Đã đến lúc cần thay đổi tư duy chọn ngành nghề cho tương lai
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến cho thị trường lao động chuyển hóa sang một giai đoạn phát triển mới với việc phát triển nhiều ngành nghề mới, đồng thời xuất hiện nhiều khó khăn mới cho người lao động. Nghề nghiệp không chỉ là một công cụ giúp chúng ta đảm bảo nguồn lực tài chính mà còn giúp rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng nhân cách và hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy, trước khi đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp bạn cần xem xét cẩn thận và có định hướng nghề nghiệp đúng đắn.
Lựa chọn ngành nghề phù hợp là một bài toán thách thức cho mọi cá nhân. Trong quá khứ, chúng ta có nhiều phương pháp và công cụ lựa chọn như làm các bài trắc nghiệm tính cách, lắng nghe tư vấn của chuyên gia hướng nghiệp, tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp đang phát triển và môi trường làm việc đặc thù của từng ngành nghề, lập kế hoạch cá nhân,… để phát hiện điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, đánh giá sự phù hợp của ngành nghề và năng lực cá nhân. Có một số trường hợp lựa chọn đại một ngành nghề để trải nghiệm nhưng về sau chuyển hướng sang một lĩnh vực khác. Lựa chọn đúng nghề sẽ giúp chúng ta khai thác được những thế mạnh của bản thân, nhưng nếu lựa chọn sai sẽ mất nhiều thời gian để làm lại từ đầu, mà đa phần xác suất sai lầm thường rất cao. Việc chọn sai nghề không chỉ có tác động trực tiếp tới chính bản thân người lao động mà còn tác động tới sự phát triển chung của nền kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thông tin, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và nghề nghiệp cũng khắt khe hơn. Điều đó dẫn đến một loạt những vấn đề phát sinh trong việc định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ ở thế kỷ 21.
Xem thêm bài viết: 10 xu hướng định hình ngành công nghệ năm 2021
Chúng ta lấy một nghề ví dụ như bác sĩ. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong y học ngày càng cần thiết, giúp xây dựng bệnh viện thông minh, hỗ trợ bác sĩ trong điều trị. Bác sĩ sẽ cần có những kiến thức về IoT để tương tác và hiểu cách thức hoạt động của nano robot khi đưa vào cơ thể con người để thông báo về các chỉ số sức khỏe cũng như chẩn đoán một số bệnh lý. Việc ứng dụng hệ thống robot tự động vào phẫu thuật và cấy ghép cũng yêu cầu bác sĩ, y tá, trợ tá có hiểu biết về cách điều khiển và phương thức hoạt động của máy móc.
Việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực để đón đầu xu thế thời đại là câu hỏi lớn của học sinh THPT khi đứng trước ngưỡng cửa tương lai. Những yếu tố sau sẽ cho giúp các bạn trả lời câu hỏi này, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân.
Mối quan hệ lao động GIG
Nền kinh tế GIG (GIG Economy) là thuật ngữ mô tả mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và tổ chức hoàn toàn khác với hợp đồng lao động truyền thống. Mối quan hệ GIG được kiến tạo dựa trên sự bình đẳng giữa người lao động và sử dụng lao động dựa trên công việc và giá trị tạo ra. Trong tương lai, người lao động rất coi trọng sự tự do nên không muốn ràng buộc với doanh nghiệp và bị kiểm soát thời gian. Kiểm soát công việc và trả công tính trên số lượng và chất lượng công việc hoàn thành. Nền kinh tế GIG (GIG Economy) là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian. Điển hình của mô hình này chính là Grab, tuy nhiên, mối quan hệ lao động GIG có thể được áp dụng cho mọi ngành nghề trong xã hội, tại mọi vị trí ngay cả cho tổng giám đốc. Tổng giám đốc nhận lương hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh chính là biểu trưng của lao động GIG. Những ngành mà tỷ trọng GIG chiếm cao đó là đồ họa, phần mềm, công nghệ, thiết kế, kinh doanh, tư vấn, các kỹ sư công nghệ có chiều sâu kinh nghiệm.
Khả năng sáng tạo
Ngành nghề nào trong tương lai đòi hỏi khả năng sáng tạo càng cao thì sẽ càng có cơ hội phát triển. Các ngành nghề không có khả năng sáng tạo sẽ dần dần bị robot, trí thông minh nhân tạo (AI) thay thế dần theo thời gian. Ví dụ nghề bartender, hiện nay đã có robot pha chế, được lập trình để thực hiện đồ uống theo yêu cầu của khách hàng. Các nghề làm việc theo quy trình, quy định và nguyên tắc như kế toán sẽ có khả năng cao bị thay thế bằng robot và hệ thống AI bởi các thuật toán được lập trình sẵn. Các nghề liên quan tới tư duy trừu tượng, nghệ thuật kiến tạo các giá trị vô hình đòi hỏi khả năng sáng tạo cao và khó bị thay thế hơn.
Kiến tạo trải nghiệm
Kiến tạo trải nghiệm là một khái niệm mới trong định hướng và đào tạo nghề nghiệp. Trong khi các ngành nghề đều có trải nghiệm với máy móc, quy trình, con người, khách hàng thì những ngành nghề nào đòi hỏi tương tác trải nghiệm nhiều với thế giới bên ngoài sẽ dễ dàng phát triển trong môi trường công nghệ và công cụ tương lai. Ví dụ, một bạn làm bánh nếu chỉ tập trung làm bánh trong bếp không có trải nghiệm chắc chắn sẽ dễ dàng bị thay thế so sánh với một nghệ nhân làm bánh biểu diễn cho khách hàng xem. Kiến tạo trải nghiệm áp dụng cho tất cả mọi ngành nghề giúp cho mọi người có những trải nghiệm tuyệt vời, ví dụ thiết kế game, thiết kế app, chăm sóc khách hàng, dịch vụ – du lịch… Những ngành kiến tạo trải nghiệm cho người dùng sẽ là những ngành nóng trong tương lai bởi vì mọi người có nhiều thời gian nhờ vào robot đã tự động thực thi các công việc.
Xem thêm bài viết: Làm sao để trở thành họa sĩ diễn hoạt 3D tầm cỡ quốc tế?
Thực thi ảo hóa
Chuyển đổi số (Digital Transformation) đang làm thay đổi nhiều công việc. Với việc áp dụng lợi ích của công nghệ vào quá trình chuyển đổi số, chủ doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên, tăng cường phạm vi hoạt động và tương tác của các cá nhân/doanh nghiệp, khách hàng/đối tác. Một giảng viên ở Việt Nam có thể giảng dạy cho các em học sinh bên Mỹ về toán học thông qua các phần mềm trực tuyến. Một người kỹ sư phần mềm có thể trao đổi với các đồng nghiệp, đối tác qua phần mềm Zoom (một phần mềm họp trực tuyến). Tất cả những ngành nghề nào có mức độ thực thi ảo hóa cao sẽ lên ngôi trong tương lai.
Kiến tạo doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp cá nhân là ước mơ của mọi người. Tuy nhiên, một kỹ sư hay một bác sĩ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn để có thể xây dựng được một nhà máy sản xuất ô tô hay một bệnh viện của riêng mình. Vì vậy, các bạn trẻ cần xem xét khả năng kiến tạo doanh nghiệp từ ngành nghề hoặc lĩnh vực mình đang quan tâm. Việc mở rộng một studio thiết kế game hay thành lập một doanh nghiệp chuyên về thiết kế, dựng phim là dự án trong tầm tay của các bạn sinh viên từ năm thứ hai trong chương trình học. Khả năng khởi nghiệp thành công là một yếu tố quan trọng để lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Nghề nghiệp cũng như mọi yếu tố trong xã hội sẽ thay đổi mạnh mẽ trong thời đại 4.0. Chúng ta không thể dùng những công cụ cũ, tư duy cũ, quy trình cũ để định hướng nghề nghiệp. Trong tương lai, các bạn trẻ muốn có được nghề nghiệp vững vàng thì họ cần phải nắm rõ những mô thức cũ và tập trung nghiên cứu những xu hướng đổi mới liên tục của nghề nghiệp và thị trường lao động.
Thạc sỹ Vũ Tuấn Anh – tác giả sách Hướng nghiệp 4.0