10 kênh marketing giúp doanh nghiệp trở nên nổi bật
(Theo Advertising Vietnam) – Bạn có ý tưởng, bạn có chiến lược, bạn có tài chính, nhưng bạn chưa biết các để phân phối những sách lược trên đến cách kênh phù hợp? Đối với những doanh nghiệp đang trong giai đoạn hoặc trong chiến lược thu hút khách hàng bằng performance marketing, thì chắc chắn không thể quên được thông điệp “không bao giờ được bỏ trứng trong một rổ”. Hiểu nôm na là khách hàng của bạn ở rất nhiều nơi, hãy tận dụng mọi phương án mà bạn có thể để thu khách hàng về.
Hãy tham khảo 10 kênh marketing sau để biết được, nội dung của bạn đang phù hợp với nền tảng truyền thông nào.
1. Digital marketing
Kênh online hay digital marketing được hiểu là những kênh sử dụng việc truyền tải thông tin qua mạng internet. Trong kỷ nguyên số, kênh online được các doanh nghiệp đầu tư mạnh để làm marketing.
Những nền tảng chính trong kênh marketing online hiện tại là Facebook, YouTube, TikTok, Instagram, Zalo, …Thông thường, các doanh nghiệp sẽ chi trả cho các nền tảng trên để thu về được khách hàng mục tiêu (lead), thông qua việc sáng tạo các nội dung và chạy quảng cáo đến đúng tệp khách hàng tiềm năng.
Xem thêm bài viết: 5 xu hướng Digital Marketing chủ đạo năm 2021
Đặc biệt, việc có một website cùng với phương án SEO (tối ưu hóa từ khóa) tốt cũng là một nhiệm vụ quan trọng của digital marketing.
2. Truyền miệng (khách hàng đã chuyển đổi)
Để có một quyết định mua hàng, khách hàng phải trải qua 5 giai đoạn:
- Ý thức nhu cầu
- Tìm hiểu thông tin
- So sánh
- Quyết định mua hàng
- Đánh giá sau khi trải nghiệm
Kênh khách hàng truyền miệng được các marketer áp dụng ở bước thứ 5, mục đích là để tạo ra một vòng tuần hoàn mua hàng mới thông qua vòng tuần hoàn cũ. Với kênh này, thương hiệu của bạn thường sẽ không tốn nhiều chi phí, nhưng nó lại được tạo ra nhờ vào sự phát triển tiền đề của các chiến lược trước đó. Muốn đạt được hiệu quả tối ưu bằng kênh này, buộc doanh nghiệp phải cung cấp những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, khiến khách hàng hài lòng kể cả chất lượng sản phẩm lẫn dịch vụ khách hàng.
CTA thường thấy trong kênh này là việc trao đổi trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng. Những câu hỏi như “Anh/Chị có hài lòng về sản phẩm của bên em không ạ? Nếu có người quen có nhu cầu sử dụng sản phẩm bên em thì Anh/Chị giới thiệu giúp em nhé…”, sẽ tạo ra một hành vi tiềm ẩn trong tâm trí khách hàng. Song song với đó, doanh nghiệp có thể áp dụng chiến dịch giảm giá cho khách hàng nếu họ giới thiệu sản phẩm đến bạn bè và người thân của họ.
3. Quảng cáo ngoài trời OOH
Quảng cáo ngoài trời thường được thể hiện bằng các hình thức như billboard, các điểm giao thông công cộng, phương tiện giao thông (xe buýt, taxi,…), POSM,…
So với quảng cáo OOH truyền thống, ngày nay, nhiều nhãn hàng đã chú trọng hơn trong việc tạo ra những sản phẩm ngoài trời sáng tạo. Có thể thể đến như CocaCola với chiến dịch biển quảng cáo biết nói “Trao CocaCola – Trao cảm xúc”, tạo ra những thông điệp hết sức vui nhộn và có ý nghĩa.
Ngày càng nhiều công ty hướng đến yếu tố nghệ thuật và sáng tạo trong quảng cáo, với sự áp dụng công nghệ tân tiến cho mục tiêu quảng cáo như không quảng cáo. Cụ thể như những billboard hiệu ứng thị giác, hay những biển quảng cáo 3D thú vị, sống động khiến cho người xem phải tò mò theo dõi.
4. Tận dụng nhân viên
Mỗi nhân viên của công ty là một đại sứ thương hiệu. Do đó, đừng bỏ qua nhiệm vụ đào tạo nhân viên để có được niềm tin cũng như sự hài lòng của họ về những sản phẩm của doanh nghiệp.
5. Re-marketing
Re-marketing là phương pháp sử dụng những nền tảng digital như mạng xã hội, các website, email, … để “nhắc” khách hàng khi họ đã có “vết” trong những hành vi tìm hiểu sản phẩm trước đó. Re-marketing cũng được dùng để thúc đẩy doanh thu bán hàng thông qua chiến lược gia tăng bán hàng (up-sell) hay bán chéo sản phẩm (cross-sell).
Việc xuất hiện của kênh marketing này là vì theo một khảo sát kinh doanh, phần lớn khách hàng sẽ phát sinh nhu cầu mua hàng ở lần thứ 3, thứ 4. Do đó, doanh nghiệp không thể chỉ tiếp thị một lần, mà cần phải dùng chiến thuật re-marketing để chắc chắn rằng, khách hàng của bạn không bỏ qua cơ hội mua hàng.
6. Kênh KOL
Việc chọn ra một KOL để làm đại sứ cho thương hiệu thường được thực hiện dựa trên nghiên cứu cho thấy KOL đó có những điểm tương đồng gì so với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, so với định hướng tính cách thương hiệu cùng các yếu tố liên quan khác. Mỗi KOL thường được chọn làm đại diện trong khoảng 2 năm vì sau 2 năm, các thuộc tính về nhân khẩu học sẽ thay đổi theo thời gian (tuổi tác, sở thích, nhu cầu…).
7. Hệ thống trả lời tự động
Hệ thống trả lời tự động (chatbot) hỗ trợ cho doanh nghiệp chăm sóc khách hàng trong trường hợp tối ưu hóa nhân lực. Kênh marketing này chỉ nên sử dụng trong trường hợp tiếp cận với khách hàng mới, giải quyết các thắc mắc cơ bản, hướng khách hàng tới hành vi cung cấp thông tin mua hàng hoặc liên hệ với bộ phận tư vấn khách hàng.
Xem thêm bài viết: Cách mạng công nghiệp 4.0 và 10 xu hướng công nghệ hàng đầu
8. Tờ rơi
Hình thức phát tờ rơi hay những hình thức tương tự như treo bandroll, phướn, … thường được sử dụng để tiếp cận nhóm khách hàng tại chỗ (xung quanh cửa hàng). Ngày nay, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ vẫn chuộng sử dụng phương thức này. Các thiết kế bắt mắt kết hợp với chương trình khuyến mãi trong những dịp khai trương, dịp lễ hay một dịp đặc biệt khác sẽ kích cầu mua hàng rất tốt.
9. Marketing niềm tin – Marketing chuyên gia
Khác với KOL, một chuyên gia “bảo chứng” trong lĩnh vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh sẽ tạo ra một niềm tin đối với khách hàng, trên cơ sở chất lượng.
Các cơ sở thẩm mỹ thường phối hợp với bác sĩ chuyên khoa, các doanh nghiệp hướng tới nhượng quyền thương hiệu lại hợp tác với những chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, …
10. Mô hình B2B
Một đơn vị có cùng tập khách hàng tương tự với tập khách hàng công ty bạn sẽ phối hợp cùng chạy quảng cáo trên kênh liên kết này. Chẳng hạn, một doanh nghiệp bán mỹ phẩm và thời trang có cùng tập khách hàng giống nhau. Vì thế, đơn vị bán mỹ phẩm này có thể quảng cáo cho đơn vị bán trang phục thời trang kia và ngược lại.
Mỗi khách hàng luôn có sự đa dạng về nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác nhau. Chính vì thế, các đơn vị này sẽ liên kết với nhau tạo nên kênh đa chức năng phục vụ lợi ích của khách hàng.
Vận dụng mô hình B2B, doanh nghiệp có thể mở rộng phạm vi kinh doanh bằng cách thành lập những công ty con cùng nhóm ngành để hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành một chu trình khép kín, giảm chi phí cung ứng và tăng doanh thu trong hệ thống.
Chu trình Feed – Farm – Food là một ví dụ điển hình đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Một công ty kinh doanh làm đẹp có thể mở rộng phạm vi ở nhiều lĩnh vực như mỹ phẩm, trang thiết bị làm đẹp,…
Để thương hiệu của bạn được khách hàng biết đến, bạn thường phải cho nội dung quảng cáo xuất hiện cả offline lẫn online. Nếu khách hàng đọc được nhiều bài viết hữu ích về sản phẩm, họ sẽ bắt đầu cân nhắc việc mua sản phẩm. Độ tin cậy được tăng lên khi khách hàng đọc được phản hồi ấn tượng từ những khách hàng khác đã mua và trải nghiệm sản phẩm. Cuối cùng dẫn đến quyết định mua hàng khi họ đã hoàn toàn tin tưởng về chất lượng và trải nghiệm mà họ sẽ nhận được. Bán hàng đồng nghĩa với việc bạn đang bán niềm tin cho khách hàng.
Nếu doanh nghiệp chỉ sử dụng một hoặc một vài kênh để marketing thì rủi ro mất khách hàng rất cao. Việc phối hợp đa kênh là phương án tốt nhất hiện tại giúp doanh nghiệp giảm nhẹ áp lực quản lý khách hàng.