Negative Space: Thông điệp từ những khoảng trống | VTC Academy
VTC Academy VTC Academy
Negative Space: Thông điệp từ những khoảng trống

Negative Space: Thông điệp từ những khoảng trống

Ngày đăng 30/06/2021

Không gian âm (Negative Space) không chỉ là một yếu tố được sử dụng trong bố cục để tạo ra nhịp nghỉ trong thị giác, nó còn có thể được áp dụng trong thiết kế nhận diện thương hiệu để nâng tầm ý nghĩa của logo. Việc sử dụng những không gian trống đấy một cách thông minh chính là trọng tâm của phong cách thiết kế logo negative space (logo âm bản).

Từ những điển hình như logo của FedEx, World Wildlife Fund (WWF) hoặc USA Network, chúng ta có thể phân tích chúng và tìm hiểu kỹ hơn ứng dụng của như phương pháp để tự tạo ra một logo âm bản cho riêng mình.

Khái niệm về không gian âm

Hiểu một cách đơn giản, không gian âm (Negative Space) là phần khoảng trống bao quanh hoặc xen giữa các chi tiết trong một thiết kế, và đồng thời bản thân khoảng trống đó cũng cấu thành nên một chi tiết hình ảnh khác có liên quan. Thuật ngữ “Negative Space” trong âm nhạc thường được hiểu là một khoảng lặng mà không chứa âm thanh, và vai trò của nó là để tạo nhịp nghỉ của bản nhạc hoặc xây dựng sự hồi hộp cho người xem.

Trong thiết kế, vai trò của Negative Space cũng gần tương tự như vậy. Thay vì chèn nhiều chi tiết thiết kế khác vào với nhau, không gian âm bàn tận dụng phân không gian trống để lồng ghép những nội dung bổ sung vào trong cùng một biểu tượng. Phương pháp này vừa bảo đảm được sự đơn giản cho thiết kế lại vừa khiến cho nó trở nên đáng nhớ và độc đáo hơn . Không gian âm có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng hiệu quả nhất vẫn là trong các sản phẩm logo và nhận diện thương hiệu.

Phân loại logo âm bản

1. Logo âm bản khép kín

Não bộ con người có một bản năng là luôn luôn cố gắng hàn gắn lại các khoảng trống và xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh chỉ từ những mảnh ghép. Một logo âm bản khép kín tận dụng triệt để thói quen này và lược bỏ những chi tiết giới hạn hình khối, chỉ để lại phần không gian trống và cho người xem tự kết nối những mảng màu còn lại thành một hình hoàn thiện. Thông thường, những logo khép kín thường chỉ thể hiện một ý nghĩa và hình ảnh duy nhất, và vì thế mặc dù cũng có nét độc đáo riêng, chúng thường không để lại ấn tượng sâu sắc hơn những logo thiết kế thông thường là mấy.

Xem thêm bài viết: Những quy luật căn bản về hình khối trong thiết kế

Logo của World Wildlife Fund là một ví dụ nổi bật của loại logo này. Chúng ta luôn nhận được những đường cong tạo nên phần thân và đầu của linh vật gấu trúc mặc dù chúng không thực chất được đưa vào trong thiết kế. Logo của công ty truyền hình USA cũng được xây dựng theo phong cách này, nhưng là áp dụng cho chữ. Chữ “S” cũng không thực sự có mặt trong logo này. Nhưng nhờ thói quen tự động kết nối hình mà chúng ta vẫn nhìn ra được kí tự đấy.

2. Logo âm bản lồng ghép

Loại logo âm bản này phức tạp và cần nhiều sự sáng tạo hơn là logo âm bản khép kín, nhưng vì thế mà sản phẩm đưa ra cũng để lại ấn tượng sâu sắc hơn. Phương pháp này tận dụng những khoảng trống đã tồn tại sẵn từ một hình ảnh ban đầu và tìm cách ghép một hình ảnh liên quan khác vào trong đó. Khó khăn ở đây là làm thế nào để có thể chọn được những hình ảnh phù hợp để lồng ghép vào với nhau một cách trơn tru và ăn ý.

Điển hình nhất không thể không kể đến logo của FedEx, với cách lồng ghép hình ảnh cực kì đơn giản nhưng lại cực kỳ thông minh. Chiến thắng hơn 40 giải thưởng thiết kế khác nhau chỉ bằng cách đơn giản là đặt chữ “E” và chữ “x” vào sát nhau hơn, FedEx đã ẩn đi hình mũi tên đại diện cho mục tiêu và tốc độ phát triển của mình vào ngay giữa một logo tưởng chừng như rất nhàm chán và vô nghĩa. Logo cho sở thú VinPearl Safari được thiết kế bởi Bratus Agency thậm chí còn cùng một lúc giấu được tận 4 hình ảnh khác nhau vào trong cùng một logo âm bản. Ngoài hình khối chung của logo được thiết kế trông giống hình dáng của hòn đảo Phú Quốc và biểu tượng địa điểm, phần không gian trong của logo còn chính là logo của tập đoàn VinGroup.

Cách thiết kế logo âm bản khép kín

Cách dễ dàng nhất để thiết kế kiểu logo này là quy định rõ ràng vai trò của hai chi tiết trong logo, một chi tiết sẽ được thể hiện bởi không gian dương, chi tiết còn lại sẽ được thể hiện bởi không gian âm. Khi đặt chúng vào cùng với nhau, chúng ta sẽ nhận được kết quả là một logo âm bản.

Khi áp dụng phương thức trên, người thiết kế nên lưu ý để cho phần không gian dương được nằm bao quanh phần không gian âm, ở hai hoặc ba phía, để đảm bảo người xem có đủ dữ kiện để có thể tự hoàn thiện lại bức tranh bị bỏ dở.

Riêng đối với các logo áp dụng hiệu ứng âm bản khép kín cho chữ, việc thiết kế thậm chí còn dễ dàng hơn. Cách thức thông thường nhất là lựa chọn một hoặc một số ký tự để biến thành không gian âm và đặt đè chúng lên những kí tự còn lại. Tuy nhiên, hiệu ứng này vì có thể được áp dụng rất nhanh chóng nên thường không tạo được sự độc đáo, và mức độ thành công còn phụ thuộc khá lớn vào việc lựa chọn font và chữ cái.

Cách thiết kế logo âm bản lồng ghép

Để thiết kế một logo theo phong cách này, người thiết kế cần phải có một bộ não sáng tạo tốt để có thể phát hiện và tư duy ra được mối liên hệ giữa hình dạng của các yếu tố khác nhau. Thao tác đầu tiên trong quá trình làm logo âm bản lồng ghép luôn luôn phải là nghiên cứu và quan sát các hình ảnh sẽ xuất hiện trong logo, đặc biệt tập trung vào những phần không gian trống và từ đó khám phá xem những khoảng không đó sẽ cho phép ta chèn thêm hình ảnh gì khác vào. Khi đã có ý tưởng rồi thì việc cần làm chỉ đơn giản là phác thảo và thử nghiệm với các tạo hình khác nhau cho logo trông tự nhiên nhất có thể nhưng vẫn đủ rõ ràng để làm nổi bật hình ảnh được ẩn trong không gian âm lên.

Thông thường, cách tiếp cận này sẽ thu được kết quả dễ dàng hơn nếu yếu tố ở trong không gian dương là chữ, bởi thông thường cấu tạo và hình dạng của các con chữ thường cố định và giống nhau, đặc biệt là với loại font sans – serif. Vì vậy, thao tác phác thảo và thử nghiệm thường không mất quá nhiều thời gian, người thiết kế không phải thay đổi lựa chọn tạo hình cho không gian dương quá nhiều, và kết quả đưa ra cũng thường tự nhiên hơn. Nhìn chung, việc thiết kế logo âm bản lồng ghép có thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý tưởng và khả năng sáng tạo của người làm ra chúng.

Xem thêm bài viết: Nghệ thuật tạo hình từ những con chữ

Ưu điểm và nhược điểm của logo âm bản

1. Ưu điểm

Một trong những thế mạnh lớn nhất của các logo sử dụng không gian âm để truyền tải hình ảnh là chúng rất khiêm tốn về tạo hình nhưng lại vẫn có một phong cách khác biệt. Thông thường, một Designer rất dễ gặp khó khăn trong việc cần bằng sự đơn giản của một logo với sự độc đáo, nhưng nếu một logo âm bản được triển khai tốt với ý tưởng rõ ràng, việc này sẽ được hoàn thành một cách nhanh chóng. Mấu chốt nằm ở việc các logo âm bản không hề phụ thuộc vào các yếu tố trang trí màu mè để tạo điểm nhấn riêng mà chúng tận dụng ngay cả không gian bao quanh để để lại ấn tượng cho người nhìn.

Đồng thời, chính sự ấn tượng đó giúp gắn kết người sử dụng với thương hiệu. Các logo âm bản dường như luôn mời gọi người quan sát phải tìm hiểu và phân tích ý nghĩa của logo để khám phá ra được thông điệp bí mật đã được giấu bên trong những khối hình có vẻ như bộc trực. Thay vì chỉ nhìn thoáng qua và bỏ quên hoàn toàn, giờ đây khách hàng đã dành thời gian nghiên cứu về hình ảnh đại diện của thương hiệu, vô hình chung xây dựng trong trí nhớ một mối hàn với sản phẩm mà logo được đặt lên trên.

2. Nhược điểm

Logo âm bản là một kĩ thuật thiết kế logo ấn tượng, thú vị và đầy thử thách, nhưng đôi khi thời gian để thực hiện một logo âm bản lại là khoảng thời gian phù hợp hơn để thiết kế một logo phong cách khác có thể hoàn thành nhiệm vụ của nó một cách tốt hơn. Có nhiều cách khác nhau để lồng ghép nhiều hình ảnh vào cùng một thiết kế, và việc sử dụng không gian âm, nếu thành công sẽ rất thành công, nhưng nếu thất bại thì là một sự lãng phí thời gian lớn. Đây chính là rủi ro luôn luôn đi kèm khi chúng ta dự định sẽ thiết kế một logo âm bản. Không phải sản phẩm nào cũng cần có một hình ảnh đại diện với ý tưởng vĩ đại và tạo hình không thể bắt chước được. Việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn cố gắng thiết kế logo theo phong cách này cũng chính là một thử thách mà các Designer phải dành thời gian suy nghĩ.

Kết

Các logo âm bản không thành công nhìn chung đều hay gặp khó khăn ở việc lồng ghép không gian âm vào một cách trơn tru và tự nhiên. Chắc chắn hình mũi tên không được đưa vào logo FedEx chi bởi vì trông nó hay ho và đương nhiên cũng phải bởi vì vô tình mà nó có mặt trong đầy. Tất cả các hình ảnh xuất hiện đều phải liên quan trực tiếp đến thương hiệu và những giá trị mà thương hiệu đó thể hiện. Một logo âm bản chỉ thực sự thành công khi chúng được thiết kế có chủ ý rõ ràng và nhấn mạnh thêm ý nghĩa và thông điệp mà logo cần phải truyền tải. Nói ngắn gọn, một logo âm bản tốt trước hết cần phải là một logo tốt đã.

(Nguồn: GRAPHICS)

| Tags |

Bài viết khác
Câu chuyện tâm lý học trong ngành sáng tạo

Câu chuyện tâm lý học trong ngành sáng tạo

Ngày đăng 30/06/2021
Rất nhiều cái tên mà tôi sắp đề cập tới đây sẽ vô cùng quen thuộc đối với các bạn dù đang làm nghệ thuật hay những lĩnh vực khác liên quan đến sáng tạo và truyền thông, như Robin Williams, Marilyn Monroe, Choi Jin Sil, Agatha Christie, Beethoven, Vincent van Gogh, Chester Bennington, Park Yong Ha, Amy Winehouse, Kim Jong Hyun, Kurt Cobain, Chris Cornell, Kimi Qiao Renliang, Sylvia Plath, Virginia Woolf Edvard Munch, Anne Sexton... Điều đáng buồn ở đây, họ chỉ là một phần nhỏ trong số nhiều những người nghệ sĩ nổi tiếng đã qua đời vì những căn bệnh tâm lý.
Dự án

Dự án "Họa Sắc Việt"- Sự thăng hoa của bản sắc Việt trong thiết kế

Ngày đăng 26/06/2021
Đứng trước nguy cơ mai một của tranh Hàng Trống, thật may mắn đã có một nhóm các bạn Designer trẻ cùng nhau tập hợp thành nhóm S-River để cùng nhau làm nên “Họa Sắc Việt” - Dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại.
Sự kiện mới nhất
Lễ Tốt Nghiệp VTC Academy TP.HCM: Khởi đầu hành trình vươn xa

Lễ Tốt Nghiệp VTC Academy TP.HCM: Khởi đầu hành trình vươn xa

08:30 - 11:00, Thứ 6, ngày 10/01/2025
TP. Hồ Chí Minh
Miễn phí
VTC Academy vinh dự là Nhà tài trợ địa điểm tại Giải đấu game Espring 2025

VTC Academy vinh dự là Nhà tài trợ địa điểm tại Giải đấu game Espring 2025

08:30 - 11:30, Thứ 7, ngày 04/01/2025
TP. Hồ Chí Minh
Miễn phí
Bài viết khác
Câu chuyện tâm lý học trong ngành sáng tạo

Câu chuyện tâm lý học trong ngành sáng tạo

Ngày đăng 30/06/2021
Rất nhiều cái tên mà tôi sắp đề cập tới đây sẽ vô cùng quen thuộc đối với các bạn dù đang làm nghệ thuật hay những lĩnh vực khác liên quan đến sáng tạo và truyền thông, như Robin Williams, Marilyn Monroe, Choi Jin Sil, Agatha Christie, Beethoven, Vincent van Gogh, Chester Bennington, Park Yong Ha, Amy Winehouse, Kim Jong Hyun, Kurt Cobain, Chris Cornell, Kimi Qiao Renliang, Sylvia Plath, Virginia Woolf Edvard Munch, Anne Sexton... Điều đáng buồn ở đây, họ chỉ là một phần nhỏ trong số nhiều những người nghệ sĩ nổi tiếng đã qua đời vì những căn bệnh tâm lý.
Dự án

Dự án "Họa Sắc Việt"- Sự thăng hoa của bản sắc Việt trong thiết kế

Ngày đăng 26/06/2021
Đứng trước nguy cơ mai một của tranh Hàng Trống, thật may mắn đã có một nhóm các bạn Designer trẻ cùng nhau tập hợp thành nhóm S-River để cùng nhau làm nên “Họa Sắc Việt” - Dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại.

Liên hệ với VTC Academy

    Tôi đã đọc và đồng ý với Điều khoảnChính sách bảo mật của VTC Academy.

  • Hà Nội: 0981 114 757
  • Đà Nẵng: 0865 098 399
  • Hồ Chí Minh: 0818 799 299