văn bản.
Như vậy, Calligraphy là nghệ thuật tạo ra những dòng chữ chuẩn mực và đẹp mắt đến từng đường nét. Calligraphy truyền thống có lịch sử rất lâu đời và phổ biến rộng rãi ở nhiều nền văn hóa, khi chưa có sự xuất hiện của in ấn, và viết tay là hình thức lưu trữ và truyền tải thông tin chính. Chữ viết trong các văn tự cổ như sách cổ, tấu sớ hay chiếu chỉ thời xưa phải được viết tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt với cách trình bày quy chuẩn cũng là một hình thức Calligraphy.
Nghệ thuật viết chữ này có rất nhiều cách thể hiện và xuất hiện những nét khác biệt nhất định tùy thuộc vào nơi chúng được sử dụng, như Hán tự (ở các nước Đông Á) hay bảng chữ cái La – tinh (ở các nước phương Tây), hoặc bảng chữ cái Ả – Rập (ở các nước Nam Á).
Ngày nay, với sự xuất hiện của ngành xuất bản – in ấn và truyền thông, chữ viết tay không còn là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin chính nữa, nên Calligraphy không còn phổ biến nhiều, tuy vậy nó vẫn luôn tồn tại và mang trong mình những nét văn hóa và truyền thống đặc trưng không gì thay thế được.
Nét đẹp của Calligraphy thể hiện trong từng nét chữ với sự uyển chuyển từ thanh đến đậm, sự gợi cảm từ các nét cong bay bổng đến những nét thẳng đều đặn. Trong Calligraphy, bạn cần tuân theo những quy tắc chặt chẽ từ tiêu chuẩn của các loại công cụ (như loại mực, kiểu bút, bề mặt giấy,…) cho đến các thao tác và kỹ thuật viết (như độ nghiêng, nét nhấn, nét buông…). Chính vì thế, người học Calligraphy cần có lòng kiên nhẫn, sự tỉ mỉ cũng như một thời gian đủ dài để rèn luyện và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của bộ môn nghệ thuật tinh túy này.
Tuy nhiên, mọi công sức bỏ ra là xứng đáng khi bạn đã dấn thân và lĩnh hội được cái đẹp của Calligraphy, như câu chuyện nổi tiếng về Steve Job đã có một thời gian bỏ mặc tất cả và chỉ chuyên tâm tham gia lớp học Calligraphy để tìm hiểu về cội nguồn của các con chữ. Ông đã chia sẻ về Calligraphy như sau: “Nó thật là đẹp, thật kỳ vĩ và tinh tế một cách điệu nghệ trong một cách thức mà khoa học không làm sao nắm bắt được, và tôi đã thấy nó quả thực là quyến rũ. Tuy nhiên, những điều này thậm chí không hề có chút hy vọng nào đến những ứng dụng thực tế trong đời sống của tôi. Nhưng mười năm sau, khi chúng tôi thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả đã trở lại với tôi.” (Nội dung gốc: It was beautiful, historical and artistically subtle in a way that science can’t capture, and I found it fascinating. None of this had even a hope of any practical application in my life. But ten years later, when we were designing the first Macintosh computer, it all came back to me.)
Hand Lettering là vẽ chữ
Hand Lettering là sự kết hợp giữa chữ viết tay với các yếu tố trang trí như hình vẽ, màu sắc hay biểu đồ để tạo nên sự độc đáo và ấn tượng cho nội dung dòng chữ truyền tải. Sở dĩ gọi là vẽ chữ, bởi trong Hand Lettering bạn có thể tự do trang trí các chữ cái của mình bằng việc thêm vào các chi tiết như lá hay những nét chạm khắc đục lỗ.
Trong khi Calligraphy tập trung vào quá trình viết ra những con chữ thật chuẩn mực và hoàn hảo thì Hand Lettering lại đa dạng với nhiều thể loại tạo hình khác nhau mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi. Đó có thể đơn giản là một dòng chữ kết hợp với một cành hoa thật điệu đà, nhưng cũng có thể là những chữ cái được tạo hình 3D thật tỉ mỉ với các hiệu ứng ánh sáng và bóng đồ phức tạp. Công cụ trong Hand Lettering tương đối đơn giản và dễ tìm. Với một vài cây bút và một tờ giấy thường dùng khi đi học bạn cũng có thể phác thảo và tạo ra một tác phẩm Hand Lettering của riêng mình.
Xem thêm bài viết: Tỷ lệ vàng trong thiết kế – liệu có khó để chinh phục?
Chính vì sự phóng khoáng và tự do mà Hand Lettering gần gũi và dễ dàng tiếp cận với nhiều người hơn so với Calligraphy. Ngày nay, với sự phát triển của các phần mềm và công cụ đồ họa, Hand Lettering có thể được phác thảo và hoàn thiện trực tiếp theo phương thức kỹ thuật số. Mặc dù được tạo ra và hiển thị trên máy tính nhưng đặc trưng từ những con chữ vẽ tay vẫn sẽ là đặc trưng để bạn không nhầm lẫn giữa Hand Lettering với Typography.
Kết
Với những tóm tắt đã chia sẻ, mong rằng bài viết có thể giúp bạn đọc có một hình dung chung về các loại hình nghệ thuật liên quan đến con chữ. Từ đó có thể xác định được mình quan tâm đến loại hình nào và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin cũng như tìm hiểu phương thức để học hỏi thêm về thể loại mà mình yêu thích.
(Nguồn: GRAPHICS)