Bức tranh ngành nghề: Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay – Làm trái ngành của sinh viên Việt Nam
Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của các thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 được thống kê bởi Tổng cục thống kê trong “Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021” đang tăng 1.42 điểm phần trăm so với trước đây, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị cũng cao hơn đến 5.56 điểm so với khu vực nông thôn. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất cho tỷ lệ thất nghiệp này của các bạn trẻ đó là việc làm trái ngành.
Làm trái ngành là gì? Nguyên nhân dẫn đến việc làm trái ngành?
Làm trái ngành là một thuật ngữ chỉ những người đang làm những công việc không giống với chuyên ngành mà mình đã học. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành lên tới 60%. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tuyển dụng có nhiều xáo trộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, việc chọn được một vị trí công việc phù hợp, đúng theo chuyên ngành đào tạo càng trở nên nan giải. Vậy nguyên nhân gì khiến các bạn trẻ lại chọn một công việc khác với ngành học mà mình đã chọn?
Có thể nói, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc làm việc trái ngành là do nhu cầu về nhân lực ở một số ngành chỉ ở một mức độ nhất định nhưng mỗi năm các trường đào tạo các ngành này không ngừng cung cấp thêm nguồn nhân lực sau đại học. Dẫn đến việc có rất nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc vì không đủ nhu cầu và phải đi làm trái ngành. Trong bối cảnh hiện nay, nghề nghiệp ngày càng theo xu hướng đa lĩnh vực, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường làm được nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan đến từ chính các bạn sinh viên khi chọn lựa ngành học không phù hợp với bản thân dẫn đến chán nản vì công việc không đáp ứng được đam mê sở thích, không có động lực đến công ty. Ngoài ra các lý do thuộc về năng lực ngành nghề, nguyện vọng làm trái ngành, không thành công ở lĩnh vực chuyên ngành,… của sinh viên cũng góp phần đẩy số lượng sinh viên làm trái ngành sau đại học lên đến khoảng 60%.
Làm trái ngành sẽ mất gì?
Việc làm trái ngành có những lợi ích như được theo đuổi đam mê, học hỏi nhiều kiến thức mới, có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Nhưng bên cạnh đó làm việc trái ngành sẽ đem đến những khó khăn, khuyết điểm như sau:
- Tốn thời gian
Sinh viên dành từ 4 đến 6 năm học Đại học cho một chuyên ngành sau đó lại làm việc ở một lĩnh vực khác khiến quãng thời gian đó trở nên không hữu ích đối với công việc, ngoài ra còn tốn thêm thời gian học tập các kiến thức của chuyên ngành khác, các doanh nghiệp cũng tốn thêm thời gian đào tạo cho nhân viên. Làm trái ngành, đồng nghĩa với việc chúng ta phải bắt đầu một công việc hoàn toàn mới, chúng ta phải chấp nhận làm lại từ đầu và đi chậm hơn so với những bạn cùng trang lứa.
- Đánh mất lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển công việc
Khi tuyển dụng, các doanh nghiệp thường có xu hướng tìm ứng viên có chuyên ngành, kinh nghiệm đúng với công việc. Vì thế những người muốn làm trái ngành sẽ mất đi lợi thế rất lớn về kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm thực chiến so với những ứng viên khác. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng do không tìm được vị trí mình mong muốn khi làm trái ngành.
- Hiệu quả công việc ban đầu không cao
Người mới bắt đầu sẽ mang tâm lý chán nản khi phải tiếp xúc với quá nhiều điều mới mẻ, đòi hỏi sự học tập và trao dồi nghiêm túc. Cũng vì lý do thiếu kiến thức, hiệu quả công việc trong giai đoạn đầu cũng khó đạt được như mong đợi. Vì vậy họ phải cố gắng trau dồi kiến thức gấp 2,3 lần so với những đồng nghiệp khác.
Làm cách nào để tránh tình trạng làm trái ngành
Những sai lầm thường mắc phải khi chọn ngành, chọn nghề của các bạn học sinh, sinh viên hiện nay là chọn ngành theo cảm tính, không dựa trên những phương pháp khoa học logic nào. Phổ biến nhất có thể kể đến như chạy theo ngành hot, ngành lương cao hoặc nhiều hơn là nghe theo định hướng của bố mẹ mà không có chính kiến của bản thân. Những cách sau đây sẽ giúp ích cho học sinh, sinh viên trong việc chọn ngành nghề tương lai:
-Đầu tiên, các bạn phải thật sự thấu hiểu bản thân, hiểu được mình thích làm gì, điểm mạnh của mình là gì và mình có những năng lực gì có thể đáp ứng nhu cầu công việc mà mình thích. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, các bạn có thể tìm được câu trả lời về ngành nghề phù hợp cho bản thân. Các bạn có thể tìm hiểu tính cách, năng lực thông qua các bài trắc nghiệm tính cách, trắc nghiệm IQ,…
Xem các bài trắc nghiệm tính cách ở đây
-Việc tham gia các chương trình hướng nghiệp cũng rất bổ ích cho các bạn học sinh sinh viên khi chưa biết mình sẽ phù hợp với ngành nghề nào, những chương trình này sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về ngành nghề, nhu cầu cũng như các tố chất cần thiết khi làm việc, giúp các bạn có cái nhìn chi tiết hơn về ngành nghề mà mình muốn theo đuổi, làm việc.
– Ngoài ra cũng có những buổi tham quan trực tiếp trong các công ty, giúp bạn có những trải nghiệm chân thật về ngành nghề mà mình thích để đánh giá sự phù hợp của bản thân với công việc, đồng thời tạo cơ hội học tập, hình dung về môi trường học tập sắp tới.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên có cái nhìn chi tiết hơn về việc làm trái ngành cũng như có những phương pháp giúp các bạn định hướng đúng đắn hơn về ngành nghề mà mình lựa chọn học và làm trong tương lai.