“Nhà thiết kế là người không bao giờ được phép thỏa mãn”
(Lời dẫn) Để trở thành một nhà thiết kế giỏi, bạn cần có kỹ năng, kiến thức, tư duy thẩm mỹ hay tinh thần không bao giờ bỏ cuộc? Cùng lắng nghe những chia sẻ từ một nhân vật kỳ cựu trong ngành Thiết kế và Truyền thông Đa phương tiện: Thầy Nguyễn Duy Thơ – Trưởng ban Thiết kế của VTC Academy – để có thêm hành trang vững chắc với nghề Thiết kế.
1. Một vài kỷ niệm
Tháng 9 năm 1968, khi còn là học sinh Trung học, lần đầu tiên tôi được giao thực hiện một tấm biển (bảng hiệu) cho Văn phòng Đoàn Sinh viên Phật tử Đại học Đà Lạt. Người giao việc này là anh Nguyễn Mạnh Hùng, hồi đó là Đoàn trưởng SVPT, ngày thường là thầy giáo dạy môn Lý – Hóa của tôi. Thực hiện một tấm bảng kích thước 6 x 1 mét, vẽ bằng tay chỉ với 2 màu (xám đen và trắng), mất khoảng hơn 1 tuần.
Đến năm 1973, tôi được giao nhiệm vụ thiết kế và in tờ báo Xuân của Trường Cao đẳng Hóa học, Học viện Quốc gia Kỹ thuật (tiền thân của Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa TP.HCM hiện nay).
Bắt đầu khởi công từ Tháng 9/1972, ròng rã đến Tháng 12 mới xong, bìa vẽ xong phải tự khắc bản in bằng kẽm (cliché) để in 4 màu, ruột xếp chữ chì in đen trắng… In được 2000 quyển trên giấy Fort, là 1 trong những tờ báo Xuân thuộc loại đẹp nhất thời bấy giờ.
2. Thiết kế Đồ họa và in ấn
Nhắc lại chuyện xưa một chút để các bạn thấy rằng công nghệ đã tiến nhanh vượt bậc như thế nào. Những công việc đó, ngày nay chỉ tính bằng giờ, hoặc cùng lắm là một vài buổi, với độ chính xác và tính mỹ thuật mà vài chục năm trước đây “nằm mơ” cũng không thể tưởng tượng ra được.
Xem thêm bài viết: Xu hướng thiết kế đồ họa năm 2021: Cuộc cách mạng mỹ cảm sâu sắc
Chỉ mới khoảng 10 năm trước đây, Designer còn phải “vác” thiết kế của mình đi chế bản rồi chạy đến Nhà in để thực hiện các công đoạn còn lại (bình bản – in – hoàn tất). Tôi dùng chữ “vác” với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó, vì đã có trường hợp Nhà Thiết kế phải bê nguyên thùng máy (case) đến nơi chế bản vì file có dung lượng quá nặng, bao gồm cả các liên kết (linked materials)… Hoặc phải tháo rời ổ cứng đem đi, rón rén nhẹ nhàng “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Ngày nay với các USB dung lượng vài trăm GB, công việc này đã trở nên cực kỳ thuận lợi và dễ dàng. Công nghệ in offset 6 – 8 màu, in trực tiếp từ file thiết kế không cần chế bản, bình phim… và những máy in có giá hàng triệu đô-la đã giúp nâng tầm các nhà Thiết kế Việt Nam lên cấp độ quốc tế.
Đối với những Designer ở thập kỷ trước, máy MacIntosh (gọi vắn tắt là máy… Mắc) là một giấc mơ, vì giá quá… mắc so với PC. Nếu thiết kế bằng PC (chạy Windows), khi đem đi in nhà Thiết kế thường nói đùa “cầu Trời khấn Phật” cho nó đừng bị lỗi gì, đừng bị sai màu.
Giao hàng xong vài ba ngày sau không thấy khách hàng kêu ca gì mới dám… rón rén “xin” tiền. Ngày nay, các loại Macbook đã trở nên rẻ rất nhiều, thậm chí không chênh lệch quá mức so với laptop và PC chạy Windows, và những nhà thiết kế là người hưởng lợi đầu tiên nhờ độ chính xác cao và sự thuận tiện trong thiết kế của loại máy “quả táo” này.
3. Quảng cáo trên Web và các Thiết bị di động
Trong kỳ Olympic London 2012 vừa qua, hãng Android đã làm một cuộc phỏng vấn nhanh trên 1330 người về cách thức họ theo dõi thông tin, và kết quả cho thấy 30% số người này sử dụng các loại smartphone, trong khi 31% sử dụng các loại tablet cho công việc này. Nghĩa là chỉ có chưa đầy 40% theo dõi tin tức Olympic bằng những phương tiện truyền thống (báo chí, Tivi…).
Ngày nay sự bùng nổ của Internet đã là điều không cần bàn cãi, và lợi ích đầu tiên là thông tin được cập nhật nhanh chóng đến mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Người ta có thể vừa làm việc trong văn phòng, vừa theo dõi diễn biến của một trận đấu ưa thích trên một sân vận động cách xa hàng vạn cây số qua một thiết bị nhỏ gọn bỏ túi.
Quảng cáo trên Internet và các thiết bị di động là tương lai của ngành truyền thông. Công ty Quảng cáo di động InMobile đã làm một nghiên cứu và cho thấy thị trường quảng cáo di động của Việt Nam đã tăng tới 121% tính từ quý IV năm 2010 cho đến quý IV năm 2011, từ mức 2,7 tỷ lượt hiển thị đến 6,08 tỷ lượt hiển thị, bao gồm 5,6 tỷ lượt hiển thị trên feature phone và 0,4 tỷ lượt hiển thị trên smartphone.
Xem thêm bài viết: Cô gái Hà Nội sinh năm 1992 thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm cho Google Play và App Store, nộp thuế hơn 23 tỷ đồng
4. 3D và HTML5 là tương lai của Multimedia Design
Tivi 3D, Hoạt hình 3D, Xi-nê 3D… Tất cả cho thấy 3D hiện đang là trào lưu của công nghệ nghe nhìn. Đạo diễn James Cameron (phim Avatar, Titanic…) đã từng dự đoán rằng chẳng bao lâu nữa khán giả không chỉ thích xem phim 3D ở rạp, mà còn thích các hình thức giải trí 3D khác như thể thao, ca nhạc trên tivi hay laptop.
Để chuyển tải được những hình ảnh và âm thanh chất lượng cao, công nghệ Internet như hiện nay chắc chắn không thể nào đảm đương nổi. Người ta bắt đầu nói đến HTML5 như là một cứu cánh cho tương lai. Với HTML5, không cần cài đặt thêm bất cứ thứ gì, mà vẫn có thể thưởng thức những sản phẩm đa phương tiện một cách hoàn hảo nhất.
5. Để trở thành một nhà thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện
Như thế, nhà thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện phải là một người dung hòa được nhiều yếu tố đối nghịch như Nghệ thuật và Kỹ thuật, cảm xúc cá nhân và công nghệ hiện đại có tính chất cộng đồng.
Nhà thiết kế phải đa năng, hiểu biết rộng, nhưng đồng thời phải “sâu” trong lĩnh vực chính mà mình đang làm việc.
Điều quan trọng cuối cùng: nhà thiết kế là người không bao giờ được phép thỏa mãn. Khát khao vươn tới những chân trời mới với tâm thế rộng mở phải là tâm niệm của designer.
Ngày nào đó bạn thỏa mãn và cho rằng “đây là công trình để đời của mình”, ngày đó nhà thiết kế trong bạn đã “chết lâm sàng”.
Tìm hiểu thêm về các chuyên ngành đào tạo Lập trình và Thiết kế tại VTC Academy
Nguồn: Báo Khoa học Phổ thông