Giải mã “cơn sốt” NFT khiến giới đầu tư điên đảo chi đậm
Thuật ngữ NFT đã xuất hiện từ năm 2014, nhưng phải đến năm 2021, chúng mới thật sự trở nên phổ biến. Cơn sốt NFT đã khiến nhiều nhà đầu tư mạnh tay bỏ ra hàng triệu USD để đầu cơ. Bước sang năm 2022 liệu thị trường NFT sẽ có những biến chuyển gì?
Cùng VTC Academy tìm hiểu thêm về xu hướng tiền tệ và công nghệ mới mẻ này trong bài viết dưới đây nhé!
NFT là gì?
NFT là một trong những từ khóa công nghệ hot nhất hiện nay. Thậm chí, nó đã vượt qua cụm từ rất phổ biến “COVID-19”, để trở thành từ khóa của năm 2021 theo bình chọn của Từ điển Collins.
Nhưng bạn đã thực sự hiểu NFT là gì chưa? Tại sao NFT lại có tiềm năng đến vậy? Có phải đầu tư NFT sẽ kiếm lời rất nhanh?
NFT (Non-Fungible Token – tạm dịch: tài sản không thể thay thế) là một loại tài sản số được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối – Blockchain,tương tự như Bitcoin hay Ethereum. Chuỗi số đóng vai trò như một sổ cái chung, cho phép mọi người xác minh tính xác thực của NFT lẫn chủ sở hữu.
Giá trị của NFT không nằm ở sản phẩm sưu tầm, mà là ở quyền sở hữu độc quyền của chúng, được đảm bảo và chứng nhận bởi Blockchain. Một người có thể tạo ra các NFT từ các sản phẩm kỹ thuật số và bán nó. Các hoạt động, giao dịch, chuyển nhượng đối với NFT đều được ghi lại trên một sổ cái công khai và phi tập trung. Bất kỳ ai cũng có thể xác minh, truy xuất nguồn gốc và quyền sở hữu của tài sản, nhờ đó tránh được việc làm nhái, làm giả, ăn cắp bản quyền.
Nó được hiểu như một loại tài sản số, chứ không phải là một tài sản vật lý có thể cầm nắm được, mà là một loại mã hóa để lưu trữ và giao dịch trên thế giới số.
Rất nhiều sản phẩm NFT đang được giao dịch với trị giá hàng triệu USD, chẳng hạn như Bức tranh ghép kỹ thuật số “Everydays: The First 5.000 Days” dưới dạng NFT của nghệ sĩ Beeple được bán với mức giá 69,3 triệu USD; một khu đất ảo “565 mét vuông” trên nền tảng Decentraland giao dịch với giá 2,43 triệu USD vào cuối tháng 11/2021; hay công ty Sky Mavis với tựa game NFT Axie Infinity đình đám toàn cầu đã trở thành kỳ lân số 3 của Việt Nam với định giá lên đến 3 tỷ USD chỉ sau hơn 3 năm thành lập.
Tiềm năng của thị trường NFT toàn cầu
NFT có tiềm năng vô hạn khi có thể tồn tại trong tất cả các kiểu vật thể số: hình ảnh, video, âm thanh, chữ viết hay thậm chí là một bài đăng Twitter. NFT còn có thể là những mảnh đất trong các môi trường thế giới ảo, là trang phục số hay quyền sử dụng ví tiền mã hóa độc quyền.
Theo công ty theo dõi thị trường DappRadar, đến nay doanh số bán NFT trong Quý III năm 2021 đã tăng lên 10,7 tỷ USD. Một số chuyên gia nhận định rằng sự bùng nổ của NFT trong thời gian ngắn là vì việc phong tỏa chống COVID-19 khiến mọi người dành nhiều thời gian ở nhà lướt mạng hơn. Sự nổi tiếng của các sản phẩm tương tự như tiền ảo cũng là một nguyên tố.
Thị trường NFT ngày càng trở nên hấp dẫn cùng với sự phát triển của công nghệ và sự phổ biến của khái niệm Vũ trụ ảo – Metaverse. Gần đây, tại Hội nghị Connect, Facebook (Meta) đã có đoạn video giới thiệu về Metaverse, trong đó nhắc đến NFT như một phần quan trọng của việc xây dựng vũ trụ ảo của họ.
Nhóm nhạc Kpop nổi tiếng toàn cầu BTS vừa công bố kế hoạch phát hành NFT của riêng họ. Theo đó, HYBE (công ty quản lý của BTS) sẽ phát hành thẻ ảnh của các thành viên dưới dạng NFT được bảo mật bằng blockchain, cũng như ra mắt truyện tranh, tiểu thuyết mạng và trò chơi điện tử liên quan đến BTS.
Blockchain và NFT đang tạo điều kiện cho những người sáng tạo nội dung cơ hội để kiếm tiền từ sản phẩm của họ, mà không phải qua bên thứ ba, nhờ đó, họ cũng trở nên “quyền lực” hơn với sản phẩm của mình. Đối với người mua, đây là cơ hội để họ có thể sưu tầm những sản phẩm độc đáo, giới hạn mà họ muốn. Người mua có toàn quyền sử dụng, khai thác nó, hoặc thậm chí là bán lại; khác với khi họ “mua” nhạc trên các nền tảng, họ chỉ được quyền thưởng thức chứ không thể bán hay chuyển nhượng.
Trong thời đại số và công nghệ càng ngày càng phát triển, những sản phẩm số như NFT chắc chắn là tất yếu. Tuy nhiên, cũng giống như các đồng tiền ảo khác, tương lai của NFT vẫn là vấn đề không thể nói trước. Tính hợp pháp của NFT khiến nhiều người băn khoăn bởi chúng giao dịch trên hệ thống blockchain của tiền ảo, vốn vẫn chưa được chấp nhận ở hầu hết các quốc gia. Việc không có cơ quan quản lý cũng khiến nó khó kiểm soát và nhiều rủi ro hơn. Bên cạnh đó, bất kì ai trên Internet đều có thể tạo ra NFT từ bất cứ thứ gì, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều token vô giá trị. Các tài sản NFT đang được định giá hoàn toàn chỉ dựa vào “niềm tin” chứ chưa có cơ chế nào phù hợp, cũng như không ai có thể đảm bảo rằng những đoạn mã token này sẽ tồn tại sau nhiều năm tới. Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc giá trị các NFT đang được “thổi” quá cao và cơn sốt NFT hiện tại chỉ như bong bóng đang chờ nổ.
Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề xoay quay NFT, nhưng với số người tham gia vào thị trường NFT ngày một lớn chính là tín hiệu đáng mừng rằngthị trường này sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa trong năm 2022.
Việc trang bị cho bản thân những kiến thức về NFT và tiền ảo là hoàn toàn cần thiết đối với các nhà kinh tế, chiến lực tương lai. VTC Academy mong rằng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về xu hướng công nghệ mới mẻ này và chuẩn bị cho mình hành trang hoàn chỉnh để tiến xa hơn trong sự nghiệp.