Ngôn ngữ Design: Bạn đang nói chuyện với ai?
Chắc hẳn ai cũng sẽ không khỏi bất ngờ trước sự phát triển đến chóng mặt của ngành Thiết kế đồ họa và Minh họa tại Việt Nam trong những năm vừa rồi. Song hành những chuyển biến mạnh mẽ của công nghệ và truyền thông, vai trò của các ấn phẩm thiết kế đồ họa và tranh ảnh minh họa đang càng ngày càng được yêu thích hơn. Tuy nhiên, thế giới của đồ họa vẫn là một mảnh đất vô cùng bao la và mỗi ngày chúng ta đều có thể tìm ra cho mình những kiến thức và kĩ năng mới. Sẽ rất khó để có thể trở thành một Graphic Designer chuyên nghiệp hay một Illustrator tài năng nếu chúng ta không thường xuyên trau dồi cho mình những hiểu biết mới mẻ về chính lĩnh vực mà chúng ta đã lựa chọn.
Các bạn Designer có bao giờ gặp khó khăn khi cố giải thích việc kerning trên một thiết kế logo mới hoặc thiết kế web responsive ra sao với dân không chuyên thiết kế hay chưa? Hay thỉnh thoảng còn bối rối khi phải cố gắng giải thích những thuật ngữ chuyên ngành trong Thiết kế với khách hàng và bắt gặp những biểu cảm khó đỡ?
Trong bài viết này, chúng mình sẽ hé lộ những điều thú vị về thế giới của các bạn Designer và cách giao tiếp của các bạn ấy để công việc của chúng mình sẽ hiệu quả và thuận lợi hơn.
Nguyên tắc thiết kế mà mọi Designer đều phải thuộc nằm lòng
Trong thiết kế, việc nghiên cứu và tìm hiểu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì mục đích cốt lõi và ưu tiên cao nhất của công việc thiết kế, từ những miếng sticker dán nhỏ xíu cho tới những công trình khổng lồ, là tạo ra những sản phẩm có khả năng ứng dụng. Và để ứng dụng thiết kế một cách chính xác, ta luôn phải trả lời được các câu hỏi “Tại sao lại làm như thế?”, “Thiết kế của mình sẽ được thực hiện như thế nào?”.
Chắc hẳn các bạn đã được đọc và nghe rất nhiều những lý thuyết chung về thiết kế, ý nghĩa của các màu sắc, bố cục trong thiết kế và nguyên tắc sử dụng đường nét (Line), Hình khối (Shape), Chữ (Font),… Bên cạnh đó là vô vàn những luồng ý kiến nhận xét khen chê trái chiều về một thiết kế đẹp hay xấu. Tại sao lại có những ý kiến trái chiều đó?
Sẽ có vô vàn câu hỏi rối tung xuất hiện khi những thiết kế của bạn gặp vấn đề và phản hồi, nhưng về cơ bản chúng sẽ chi rơi vào một trong ba trường hợp sau đây .
1. Trường hợp 01: Sai người
Hãy tưởng tượng bạn đang nhận một công việc thiết kế logo một thương hiệu nông sản, bán cho người nông dân và với xu hướng thiết kế hiện nay , bạn làm ngay cho họ một bao tải với logo con gà thiết kế hình học phẳng và chỉ dùng 2 màu. Điểm quan trọng trong trường hợp này là một người nông dân không tiếp xúc với Behance (một mạng xã hội mở đặc biệt dành cho Designer và Creator được phát triển bởi công ty Adobe) hay MXH nào khác để biết và có được cảm quan rằng những hình ảnh mảng miếng đó là sự tối giản hóa định cao của một hình ảnh thực. Với họ, “con gà” phải được thể hiện với hình ảnh một con gà với đầy đủ chi tiết mào đỏ, cựa vàng, lông xù, đuôi cong,… Bạn có thể tối giản hóa hình này bằng cách đưa hình con gà về dạng outline hay sketch, nhằm đáp ứng mục đích thiết kế mang tính hiện đại và tránh sự rối trong sử dụng màu sắc của mình hơn, nhưng đơn giản tới mức thành các khối hình học (geometric) và nét đơn (line art) như trên thì đa phần người nông dân – công chúng mục tiêu của bạn, gần như không thể hiểu bạn đang “nói” gì với họ.
Xem thêm bài viết: Những quy luật căn bản về hình khối trong thiết kế
Những tình huống mà mình gọi là “alien” như vậy sẽ mang lại cho người dùng cảm giác không thân thuộc, dần dần họ sẽ bỏ qua, vì cho rằng thông điệp ấy không phải dành cho mình. Sự phát triển logo các thương hiệu lớn qua các năm cũng phải thay đổi một cách từ từ, phù hợp với thị hiếu, bối cảnh và văn hóa của người tiêu dùng thời đại đó. Nếu bạn treo logo Canon của năm 1934 lên cửa hàng Canon năm 2021, chắc là những bạn trẻ cầm máy ảnh DSLR sẽ phát hoảng, nhưng những thầy tu Himalaya đang xuống phố đi dạo có thể sẽ phải đứng lại trầm trồ.
2. Trường hợp 02: Sai vật
Các bạn sẽ có hàng tá cách để diễn đạt thông điệp thiết kế của mình bằng những từ ngữ chuyên môn mà không phải ai cũng hiểu. Hãy thử lấy ví dụ minh họa bên trên về logo bao thóc nhé. Về mặt thông điệp của các chi tiết, tách biệt từng phần, ngôn ngữ hình ảnh này không sai, nhưng về tổng thể thì sao? Việc dùng màu vàng làm màu chủ đạo với màu đen tương phản nhằm nhấn mạnh hình ảnh con gà được bao bọc trong hình tam giác phẳng, mang lại cảm giác của năng lượng, sự phát triển. Trong một số tình huống, hình tam giác tạo ra một cảm giác gai góc và nguy hiểm nhất định. Trong trường hợp những tài thóc này được xuất khẩu sang Mỹ, nó sẽ khá dễ dàng bị liên tưởng với những thùng hóa chất phóng xạ, hay những dải phân cách tai nạn,… Mà không nói đâu xa, chính những biển báo giao thông nguy hiểm ở Việt Nam cũng được làm theo concept đó. Và không ai trong chúng ta muốn bao thóc của mình bị hắt hủi phải không, chúng đâu có chứa chất phóng xạ hay gây ra tai nạn giao thông?
Vậy tư duy ta đúc kết ra là gì? 1 + 1 có thể bằng 3, khi chi tiết từng phần của bạn có thể méo mó kỳ quặc nhưng kết hợp với nhau lại tạo nên một cảm giác nghịch ngợm hoặc ma quái rõ rệt – bạn sẽ thấy ở những minh họa sách truyện trẻ con hay sự kiện Halloween. Nhưng 1 + 1 cũng có thể bằng 0 khi tổng thể những đặc điểm bạn nghĩ là hay kết hợp với nhau lại tạo ra hiệu ứng hoàn toàn ngược lại.
Một ví dụ kinh điển là các phòng khám nha khoa ở Việt Nam sử dụng những hình ảnh thực về việc mổ răng để làm quảng cáo ngoài đường – nhìn đau muốn chết đi được! Hay họ sử dụng tranh vẽ minh họa rất “creepy” của một cô gái nhe răng cười. Đi qua những phòng khám đó buổi tối kiểu gì mình cũng nổi da gà. Những hình ảnh chân thực và thông điệp cảnh cáo về ung thư phổi kinh dị như thế nào trên bao thuốc thì thực sự đạt được đúng mục đích. Ranh giới giữa “sự đặc biệt” và “sự kệch cỡm”, “sự hài hòa” và “sự nhạt nhòa” rất mong manh.
3. Trường hợp 03: Sai chỗ
Việc hiểu bối cảnh nơi thiết kế của bạn được ứng dụng quan trọng ngang với việc lên nội dụng cho thiết kế đó, vì đây là yếu tố quyết định xem tất cả công sức của bạn có ý nghĩa gì hay không. Thất bại trong việc này cũng như mở một cửa hàng thời trang hàng hiệu giữa chợ quê vậy, nơi người ta không có nhu cầu, không có điều kiện, không thích và cũng không có ý định tìm hiểu về thương hiệu của bạn. Chắc chắn các bạn Designer đã quá quen với những kích thước định dạng ảnh khác nhau để tương ứng với vị trí sử dụng của nó trên Facebook, Instagram, Website, Banner, Mobile hay Poster, Standee, Brochure in ấn. Nghĩ rộng ra một chút, và cầu toàn hơn một chút, chúng ta sẽ thấy đây chính là công đoạn tính toán bối cảnh trong thiết kế – cụ thể những ấn phẩm này phải được xuất hiện lúc nào, ở đâu, nó có dễ nhìn thấy không, có bị ảnh hưởng bởi những thứ xung quanh không, và có gây mất mỹ quan như việc dựng một biển hiệu đen ngòm giữa vườn hoa không.
Những yếu tố quyết định sự thành công của một thiết kế
Kinh nghiệm rút ra từ tất cả những trường hợp sai bên trên cho phép chúng ta hệ thống lại 3 khía cạnh lớn phải cân nhắc trước khi thực hiện và ứng dụng một thiết kế.
1. Bản thân thiết kế đó:
- Mục đích (Objective)
- Thông điệp (Messages)
- Nội dung (Content)
- Thể hiện (Format)
Trước khi bắt đầu thiết kế, hãy tự trả lời những câu hỏi này:
- Sản phẩm thiết kế bạn đang tạo ra nhằm mục đích gì?
- Thiết kế này để làm gì, cho ai?
- Điều bạn muốn truyền tải là gì?
- Có những thông tin gì trên đó?
- Định dạng, phong cách, hình ảnh?
- Thiết kế đó phục vụ những chức năng gì: Như một web banner có thể click tương tác trò chơi hay một poster đóng luôn vai trò biển chỉ đường và nơi quét mã QR?
Hãy phân cấp những mục đích đó và đảm bảo những thiết kế của mình không những được sử dụng đúng, dễ hiểu, đầy đủ thông tin cần thiết mà còn đẹp về mặt hình thức.
2. Bản thân người sử dụng:
- Văn hóa (Cultural)
- Xã hội (Social)
- Cá nhân (Personal)
- Tâm lý (Psychological)
Và đây là những gì quyết định ngược lại phần thông điệp, thông tin và ngôn ngữ thể hiện trong thiết kế của bạn. Thông thường những bạn mới vào nghề sẽ chỉ xoay quanh những câu hỏi rất chung về sở thích, thói quen và tính cách của đối tượng mà không nhìn được bức tranh toàn cảnh những yếu tố khác tác động tới suy nghĩ cảm xúc của họ.
Cụ thể, họ chịu tác động từ những nền văn hóa hoặc nhóm văn hóa nào? Tập thể những người chịu ảnh hưởng của văn hóa Nhật sẽ có một ưu tiên nhất định tới những thiết kế sạch sẽ, nhẹ màu, tinh tế và nhiều khoảng trắng. Màu đen là màu nền chủ đạo của những band nhạc và người yêu thích Rock/Metal, hình khối vuông và những ký tự digital hiện đại là lựa chọn ưa chuộng của các DJ EDM và không gian EDM rave, trong khi Hiphop sử dụng những màu sắc tươi mạnh mẽ của những bình sơn aerosol và những thông điệp đầy nghịch ngợm phá cách của Graffiti (nghệ thuật vẽ trên tường).
Xem thêm bài viết: Kết hợp màu sắc không khó như bạn nghĩ!
Tương tự như vậy với những con người làm trong các môi trường và ngành nghề khác nhau, màu vàng là màu của thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn chững lại, và với không gian của bệnh viện thì tone màu xanh lơ giúp giảm căng thẳng thần kinh của người bệnh. Ngoài ra, phụ huynh có đồng ý đưa con cái tới những lớp học mầm non khi thiết kế website trường của họ trông có vẻ quá trống trải và buồn tẻ hay không? Một văn phòng làm hồ sơ thủ tục có thể thiết kế POSM (Point Of Sales Material) gồm các vật dụng hỗ trợ cho việc bán hàng tại địa điểm bán nhằm góp phần nhận diện thương hiệu của họ, để khách hàng của họ vừa cảm nhận được sự nghiêm túc và sự thoải mái trong dịch vụ?
Thông thường những bạn mới vào nghề sẽ chỉ xoay quanh những câu hỏi rất chung về sở thích, thói quen và tính cách của đối tượng mà không nhìn được bức tranh toàn cảnh những yếu tố khác tác động tới suy nghĩ, cảm xúc của họ.
3. Bối cảnh xung quanh:
- Thời gian (Time)
- Không gian (Place)
- Vật chất (Materials)
- Con người (Human)
Vẫn chưa hết, sau những yếu tố nội tại là các yếu tố ngoại tại, bạn phải cân nhắc xem thiết kế đó sẽ được đặt ở đâu, khi nào,, xung quanh nó sẽ có những gì? Có rất nhiều trường hợp người làm thiết kế không tính toán trước những yếu tố này để tới khi thực hiện mới nhận ra vấn đề và phải sửa lại .
Một thông tin quan trọng như thông tin liên hệ có thể đặt ở dưới chân cover Facebook Fanpage, để đảm bảo đó là điểm dừng mắt cuối cùng và dành chỗ cho các nội dung chương trình, nhưng không có nghĩa bạn nên làm tương tự với bố cục của standee đặt trong chính sự kiện đó. Một thiết kế logo sẽ được đặt ở đâu trong bố cục dọc, ngang hoặc có phương án thay đổi hình ra sao để vẫn giữ nhận diện trên hàng loạt các ấn phẩm khác nhau? Bạn có thể tư duy rằng đường nét của bộ nhận diện thương hiệu này nên thật mạnh bởi công ty đó là một hãng sản xuất váy cô dâu tinh tế , nhưng đừng quên rằng mình phải cân nhắc tới cách thức thi công bảng biển, nhãn mác dập nổi khác của họ: Chúng có thực hiện được không, thực tế từ xa sẽ trông như thế nào? Bạn muốn biển hiệu mang màu xanh lá thương hiệu của mình nhưng khổ nỗi khu vực này quá nhiều cây và biển
hiệu của bạn như “tàng hình”… Thật là buồn đúng không?
Câu chuyện về tư duy phản biện – tổng hợp và phân tích này không chỉ áp dụng riêng trong thiết kế mà còn ở mọi ngành nghề, mọi chuyên môn và rất nhiều mặt khác của cuộc sống.
Hãy là người thầy của chính mình
Thách thức đối với những người làm thiết kế là làm sao để tạo ra được sản phẩm tối ưu và phù hợp với thẩm mỹ của đại đa số công chúng. Để thực sự đúc kết được những hệ thống, hãy quan sát, phân tích tất cả mọi thiết kế, mọi hình ảnh bạn nhìn thấy. Qua những thói quen đơn giản trong suy nghĩ như vậy, bạn sẽ dần nhìn nhận thấy những điểm chung, điểm riêng biệt của chúng và từ đó biết “điều khiển” được chính sản phẩm của mình để đạt mức tối ưu trong ứng dụng và thẩm mỹ.
Một sản phẩm thiết kế tốt sẽ phải mang lại giá trị cho người dùng và cho cả người làm ra chúng, đừng để bản thân bị buộc tuân theo khuôn mẫu và lý thuyết nào mà không hiểu rõ tường tận tại sao.
Kết
Dù bạn có thể nhìn vào và nghĩ nó là trò trẻ con, hãy nhớ ngay cả những thuật ngữ căn bản nhất cũng có thể gây bối rối cho khách hàng, những người không quen thuộc với cách dùng từ trong giới sáng tạo. Nên hãy thuộc lòng những “nguyên tắc giao tiếp” của Design mà mình đã chia sẻ bên trên để phát triển sự nghiệp và hiểu biết của bạn. Chúc các bạn luôn giữ đối mặt tinh tường, cái đầu tỉnh táo và đôi tay khéo léo để tự phát triển trên con đường trở thành Designer chuyên nghiệp.
(Nguồn: GRAPHICS)