Sinh viên sắp tốt nghiệp cần chuẩn bị gì cho nghề nghiệp tương lai?
Đại dịch Covid-19 có thể xem là một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như với từng cá nhân trong vai trò người lao động. Chuỗi bài “Câu chuyện nghề nghiệp nhìn từ bối cảnh đại dịch Covid-19” do chuyên gia Hướng nghiệp, Nghề nghiệp và Khởi nghiệp Vũ Tuấn Anh biên soạn sẽ cung cấp những thông tin cập nhật nhất về nghề nghiệp cùng những lời khuyên giá trị, xác đáng cho các bạn trẻ trong giai đoạn đầy khó khăn này.
Theo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về mức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình hình lao động trên toàn cầu, tác động của đại dịch này sẽ còn tiếp tục gia tăng sau những ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu trong thời gian qua, khiến hàng triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và rớt xuống dưới chuẩn nghèo.
Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng vọt do ảnh hưởng của Covid-19
Dựa vào các kịch bản khác nhau mà Covid-19 có thể gây ra với mức tăng trưởng GDP toàn cầu, ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy: số người thất nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng lên khoảng từ 5,3 triệu đến 24,7 triệu người do hệ quả của Covid-19. Đây là con số tăng thêm trên nền số người thất nghiệp có sẵn từ trước đó là 188 triệu trong năm 2019. Trong quá khứ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến khoảng 22 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp. Theo đó có thể thấy, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn có nguy cơ đáng sợ hơn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trước đó, Hiệp hội Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) từng đưa ra dự báo: dịch Covid-19 có thể khiến 50 triệu người lao động trong ngành du lịch mất việc. Con số này tương đương với 12-14% tổng lực lượng lao động của lĩnh vực này trên toàn thế giới.
Ông Dương Trí Thành – tổng giám đốc Vietnam Airlines – cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của hãng đã giảm 50.000 tỷ đồng và 10.000 nhân viên phải nghỉ việc.
Làm thế nào để tránh được ảnh hưởng của Covid-19 đến công việc tương lai?
Dịch Covid-19 bùng phát một cách nhanh chóng, đột ngột và cho tới giờ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nó chỉ hoàn toàn được chặn đứng khi có thuốc chữa hoặc vắc xin phòng bệnh. Đáng tiếc hiện nay vẫn chưa thể khẳng định mốc thời gian chính xác cho hai vấn đề này. Câu hỏi đặt ra cho các bạn sinh viên sắp sửa bước vào thị trường lao động là: “Chúng ta sẽ cần chuẩn bị gì cho thị trường lao động trong tương lai – cụ thể là trong vòng nửa năm và một năm tới?”. Hay nói cách khác, làm thế nào để các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp tìm được công việc tốt khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn trong tương lai gần?
Đầu tiên, các bạn trẻ cần tập trung vào việc cập nhật kiến thức chuyên môn, bởi lẽ tri thức là nền tảng tạo ra giá trị quan trọng và chính yếu trong bất kỳ nghề nghiệp nào các bạn muốn theo đuổi. Nếu mong muốn theo đuổi công việc kỹ sư phần mềm, chắc chắn bạn sẽ phải tập trung vào kỹ thuật lập trình cùng các công việc thực tập để tăng cường kiến thức chuyên môn. Nếu dự định theo đuổi ngành cơ khí ô tô, bạn cần tập trung vào việc tìm hiểu thiết kế của xe, động cơ đốt trong, hệ thống điện tự động…, những môn học quyết định thành công cho nghề nghiệp của mình.
Điều thứ hai, cần ý thức một cách rõ ràng rằng tất cả các ngành nghề trong thời gian tới sẽ chịu sự thay đổi của công nghệ. Có ba lĩnh vực quan trọng mà các bạn cần phải bổ túc tri thức, vì sớm hay muộn các bạn cũng sẽ phải sử dụng nó trong mọi ngành nghề, đó chính là trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và các ngôn ngữ lập trình. Trí thông minh nhân tạo trong tương lai có thể xem là “công cụ lao động” chính của loài người, tương tự như chiếc máy tính hiện nay. Dữ liệu lớn giúp cho các bạn hiểu, phân tích và tiên đoán được tiến trình vận động của các sự vật, hiện tượng. Cuối cùng, các ngôn ngữ lập trình cũng được coi là “công cụ lao động” của mọi nghề nghiệp trong tương lai. Chúng ta đang đối diện với một công cuộc chuyển đổi vĩ đại của mọi ngành nghề, đó chính là chuyển đổi số. Không chỉ các ngành kỹ thuật mà ngay cả những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ cũng đòi hỏi lực lượng lao động tương lai có được kỹ năng lập trình như một thế mạnh nổi bật trong công việc.
Điều thứ ba là ngoại ngữ. Am hiểu và sử dụng tốt ngoại ngữ là “điều kiện đủ” để các bạn trẻ hướng tới những công việc tốt nhất trên thị trường lao động không chỉ ở Việt Nam và trong khu vực mà cả trên toàn thế giới. Ngoại ngữ còn giúp các bạn tiếp cận và học tập những tri thức mới nhất của thế giới thông qua việc tự học. Thế kỷ thứ 21 đem đến một thách thức lớn cho tất cả mọi người: các kiến thức mới được cập nhật liên tục. Trong bối cảnh đó, ai không tự học hỏi sẽ bị thụt lùi nhanh chóng. Trong quá trình tự học, rất khó tiếp cận các tài liệu nếu không biết tiếng Anh, bởi lẽ các tài liệu mới nhất, cập nhật nhất thường phải mất từ một đến hai năm mới hoàn tất việc dịch sang tiếng Việt, nếu không thành thạo ngoại ngữ để tự học sẽ làm chậm nhịp độ học tập của các bạn.
Điều thứ tư là tâm thế làm chủ nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân cần nhận thức rằng mình chính là “ông chủ” trong nghề nghiệp của bản thân. Các cá nhân cần luôn luôn tự hỏi: Giá trị mình mang lại cho doanh nghiệp là gì? Khách hàng sẽ sử dụng giá trị của mình – họ là ai? Các doanh nghiệp – khách hàng đó đang ở đâu? Và làm thế nào để gia tăng giá trị của mình liên tục theo thời gian? Nếu có được tâm thế này và luôn tìm cách giải đáp những câu hỏi nói trên, các bạn chắc chắn sẽ thành công trong nghề nghiệp tương lai.
Điều cuối cùng mà các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp không thể thiếu, đó là khả năng thực thi hoàn hảo công việc thông qua việc trang bị đầy đủ những kỹ năng mềm. Chẳng hạn, mọi sinh viên đều biết viết một bản báo cáo, tuy nhiên không nhiều bạn có khả năng viết ra những bản báo cáo hoàn chỉnh, chính xác một cách nhanh chóng. Rèn luyện kỹ năng cho sắc bén là yêu cầu cuối cùng để các sinh viên sắp ra trường có thể chạm tới thành công.
Lời kết:
Có thể thấy, dịch bệnh bùng phát chính là cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp thay đổi, làm mới bộ máy nhân lực hiện tại từ trạng thái già cỗi, chi phí cao bằng lực lượng nhân lực trẻ được đào tạo tốt hơn, có tâm thế vững vàng hơn, sử dụng ngoại ngữ thành thạo hơn, am hiểu công nghệ hơn và sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn để phấn đấu. Cơ hội việc làm trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh chắc chắn sẽ ít hơn thời điểm bình thường, đặc biệt là các công việc truyền thống. Tuy nhiên, đó đồng thời lại là cơ hội mở ra nhiều công việc mới, đặc biệt là những nghề nghiệp liên quan đến công nghệ. Đây chính là thời điểm “vàng” để các bạn trẻ am hiểu về công nghệ và có đầy đủ những kỹ năng cần thiết “ghi điểm” trên hành trình chinh phục nhà tuyển dụng.
(còn nữa)
(Tác giả: ThS. Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia nghề nghiệp, hướng nghiệp và khởi nghiệp)