Thế nào là một ấn phẩm mang phong cách thiết kế tối giản?
Một quyển tạp chí thực chất chỉ dài 2 trang nhưng nhờ sức mạnh kỳ diệu của thiết kế và một cái tôi nghệ thuật cứng đầu, đã dài tận 6 trang và bạn vừa trả 150.000đ để được đọc chúng.
Cứ giả sử giá tiền in một trang giấy là 1.000đ, cuốn tạp chí này đã làm phí của bạn tận 4.000đ. Và nếu cuốn tạp chí này may mắn bán được tận 500 cuốn, thì số tiến lãng phí của bạn đọc là 2.000.000 đồng. Nếu bán được 1000 cuốn thị số tiền lãng phí là 4.000.000 đồng. Và 5.000 cuốn thì số tiền lãng phí là 20.000.000 đồng. Con số này quả thật vô cùng vĩ đại, và chắc chắn bạn sẽ còn cảm thấy choáng váng hơn khi nhận ra rằng: Có những trang giấy được tận dụng hoàn toàn sự lãng phí để có thể đạt được một chuẩn mực mang tên “tối giản”.
Sự tối giản mang tới những giá trị riêng của nó, cảm giác dễ chịu và an toàn cho người xem. Một thiết kế tối giản và tinh tế cũng giống như một bài tập yoga cho mắt vậy, nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, tự do những quy củ. Thay vì bất người xem phải nhào lộn thị giác của họ chỉ để tìm được những thông tin quan trọng trong một đại tiệc các chi tiết thiết kế khác nhau, các thiết kế tối giản lại giúp bản chất của thông điệp được truyền tải dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ngành thiết kế gần như lúc nào cũng rơi vào tình trạng lạm dụng một phong cách cho tới khi nó thấm sâu vào mặt bằng chung tới mức không thể tách ra được. Và bất kỳ thiết kế nào cũng sẽ trở thành thảm họa nếu chúng được đẩy tới mức cực đoan và phong cách thiết kế tối giản cũng vậy! Vậy nên được áp dụng đúng với một liều lượng hợp lý và mục tiêu rõ ràng, sẽ trở thành phong cách thiết kế vô cùng hiệu quả và thu hút; và ngược lại. Trên các website, logo, bộ nhận diện, tạp chí, sách, poster, tranh vẽ, bao bì, giao diện người dùng,… đều có thể tìm thấy sự hiện diện của phong cách thiết kế tối giản. Với một số lượng những thiết kế được áp dụng lớn đến đau đầu, có thể xem là một điều kì diệu khi đại đa số mọi người vẫn chưa hoàn toàn phát ngán với những quyển tạp chí lối sống trắng tinh từ trang bìa trước đến trang bìa sau. Hoặc với một vài bức ảnh khổng lồ với tông màu trắng, hay xám làm chủ đạo.
Xem thêm bài viết: Xu hướng sử dụng hình học đơn giản trong thiết kế logo
Trong số những tác phẩm tối giản có một số được khởi nguồn từ những phân tích giàu tính tâm đắc của người thiết kế, nhưng cũng rất nhiều sản phẩm sinh ra từ việc nhìn và bắt chước theo. Điều buồn cười nhất lại nằm ở thực tế rằng, những sản phẩm tối giản, sau khi đã bị lược bỏ đi có khi phải tới 50 % nội dung, lại thường có giá trị đắt hơn. Phong cách tối giản đã tiến hóa tới một mức mà nó được sử dụng như một cách thể hiện bản thân, với tuyên ngôn tư duy tiết kiệm đầy hiện đại, trong khi thực tế nó còn lãng phí hơn. Hãy thử so sánh chiếc điện thoại tối giản mang tên Light Phone với một chiếc Nokia 1280. Cả hai đều được thiết kế với mục tiêu chính là chỉ để liên lạc. Chiếc Nokia chạy được 528 tiếng liên tiếp, tức 22 ngày, còn chiếc Light Phone chạy được tối đa 3 ngày. Với giá trị chênh lệch khá cao, một chiếc trị giá chưa tới 200 nghìn, còn chiếc còn lại có giá là 3 triệu rưỡi. Nhưng tại sao lại có người muốn chi tiêu hơn gấp 18 lần trong khi nó cũng không khác biệt gì mấy về chức năng? Câu trả lời chính là hình thức của chúng. Bằng cách đầu tư vào một chiếc Light Phone, bạn vẫn có thể khoe với tất cả mọi người là bạn yêu sự đơn giản, nhưng bạn không thể nghèo. Việc này cho thấy, các thiết kế theo phong cách tối giản dần dần không còn được sử dụng với tư cách là một phong cách thiết kế có chủ đích, mà giờ đây đã chỉ còn là một cách để quảng cáo về bản thân.
Nếu bạn đã lỡ yêu phong cách này thì cũng đừng hiểu lầm vì bản thân vì bản thân chúng không có lỗi gì cả, nhưng cách mà chúng được áp dụng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những gì đặc sắc nhất, cá tính nhất đều bị xén đi khỏi bức tranh, chỉ để lại một tờ giấy gần như trắng tinh, với lời phân trần rằng nó sẽ tiết kiệm mực in. Nhưng bằng cách nào đó vẫn được bán với giá đắt gấp rưỡi bình thường. Mọi người thường hiểu sai về phong cách này cũng nằm ở việc nó quá dễ dãi với tất cả những ai muốn thử nghiệm, đặc biệt là những người mà chăm chút nhiều thời gian cho cải tôi nghệ thuật của họ hơn là cho tính ứng dụng thực tế của sản phẩm mà họ làm ra.
Xem thêm bài viết: Maximalism – Nghệ thuật tối đa giữa một thế giới chuộng sự tối giản
Cũng có một chút gì đó mỉa mai trong sự hiện diện khắp mọi nơi của các thiết kế theo phong cách tối giản. Đối với một phong cách kêu gọi sự giản dị và chất phác, thì hình ảnh mà nó thể hiện lại càng ngày càng phô trương. Thậm chí vì chính việc lạm dụng phong cách này lại càng làm lộ ra bản chất cá nhân người thiết kế cũng không có gì đặc sắc, bởi lẽ phong cách này ai cũng dùng rồi, còn sản phẩm thì không hề có cá tính. Hy vọng trong tương lai gần, phong cách tối giản có thể quay trở lại vị trí ban đầu của nó, với tư cách đơn thuần là một trong hàng trăm phong cách thiết kế khác có mục đích rõ ràng, chứ không còn bị sử dụng như một thông báo tới mọi người rằng tác giả của nó rất đặc biệt.
(Nguồn: GRAPHICS)