Phát triển nghề nghiệp cho sinh viên tại trường Đại học
Trước tiên, VTC Academy xin nhóm các bạn sinh viên học Đại học vào 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất: Các bạn đã an tâm với ngành đang học. Nhóm thứ hai: Các bạn sinh viên thường có cảm nhận trung tính về ngành nghề đang học. Và nhóm thứ ba: Các bạn sinh viên có cảm nhận rằng mình đã chọn sai nghề học tại Đại học. Đối với trường hợp thứ ba, trong các trường Đại học của chúng ta chưa có những chương trình quan tâm và biện pháp xử lý thấu đáo cho các em. Chương trình phát triển nghề nghiệp cho sinh viên cần nhằm mục đích giúp cho sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Việc làm sau Đại học không nhất thiết phải trùng với ngành học trong Đại học. Trên thực tế, có rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã làm những nghề khác hẳn với chương trình đào tạo tại Đại học.
Xu hướng trên thế giới hướng tới đa ngành nghề nhằm giúp cho cá nhân tự thích nghi đáp ứng với những ngành mới hay những thay đổi trong những ngành hiện tại. Như vậy chương trình phát triển nghề nghiệp cần phải giúp cho sinh viên tiếp tục đánh giá lại những năng lực, tính cách, sở thích và đam mê ở bên trong mỗi cá nhân sinh viên và liên tục cho họ đánh giá lại những ngành nghề có phù hợp hay không.
Có rất nhiều sinh viên trong quá trình học phát hiện ra những ngành đang học không phù hợp với họ và mong muốn thay đổi, hoặc chí ít tự chuẩn bị thêm cho mình để chuyển sang một ngành khác sau khi tốt nghiệp. Các thầy cô giảng dạy hay cán bộ phụ trách tư vấn nghề nghiệp luôn thường xuyên nhận được những câu hỏi rằng em có nên chuyển nghề, hay em có nên thay đổi ngay khi các bạn đã học Đại học. Một chương trình phát triển nghề nghiệp đúng nghĩa sẽ giúp các em tự đánh giá và hoạch định kế hoạch nghề nghiệp cho mình.
Nói một cách khác, công tác hướng nghiệp một lần nữa cần phải thực hiện song song với quá trình học tập tại bậc Đại học. Các công cụ đánh giá năng lực, kỹ năng, tính cách và quan tâm nghề nghiệp, các thông tin về nghề nghiệp, các yếu tố thay đổi nghề nghiệp trong các ngành, dự báo về nguồn nhân lực cần phải liên tục được thông tin và truyền tải tới các bạn sinh viên. Các hoạt động này cũng rất cần thiết với bạn sinh viên thuộc nhóm hai khi chưa có hiểu biết về nghề đang học. Các chương trình này cần thực hiện trong năm thư 1 và 2, đặc biệt trong học kỳ đầu tiên của đại học khi các em mới thay đổi môi trường học.
Một điều quan trọng kể tiếp để giúp sinh viên có được nghề nghiệp ổn định sau khi đi làm đó là giải thích, hỗ trợ cho các em hiểu đúng về học Đại học như thế nào là hiệu quả. Các bạn sinh viên trẻ thường quan niệm học giỏi và đi làm là hai phạm trù không liên quan với nhau. Học lực rất quan trọng do học giỏi thì có thể không làm giỏi tuy nhiên học kém chắc chắn không làm tốt.
Quan trọng nhất trong quá trình học tập nghiêm túc, các bạn sinh viên rèn luyện năng lực tư duy, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, sáng tạo, chịu áp lực,… là những yếu tố quan trọng quyết định thành công sau khi đi làm. Ngoài ra, trình độ học vấn cũng là tấm vé để cho các bạn lọt khỏi vòng gửi xe – xét duyệt hồ sơ tại các doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường lao động. Các chương trình và hoạt động khuyến học cần thực hiện bởi khoa, đoàn thanh niên và các câu lạc bộ tại – trường Đại học sẽ giúp thúc đẩy học Đại học hiệu quả. Ngoài ra các chương trình thay đổi và phát triển nhận thức học Đại học cho đúng cũng nên thường xuyên tiến hành và duy trì.
Mục tiêu kế tiếp của chương trình phát triển nghề nghiệp đó là nhằm giúp cho các bạn sinh viên có được nền tảng chung của một người lao động chuyên nghiệp trong tương lai. Các hoạt động này chung cho cả ba đối tượng sinh viên nói trên vì ngành nào, nghề nào cũng cần có các nền tảng này. Các chương trình và hoạt động này nhằm giúp giải quyết các vấn đề chúng ta thường thấy doanh nghiệp trong và ngoài nước than phiền rất nhiều. Các vấn đề chung có thể tổng kết đó là:
1 – Kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp
2 – Tiếng Anh
3 – Tác phong và thái độ làm việc chuyên nghiệp
4 – Sáng tạo
5 – Tư duy hệ thống
6 – Khung năng lực
Bên cạnh đó, chương trình tiếp cận và tìm việc làm cho sinh viên là nhóm hoạt động cuối cùng trong chương trình phát triển nghề nghiệp. Trên thực tế, phòng quan hệ doanh nghiệp tại các trường đã thực hiện nhiều hoạt động trong chương trình này. Các hoạt động bao gồm: Giúp sinh viên tiếp cận công việc thực tế qua thăm quan, hội thảo từ phía công ty, các chương trình thực tập – kiến tập tại công ty, các hoạt động đào tạo phát triển các kỹ năng liên quan trực tiếp như viết CV, phỏng vấn, thử việc; các chương trình tư vấn và hỗ trợ. Các hoạt động này nên thực hiện sớm từ năm thứ 3 tới năm thứ 4 để giúp đỡ sinh viên một cách hiệu quả.
Trên đây là hệ thống các chương trình nhằm giúp các bạn sinh viên hiểu về việc làm, chuẩn bị bản thân cho việc làm và tích cực thực hiện tìm việc làm thành công mà VTC Academy muốn giới thiệu đến độc giả. Các trường Đại học cần tiếp cận giải quyết các chương trình việc làm sinh viên theo triết lý cộng hưởng. Cộng hưởng nội bộ giữa các khoa, phòng trong trường cùng nhau tạo nên một hệ thống hướng nghiệp và phát triển nghề nghiệp hiệu quả. Cộng hưởng bên ngoài với các doanh nghiệp, các hiệp hội, các chương trình hỗ trợ, các doanh nghiệp xã hội nhằm gia tăng giá trị cho các chương trình hướng nghiệp cho sinh viên,…