Mô hình xã hội siêu thông minh 5.0 – bước “nhảy vọt công nghệ” hay “tham vọng viễn vông”?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là Công nghiệp 4.0) vẫn diễn ra và tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa – xã hội. Quá trình chuyển đổi số đã tạo ra những giá trị mới và trở thành trụ cột trong chính sách phát triển nền kinh tế ở nhiều quốc gia. Đón đầu xu hướng toàn cầu, vào năm 2016 Nhật Bản đã đưa ra ý tưởng và thảo luận về việc xây dựng một xã hội “siêu thông minh” – Mô hình xã hội 5.0, tận dụng triệt để những thành quả tinh túy nhất của Cách mạng 4.0 bao gồm các công nghệ cao như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet Vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Robot và tự động hóa vào cuộc sống.
Cùng VTC Academy tìm hiểu về mô hình tương lai 5.0 của người Nhật có gì cải tiến và vượt trội hơn so với Công nghiệp 4.0 trong bài viết sau đây nhé!
Xã hội 5.0 – Bước “nhảy vọt” của tương lai nhân loại
Khái niệm “Xã hội 5.0” (Society 5.0) lần đầu xuất hiện trong Kế hoạch cơ bản khoa học và công nghệ lần thứ năm – một chiến lược Quốc gia 05 năm (2016 – 2021) được xây dựng bởi Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo (CSTI) của Nhật Bản. Mô hình 5.0 chính là xã hội tương lai mà Nhật Bản nhắm tới phát triển trong tương lai.
Xã hội 5.0 được kỳ vọng sẽ kế thừa và phát huy hết những thế mạnh của xã hội 1.0 (Xã hội săn bắn – Hunting Society), xã hội 2.0 (Xã hội nông nghiệp – Agrarian Society), xã hội 3.0 (Xã hội công nghiệp – Industrial Society) và Xã hội 4.0 (Xã hội thông tin – Information Society) để tiến tới một Xã hội siêu thông minh – Super Smart Society.
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những đặc trưng cơ bản của Xã hội 5.0 là lấy con người làm trung tâm, đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội thông qua hệ thống tích hợp cao giữa không gian mạng (Không gian ảo – Cyberspace) và không gian vật lý (Không gian thực – Physical Space). Trong Xã hội 4.0 trước, mọi người sẽ truy cập vào một dịch vụ đám mây (cơ sở dữ liệu) trên không gian mạng thông qua Internet và công cụ tìm kiếm, truy xuất và phân tích thông tin hoặc dữ liệu. Trong Xã hội 5.0, một lượng lớn thông tin từ các cảm biến trong không gian vật lý sẽ được tích lũy trong không gian mạng. Trong không gian mạng, dữ liệu lớn này được phân tích bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết quả phân tích được phản hồi lại cho con người trong không gian vật lý dưới nhiều hình thức khác nhau.
Con người, vạn vật và hệ thống trong Xã hội 5.0 đều được kết nối trong không gian mạng và kết quả tối ưu do AI thu được vượt quá khả năng của con người sẽ được đưa trở lại không gian vật lý. Quá trình này mang lại giá trị mới cho ngành và mọi người có thể nhận được các dịch vụ chất lượng cao hơn.
Tham vọng của Nhật Bản với mô hình xã hội 5.0 – Cân bằng giữa phát triển nền kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Hội nghị Quốc tế Tương lai Châu Á vào ngày 31/05/2017 ở Tokyo rằng: “Bản chất của Xã hội 5.0 là có thể nhanh chóng đưa ra giải pháp phù hợp nhất đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân.”
Chính vì vậy có thể nhận định, Xã hội 5.0 là “phiên bản cao cấp” hơn của Xã hội 4.0 – với mục tiêu lấy con người làm trung tâm, số hóa là phương tiện để phát triển kinh tế, giải quyết các thách thức xã hội để mọi người có thể tận hưởng một cuộc sống chất lượng cao, đầy đủ và thoải mái.
Nhật Bản chọn ra 04 lĩnh vực chính để ưu tiên thu hút đầu tư thực hiện kế hoạch này, đó là:
Lĩnh vực Chăm sóc y tế:
Nhật Bản đang phải đối mặt với tỷ lệ dân số già tăng cao, đi trước các nước khác. Đất nước đang phải gánh chịu chi phí y tế và an sinh xã hội ngày càng tăng và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi.
Bằng cách kết nối và chia sẻ dữ liệu y tế hiện được phân tán trong các bệnh viện khác nhau, việc điều trị y tế sẽ dựa trên các dữ liệu được cung cấp. Việc chăm sóc y tế từ xa giúp người cao tuổi không còn phải đến bệnh viện thường xuyên. Ngoài ra, cũng có thể đo lường và quản lý dữ liệu sức khỏe, chẳng hạn như đo nhịp tim khi ở nhà, để có thể kéo dài tuổi thọ của người dân.
Lĩnh vực Giao thông vận tải:
Nhiều khu vực nông thôn tại Nhật có dân số thấp vì vậy thiếu khả năng tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng. Phân khúc Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng lại chứng kiến sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng.
Người dân ở các khu vực đông dân cư gặp khó khăn khi mua sắm và đến bệnh viện vì thiếu phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, các phương tiện tự hành sẽ cho phép họ di chuyển dễ dàng hơn trong khi máy bay không người lái giao hàng sẽ giúp họ có thể dễ dàng mua và nhận hàng. Thiếu hụt lao động phân phối sẽ không phải là điều đáng lo ngại nữa.
Lĩnh vực Kỹ thuật hạ tầng:
Sự xuống cấp cơ sở hạ tầng công cộng phát triển trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh đã tạo ra sự thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề và tăng gánh nặng tài chính cho việc kiểm tra và bảo trì. Trong tương lai, bằng cách sử dụng các công nghệ mới bao gồm Công nghệ Thông tin và Truyền thông ( Information and Communication Technology, ICT), cảm biến, trí tuệ nhân tạo, robot cho các hệ thống kiểm tra và bảo trì cầu, đường, hầm, đập… đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn, việc phát hiện những nơi cần sửa chữa có thể được thực hiện ở giai đoạn đầu. Bằng cách làm như vậy, chúng ta có thể giảm thiểu các tai nạn và thời gian dành cho công việc xây dựng sẽ giảm, đồng thời mức độ an toàn và năng suất sẽ tăng lên.
Lĩnh vực Tài chính ngân hàng:
Hiện nay ở Nhật Bản các giao dịch bằng tiền mặt chiếm tỷ lệ cao và các thủ tục ngân hàng còn cồng kềnh, chuyển tiền ra nước ngoài phải dành nhiều thời gian và trả phí ngân hàng. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong các công ty còn hạn chế, việc cài đặt thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ tài chính linh hoạt còn chậm.
Các vấn đề này sẽ dần được cải thiện cùng với quá trình hiện thực hóa xã hội 5.0. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) sẽ giảm thời gian và chi phí trong khi vẫn đảm bảo an toàn trong các giao dịch tài chính và kinh doanh toàn cầu.
Được giới chuyên gia đánh giá là sáng kiến táo bạo và tham vọng, mô hình “Xã hội 5.0”chính là một nỗ lực đầy quyết liệt của Chính phủ Nhật Bản, nhằm tạo ra “đột phá” mới để phụ hồi vị thế và nền kinh tế đất nước trong thập kỷ tới. Mô hình này được hình dung sẽ góp phần tạo ra những đổi mới vào mọi ngóc ngách của xã hội đang “già cỗi” hiện tại. Nền tảng cho nỗ lực này là nhiệm vụ về tính bền vững, ràng buộc chặt chẽ với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) do Liên Hợp Quốc ban hành (2010 – 2015). Nói cách khác, Nhật Bản muốn tạo ra một xã hội mà Nhật Bản sẽ đóng vai trò là bản đồ chỉ đường cho phần còn lại của thế giới.
Nhật Bản tiến tới Xã hội 5.0
Trải qua 5 năm triển khai và đẩy mạnh, mô hình “Xã hội siêu thông minh 5.0” của Nhật Bản đã và đang tiếp tục có những bước đi đón đầu xu hướng toàn cầu mới.
Vào tháng 12/ 2017, “Gói Chính sách Kinh tế Mới” (New Economic Policy Package) đã được thông qua để thực hiện các biện pháp trong Chiến lược “Đầu tư cho Tương lai năm 2017” (Investment for the Future Strategy 2017), bao gồm cuộc cách mạng phát triển nguồn nhân lực và đổi mới hệ thống cung ứng là những chính sách quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Trong cuộc cách mạng hệ thống cung ứng, giá trị mới sẽ được tạo ra bởi những đổi mới về công nghệ như: IoT, dữ liệu lớn, robot và AI là lái xe tự động, sức khỏe, chăm sóc y tế, chăm sóc dài hạn, giao dịch tài chính và thương mại, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và du lịch, thể thao, văn hóa và nghệ thuật. Nhật Bản đang thúc đẩy Xã hội 5.0 bằng cách giới thiệu các công nghệ số trong nhiều hệ thống khác nhau, cũng như đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ số để đạt được một xã hội mà trong đó mọi công dân đều được tham gia vào các lĩnh vực của xã hội một cách năng động.
Ngân sách thường xuyên dành cho khoa học và công nghệ của Nhật Bản, vốn vẫn trì trệ trong các năm tài chính từ 2002 đến 2017 ở mức khoảng 3,6 nghìn tỷ Yên (33 tỷ USD) đột ngột tăng vọt lên 3,8 nghìn tỷ Yên (35 tỷ USD) vào năm 2018 rồi lên 4,2 nghìn tỷ Yên (38 tỷ USD) vào năm 2019. Có thể thấy, được thúc đẩy bởi động lực chính trị từ Chính phủ, đầu tư của Nhật Bản vào việc phát triển và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đã có được sự thúc đẩy đáng kể.
Vào tháng 05/2020, Luật Siêu thành phố (Super City Law) được ban hành ở Nhật Bản. Luật mới nhằm mục đích cải thiện sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong quá trình CĐS các thành phố. Các thành phố được chọn làm Siêu thành phố sẽ triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong chăm sóc y tế, giáo dục, năng lượng, phòng chống tội phạm và giao thông vận tải, bao gồm cả việc phát triển và sử dụng các phương tiện tự hành.
Những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 lên kinh tế – an ninh xã hội tại nhiều quốc gia. Mô hình 5.0 có thể xem là một trong những sáng kiến số “đắt giá” nhất giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, để tiến tới xây dựng thành công Xã hội 5.0, bên cạnh những thuận lợi như sự nhất trí của Chính phủ, sự ủng hộ mạnh mẽ của Doanh nghiệp, nguồn tài nguyên dữ liệu khổng lồ và các công nghệ tiên tiến sẵn có, Nhật Bản còn phải đối diện với vấn đề an ninh mạng để đảm bảo sự bảo mật dữ liệu và phải vượt qua những rào cản về cơ chế chính sách giữa các bộ và ngành, hệ thống pháp lý, công nghệ, nguồn nhân lực và nhận thức xã hội.
Mặc dù còn những khó khăn, thách thức nhưng hình mẫu Mô hình xã hội 5.0 của Nhật Bản đã, đang và sẽ được hiện thực hóa giấc mơ thiết lập một xã hội “siêu thông minh” của nhân loại. Mô hình này không chỉ lấy con người làm trung tâm, ủng hộ việc sử dụng năng lượng thông minh mà còn hứa hẹn nhiều hy vọng cho tương lai Kỷ nguyên số.
Bài học từ Mô hình Xã hội 5.0 của “Xứ sở mặt trời mọc” – Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam
Mô hình xã hội 5.0 của Nhật Bản có thể được xem là mô hình xã hội kiểu mẫu tối ưu hóa sự tham gia của công nghệ, robot, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều hoạt động của cuộc sống.
Điều này có những hướng đi mới quan trọng để phát triển tầm nhìn chiến lược “đi tắt, đón đầu” của Việt Nam dựa trên nền tảng và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam cần tận dụng lợi thế của người đi sau để phát triển nền “công nghiệp kết nối” thay cho nền công nghiệp truyền thống.
Việt Nam hiện nay đang nằm trong top 3 (ba) hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất Đông Nam Á – đặc biệt là ngành kinh tế nổi bật như: Bán lẻ, Công nghệ tài chính (Fintech), Công nghệ Giáo dục (Edutech), Công nghệ chăm sóc sức khỏe (Healthtech), Công nghệ tiếp thị và bán hàng, Chuỗi cung ứng (Logistics), Công nghệ Nông nghiệp (Agtech & Foodtech), Du lịch & Lữ hành… (theo Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”).
Những công ty khởi nghiệp (start – up) trong nước đang có lợi thế để tập trung phát triển các giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ số người sử dụng Internet cao nhất khu vực châu Á. Đây chính là bước đột phá để Việt Nam nhanh chóng tiến gần đến mục tiêu xây dựng mô hình xã hội 5.0.
Lời khuyên cho các nhà hoạch định chiến lược và doanh nghiệp trong nước là nên tập trung vào các giải pháp công nghệ ở một số lĩnh vực như: Giao thông – Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Năng lượng.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) trong bối cảnh hiện nay không còn là sự lựa chọn nữa mà là xu thế tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Bản chất của quá trình chuyển đổi số là mối quan hệ mật thiết giữa con người và công nghệ chính vì vậy chuyển đổi số sẽ tác động đến các vấn đề nhân lực.
Để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số trong quản trị nhân lực, trước tiên doanh nghiệp cần xây dựng một đội ngũ thực hiện công tác tổ chức nhân sự sẵn sàng tham gia vào quá trình thay đổi này và áp dụng công nghệ ở mức tối ưu nhất. Những chương trình đào tạo chuyên sâu, phát triển văn hóa chuyển đổi số trong doanh nghiệp là cần thiết để tăng khả năng làm chủ công nghệ, cũng như phát triển tư duy áp dụng công nghệ vào việc vận hành doanh nghiệp.
Muốn đạt được mục tiêu này, việc đào tạo ra nguồn nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đặt ra những bài toán mới cho ngành Giáo dục và Đào tạo trong nước. Những tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19 trong 2 năm qua đòi hỏi các trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm đào tạo phải chuyển đổi số quyết liệt hơn để đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh, sinh viên. Là một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Công nghệ thông tin và Thiết kế hàng đầu Việt Nam, VTC Academy đã từng bước tiếp cận và thích ứng với xu hướng đào tạo mới và chuyển đổi số để tăng trưởng toàn diện và bền vững.
VTC Academy tập trung đào tạo các chuyên ngành có triển vọng phát triển cao nhất trong nhóm ngành Công nghệ thông tin, Thiết kế và Digital Marketing để đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng lao động trong Kỷ nguyên số.
Với mục tiêu đưa Việt Nam góp tên trên bản đồ công nghệ thế giới trong thập kỷ tới, VTC Academy đã, đang và sẽ nỗ lực cải thiện và cập nhật các mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới để ứng dụng, thiết kế một lộ trình học tập bài bản, chuyên sâu cho học viên, cung cấp đội ngũ nhân sự có kiến thức vững vàng và kỹ năng cần thiết cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Mô hình xã hội 5.0 là một định hướng quan trọng để Việt Nam đổi mới mô hình nền kinh tế – xã hội. Mô hình xã hội siêu thông minh 5.0 được xây dựng dựa trên sự tiến bộ của công nghệ (IoT, AI, Big Data,…) nhằm nâng cao chất lượng đời sống của con người và thúc đẩy chuyển đổi số. Thông qua ý tưởng mô hình 5.0 của Nhật Bản, Việt Nam có thể xem xét và cân nhắc các chiến lược phù hợp để rút ngắn khoảng cách (gap) xu thể phát triển của thế giới và với các quốc gia trong cùng khu vực, bắt đầu từ việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi số.