Những ngành nghề nào sẽ lên ngôi hậu đại dịch Covid-19?
Đại dịch Covid-19 có thể xem là một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như với từng cá nhân trong vai trò người lao động. Chuỗi bài “Câu chuyện nghề nghiệp nhìn từ bối cảnh đại dịch Covid-19” do chuyên gia Hướng nghiệp, Nghề nghiệp và Khởi nghiệp Vũ Tuấn Anh biên soạn sẽ cung cấp những thông tin cập nhật nhất về nghề nghiệp cùng những lời khuyên giá trị, xác đáng cho các bạn trẻ trong giai đoạn đầy khó khăn này.
Ở kỳ cuối, chuyên gia Vũ Tuấn Anh sẽ chia sẻ về các ngành nghề có cơ hội “lên ngôi” sau đại dịch Covid-19. Đây là cơ sở để các bạn học sinh, sinh viên có thêm những hiểu biết thiết thực về xu hướng nghề nghiệp tương lai.
Cũng giống như các cuộc khủng hoảng đã qua trong quá khứ, đại dịch Covid-19 sẽ tác động xấu tới một số ngành nghề và ngược lại, cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề khác. Trong rủi ro luôn luôn có cơ hội mới dành cho những ai có khả năng thay đổi để đáp ứng. Sau đây là những ngành mà tôi dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam hậu đại dịch Covid-19.
Y tế và chăm sóc sức khỏe: Dễ thấy ngành đầu tiên sẽ phát triển rất mạnh sau đại dịch chính là ngành y tế và các phân ngành có liên quan tới việc chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như y tế cộng đồng. Các lĩnh vực như dược phẩm, sản xuất trang thiết bị bảo hộ y tế cũng sẽ lên ngôi do nhu cầu trong nước cũng như trên thế giới. Công việc y tá, điều dưỡng, tư vấn sức khỏe cá nhân,… cũng sẽ cần đến rất nhiều nhân lực trong tương lai gần.
Lập trình và các ngành liên quan: Sau những tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dù ở quy mô lớn hay nhỏ đều đã nhận thức một cách sâu sắc về mối liên hệ mật thiết giữa khả năng hoạt động theo hình thức online trong mọi khía cạnh như vận hành, marketing, khả năng làm việc từ xa tại nhà,… với tỷ lệ “sống sót” của doanh nghiệp sau biến cố. Trong bối cảnh đó, mọi nhà quản lý đều mong muốn đẩy mạnh tiến trình số hóa (chuyển đổi số) cho doanh nghiệp của mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho nhu cầu nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình nói riêng tăng rất cao trong thời gian tới. Có thể khẳng định, sức nóng của ngành lập trình sẽ ngày càng tăng theo chiều hướng bền vững, bởi lẽ công cuộc số hóa không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của các chuyên viên lập trình. Mặt khác, chính phủ cũng sẽ có những giải pháp quyết liệt nhằm giảm bớt đội ngũ nhân lực cồng kềnh đang làm việc tại các cơ sở hành chính công. Một minh chứng rõ ràng của hướng đi này là việc thúc đẩy người dân sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia từ năm 2019. Điều này cũng kéo theo nhu cầu rất lớn về nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình nói riêng trong cả tương lai ngắn và dài hạn.
Tìm hiểu: Chương trình đào tạo các ngành Lập trình và Thiết kế tại VTC Academy
Game và giải trí trực tuyến: Đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy ngành giải trí trực tuyến khi tương tác trực tiếp giữa người với người bị giảm bớt do quá trình giãn cách xã hội. Minh chứng sống động của điều này chính là sự tăng vọt nhu cầu xem phim trên Netflix tại Việt Nam trong ba tháng vừa qua. Nhu cầu tương tác, chia sẻ và giải trí theo hình thức trực tuyến không những lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ mà còn ở mọi lứa tuổi, và chắc chắn nhu cầu này sẽ còn tăng cao ngay cả khi đại dịch đã kết thúc bởi đó là xu hướng tất yếu của thời đại số. Điều này sẽ góp phần tăng thêm sức hút cho ngành sản xuất game nói riêng và giải trí trực tuyến nói chung, trong bối cảnh Việt Nam hiện là điểm đến được yêu thích của không ít tập đoàn quốc tế chuyên về gia công sản xuất các tựa game và các bộ phim “bom tấn”.
Các ngành liên quan tới nhu cầu căn bản của con người: Các ngành liên quan tới những nhu cầu căn bản sẽ được các quốc gia thúc đẩy tự sản xuất sau đại dịch thay vì sử dụng giao thương quốc tế như trong quá khứ. Bài toán tự chủ các nhu cầu căn bản như lúa gạo, nhu yếu phẩm cho quốc gia sẽ được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, các ngành chế biến thực phẩm, sản xuất hàng gia dụng thiết yếu và các dịch vụ căn bản sẽ được nhà nước thúc đẩy sản xuất và triển khai ở trong nước, tránh phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Viễn thông và các ngành liên quan: Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của dịch vụ viễn thông, cụ thể là các hệ thống 5G. Các dịch vụ và giải pháp trên nền tảng 5G sẽ có nhu cầu rất cao trên toàn thế giới. Đây cũng chính là một lĩnh vực quan trọng, đòi hỏi lực lượng lao động trẻ có chuyên môn kỹ thuật cao của Việt Nam.
Các ngành tự động hóa và kỹ thuật chuyên sâu: Tất cả các ngành nghề và lĩnh vực đều đang chuyển mình để trở nên “thông minh” hơn. Do vậy, các ngành kỹ thuật chuyên sâu như kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, lập trình hệ thống nhúng, cơ khí động lực,… sẽ có nhu cầu cao trong tương lai đối với cả thị trường Việt Nam và quốc tế.
Các ngành liên quan tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Cuối cùng, các ngành có sức nóng rất lớn trong tương lai chính là các ngành nghề và lĩnh vực liên quan mật thiết tới cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, blockchain,… Nhân lực trong các lĩnh vực này sẽ luôn luôn thiếu trong ít nhất vài thập kỷ tới tại thị trường lao động Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Tìm hiểu: Các khóa học AI tại VTC Academy
Cách phân loại các ngành nghề “hot” nói trên nhằm truyền tải những thông tin cơ bản và dễ tiếp cận tới phụ huynh và các em học sinh. Trên thực tế, các vị trí công việc cụ thể có thể liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không bó hẹp trong một phạm vi đơn lẻ. Công việc nào càng liên quan tới nhiều ngành trong số các lĩnh vực nói trên thì nhu cầu lao động của thị trường sẽ càng cao và nhân lực làm việc trong lĩnh vực đó sẽ có mức thu nhập vượt trội. Ví dụ, một doanh nghiệp rất cần tuyển kỹ sư lập trình hệ thống nhúng ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các hệ thống robot kiểm soát tự động quá trình nuôi tôm thông qua hệ cơ sở dữ liệu lớn về tôm tại Việt Nam, thì chắc chắn công việc này sẽ có mức lương cao đặc biệt, vượt xa mức thu nhập trung bình của thị trường lao động. Càng sở hữu nhiều tri thức trong các lĩnh vực “hot”, các em càng dễ dàng tìm thấy các cơ hội việc làm tốt để phát triển một sự nghiệp bền vững cùng thu nhập vượt trội trong tương lai.
Tác giả: ThS. Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia nghề nghiệp, hướng nghiệp và khởi nghiệp