Dự án “Họa Sắc Việt”- Sự thăng hoa của bản sắc Việt trong thiết kế
Đứng trước nguy cơ mai một của tranh Hàng Trống, thật may mắn đã có một nhóm các bạn Designer trẻ cùng nhau tập hợp thành nhóm S-River để cùng nhau làm nên “Họa Sắc Việt” – Dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại.
Hành trình lưu giữ các giá trị truyền thống
Từ góc nhìn của người thiết kế, các thành viên nhóm chị Trang Trịnh cùng các cộng sự trong S-River đã nhìn ra tiềm năng ứng dụng rất lớn của tranh Hàng Trống nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung qua việc sưu tầm, phân tích, hệ thống thành một nguồn họa tiết và màu sắc phong phú dành cho giới thiết kế và mỹ thuật. Nếu là người làm thiết kế, hẳn bạn cũng cảm thấy rất khó khăn khi tìm kiếm những thông tin hay hình ảnh liên quan đến truyền thống Việt Nam hay không biết phải lấy cảm hứng từ đâu mới thể hiện được bản sắc dân tộc. Đây cũng chính là một trong những lý do để Họa Sắc Việt ra đời. Từ những tác phẩm tranh Hàng Trống đã sưu tầm, các tài liệu chuyên ngành, nhóm biên soạn S-River đã cùng nhau phân tích về họa tiết và màu sắc của dòng tranh, khái quát hóa thành phương pháp số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ.
Dịp Tết cận kề cũng là thời điểm mà các họa tiết truyền thống trở thành mục tiêu tìm kiếm “hot” hơn bao giờ hết. Với từ khóa “họa tiết Tết Nguyên Đán”, “hoa văn trang trí Tết”,… vào công cụ tìm kiếm Google với hàng trăm nghìn kết quả trả về, nhưng rồi bạn vẫn thấy thất vọng vì chẳng tìm thấy thứ gì thật sự gọi là “họa tiết truyền thống” để có thể sử dụng cho thiết kế cả. Còn khi cố gắng tìm kiếm bằng tiếng Anh với từ khóa như “lunar new year pattern” thì hầu như các kết quả trả về đều là “Chinese pattern” hoặc “Chinese vectors”.
Xem thêm bài viết: Ngôn ngữ Design: Bạn đang nói chuyện với ai?
Lan tỏa thông điệp gìn giữ các di sản văn hóa dân tộc
Ngắm nhìn mockup bao bì mứt Tết trên từ nhóm S-River, bạn cảm thấy thế nào? Những họa tiết và màu sắc được sử dụng bao gồm họa tiết nụ hoa trong bức Con nai (tranh Tết) kết hợp với họa tiết mây và búp lá non trong bức Hương chủ (tranh thờ) của tranh Hàng Trống. Bằng cách kết hợp các họa tiết có sẵn trong các bức tranh dân gian, nhóm S-River quả thật đã tạo ra một bao bì vô cùng ấn tượng và đẹp mắt. Quan trọng hơn hết, những mẫu thiết kế như thế hoàn toàn được tạo ra với nguyên liệu thuần Việt, thể hiện được nét độc đáo của mỹ thuật dân gian Việt Nam và không thể bị nhầm lẫn với họa tiết của Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác. Những giá trị truyền thống của Việt Nam về thẩm mỹ hay những giá trị về tinh thần sẽ được lưu truyền trong cuộc sống của người dân Việt Nam một cách tự nhiên và dung dị nhất.
Những điều trên càng chứng tỏ một thực tế đáng buồn là ngành thiết kế , mỹ thuật của nước ta đang rất thiếu những nguyên liệu truyền thống mang bản sắc Việt. Nhưng với Họa Sắc Việt có thể thực tế này sẽ tươi sáng hơn khi kho họa tiết và màu sắc vừa sống động vừa đa dạng từ tranh dân gian Việt Nam đang được hệ thống chi tiết để mọi người đều có thể sử dụng.
Kết:
Được biết Họa Sắc Việt là một dự án dài hơi với hy vọng sẽ tạo nên một bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết và màu sắc của văn hóa dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại. Tranh Hàng Trống là đối tượng đầu tiên nhóm S-River lựa chọn đề nghiên cứu. Với mục đích lưu giữ lại những nét đẹp về họa tiết và hoa văn truyền thống (cụ thể là từ tranh Hàng Trống), sau đó phát triển thành một cuốn sách trở thành một kho nguyên liệu cung cấp mẫu họa tiết ứng dụng cho mỹ thuật và thiết kế hiện đại, truyền cảm hứng ứng dụng đương đại từ văn hóa dân gian đến các bạn trẻ và người đọc.
(Nguồn: GRAPHICS)