Outbound Marketing là gì? Lý giải nguyên nhân Outbound Marketing không còn được ưa chuộng
Khi nhắc đến Marketing, doanh nghiệp có thể thực hiện theo nhiều hướng khác nhau tùy thuộc vào loại hình kinh doanh và chiến lược dự định triển khai. Trong đó, Outbound Marketing là một trong những loại hình phổ biến nhất và đã được sử dụng từ lâu. Một cuộc gọi tư vấn sản phẩm/ dịch vụ bất ngờ, một video quảng cáo được phát giữa giờ nghỉ giải lao của trận bóng đá bạn xem trên TV hay một chiếc biển quảng cáo ngay ngã tư là những ví dụ vô cùng điển hình của Outbound Marketing. Dù được sử dụng rộng rãi, thế nhưng trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão và xu hướng người tiêu dùng thay đổi, loại hình Marketing này đã không còn là sự lựa chọn hàng đầu của các Marketer. Vậy ý nghĩa thực sự của Outbound Marketing là gì và lý do khiến loại hình này “thất sủng”? Hãy cùng VTC Academy tìm hiểu ngay sau đây.
Outbound Marketing là gì?
Khái niệm
Outbound Marketing là loại hình tiếp thị mà ở đó doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng thông qua việc làm gián đoạn dòng hoạt động của họ và khiến họ quan tâm đến thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải. Bởi đặc điểm “đánh cắp” sự chú ý của người tiêu dùng và khiến họ chuyển sự quan tâm từ hoạt động đang làm sang sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp mà loại hình Marketing này còn được gọi là tiếp thị gián đoạn.
Outbound Marketing bao gồm các chiến lược và kỹ thuật Marketing khác nhau như quảng cáo truyền thống, quảng cáo kỹ thuật số (Facebook Ads, Google Ads,…), triển lãm thương mại và gửi thư trực tiếp,… Thay vì để khách hàng tự tìm đến thương hiệu, lối Marketing này chủ động tiếp cận với mục tiêu khiến họ nhìn thấy, chú ý và nhận biết.
Ví dụ về Outbound Marketing
Để dễ hình dung câu trả lời cho thắc mắc: “Outbound Marketing là gì?”, bạn có thể xem qua ví dụ như sau về hành trình Outbound Marketing tiếp cận khách hàng.
Bạn đang lái xe trên đường và vô tình thấy một biển quảng cáo thương hiệu đồ uống được đặt tại ngã tư. Giữa cái nắng oi bức và còn tận hơn 20 giây chờ đèn đỏ, có thể bạn sẽ nghĩ rằng: “Uống một ly trà sữa mát lạnh lúc này cũng không phải ý tồi.” Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua và bạn giữ nó trong đầu.
Vài ngày sau, khi đang xem một bộ phim truyền hình yêu thích, quảng cáo thương hiệu đồ uống đó lại xuất hiện. Một lần nữa, bạn suy nghĩ về việc có nên uống một ly trà sữa mát lạnh, nhưng cũng quên mất khi quảng cáo kết thúc và bộ phim được tiếp tục.
Vài tuần sau, bạn nhận được tin nhắn thương hiệu đó đang có chương trình mua 1 tặng 1. Cũng thật trùng hợp, bạn đang muốn đi uống gì đó với đồng nghiệp. Và cuối cùng bạn đã quyết định mua một ly trà sữa mà trước đó từng nghĩ đến.
Nếu không có quảng cáo nào đề cập đến hình ảnh hấp dẫn của ly trà sữa, dĩ nhiên khách hàng chắc chắn sẽ không muốn mua ngay lập tức. Và việc quảng cáo của một thương hiệu nhất định xuất hiện liên tục trong cuộc sống thường ngày đã khiến họ chuyển sự chú ý đến một nhu cầu mà có lẽ ban đầu họ không nghĩ đến.
Xem thêm: Hành trình khách là gì và các mô hình phổ biến
Ưu điểm và nhược điểm của Outbound Marketing
Tùy thuộc vào cách doanh nghiệp triển khai mà Outbound Marketing có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp đó. Hiểu rõ những ưu và nhược điểm của loại hình Marketing này cũng là cách giúp bạn sử dụng Outbound Marketing một cách hiệu quả, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ.
Ưu điểm
Outbound Marketing là một loại chiến lược Marketing chủ động, trong đó công ty gửi thông điệp của họ đến đối tượng mục tiêu bằng cách sử dụng các phương tiện như quảng cáo, gọi điện, gửi thư hoặc gửi sản phẩm miễn phí. Đây là một trong những loại hình Marketing phổ biến nhất và có một số ưu điểm như sau:
- Tập trung vào mục tiêu cụ thể: Outbound Marketing cho phép doanh nghiệp tập trung vào mục tiêu cụ thể, giúp tìm kiếm đối tượng khách hàng tiềm năng và gửi thông điệp phù hợp đến họ.
- Khả năng phủ sóng rộng rãi: Theo Forbes, vào năm 2017 các chuyên gia Digital Marketing đã ước tính rằng trung bình một người tiếp xúc với khoảng 4.000 – 10.000 quảng cáo mỗi ngày. Trong đó phần lớn đến từ các kênh Outbound Marketing như quảng cáo truyền hình, banner ngoài trời và trên Internet, Cold Emails và Cold Calls… Ví dụ với các banner ngoài trời, hầu hết chúng ta thường thấy chúng xuất hiện ở những nơi có lưu lượng người qua lại tương đối cao, lên đến trăm nghìn người mỗi ngày. Hay với các cuộc gọi, email ngẫu nhiên có thể được chủ động gửi đến bất kỳ người nào, không giới hạn số lượng.
- Hiệu quả cao: Với việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiệu quả, Outbound Marketing có thể giúp doanh nghiệp tạo ra một sự hiện diện mạnh mẽ và thu hút sự chú ý từ khách hàng.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm được liệt kê, Outbound Marketing cũng có một số nhược điểm chính sau đây:
- Chi phí cao: Outbound Marketing thường yêu cầu một kế hoạch với mức chi phí lớn để thu hút khách hàng và tạo ra các hoạt động Marketing.
- Tạo ra áp lực: Outbound Marketing tạo ra áp lực cho khách hàng khi phải nhận liên tục những thông tin quảng cáo không mong muốn, dễ khiến họ cảm thấy phiền hà và khó chịu.
- Tỷ lệ chuyển đổi thấp: Dựa trên sự tiêu cực của một số người dùng với Outbound Marketing, tỷ lệ chuyển đổi của hoạt động này có thể rất thấp so với những kế hoạch Marketing khác.
- Tương tác một chiều: Nhược điểm lớn nhất của Outbound Marketing là chỉ tương tác một chiều, chủ động mang thông điệp đến khách hàng nhưng không thể nhận lại ý kiến, quan điểm của họ. Từ đó khó có thể tìm hiểu và cập nhật thông tin về sở thích, nhu cầu và đánh giá từ người tiêu dùng.
Nguyên nhân khiến Outbound Marketing không còn là sự lựa chọn hàng đầu của các Marketers
Tính đến tháng 9 năm 2022, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới với con số hơn 72 triệu người sử dụng Internet. Theo ông Phạm Đức Long – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tuy Việt Nam bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu, thế nhưng, nước ta đã vươn lên bắt kịp và đi cùng với các quốc gia khác. Việt Nam được đánh giá là một nước mạnh về viễn thông – Internet với công nghệ hiện đại và mức phổ cập Internet cao.
Dựa trên sự phổ biến của Internet, có thể thấy cách chúng ta tương tác với thương hiệu đã dần thay đổi và hành vi của người tiêu dùng theo đó trở nên chủ động hơn. Họ không còn muốn tiếp nhận thông tin một chiều từ thương hiệu, có thể kể đến các hình thức truyền thống thường được sử dụng như: TVC (Television Commercial), Banner quảng cáo, Radio,… Chính vì lẽ đó, Outbound Marketing đã dần mất đi vị thế vốn có. Thay vào đó là một phương thức tiếp thị mới – Inbound Marketing – có thể cung cấp thông tin hữu ích và mang tính giải trí, tạo sự thích thú với người xem, khách hàng có thể tương tác với thương hiệu và thúc đẩy họ mua hàng.
Sự nở rộ của các trang mạng xã hội, diễn đàn, hội nhóm đi cùng với lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày, người tiêu dùng có thể tự do chia sẻ bất kỳ câu chuyện, kiến thức hay trải nghiệm nào mà họ muốn. Do đó, khách hàng nhận thức được họ có nhiều sự lựa chọn hơn trước. Họ có thể tìm hiểu, tra cứu thông tin sản phẩm/ dịch vụ hay thương hiệu, tham khảo đánh giá từ những người đã sử dụng trước đó trước khi đi đến quyết định chi tiền cho sản phẩm/ dịch vụ. Việc doanh nghiệp tiếp tục duy trì các hoạt động Outbound Marketing sẽ trở nên vô nghĩa khi không có cơ sở thuyết phục khách hàng tin tưởng lựa chọn, họ bị động tiếp nhận những thông tin thương hiệu muốn truyền tải và dĩ nhiên không một thương hiệu nào muốn lan truyền những nhược điểm mà sản phẩm mình mắc phải.
Ngoài ra, không thể phủ nhận chi phí bỏ ra cho Outbound Marketing không hề nhỏ. Giữa tổ chức hội nghị chuyên đề/ triển lãm truyền thống và các công cụ tìm kiếm, trang tin tức, mạng xã hội,… rõ ràng lựa chọn thứ hai ít tốn kém hơn. Một quảng cáo TVC hay một biển quảng cáo ngoài trời đều bị giới hạn thời gian triển khai, thế nhưng những nội dung bạn đăng tải trên fanpage và website thương hiệu không bao giờ biến mất, trừ khi chúng bị xóa. Đây cũng chính là một trong những ưu thế giúp tiết kiệm ngân sách khi doanh nghiệp sử dụng Inbound Marketing.
Sẽ ra sao nếu khách hàng áp dụng chức năng “chặn tin nhắn rác” trên điện thoại, những chiếc email quảng cáo bị cho vào mục spam và những tờ rơi không bao giờ được mở ra đọc? Bởi công nghệ phát triển tạo ra những tính năng hỗ trợ người tiêu dùng chọn lọc thông tin hữu ích, các hình thức Outbound Marketing như gửi email, gửi thư trực tiếp hay gửi tin nhắn qua điện thoại đã không còn hiệu quả. Điều này không có nghĩa Outbound Marketing hoàn toàn biến mất, các Marketers nên linh hoạt lựa chọn và kết hợp các phương pháp phù hợp nhất.
4 cách sử dụng Outbound Marketing để phát triển doanh nghiệp
Cold Calls (Cuộc gọi ngẫu nhiên)
Cold Calls là hoạt động gọi điện ngẫu nhiên đến một số điện thoại bạn chưa từng tương tác trước đây. Việc này nhằm tiếp cận đến khách hàng tiềm năng với mục đích giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp và hy vọng nhận được sự quan tâm từ họ. Thông thường, các nhân viên sale (hay còn gọi là người bán hàng) sẽ gọi theo một danh sách khách hàng có sẵn.
Dường như rất khó để một ai đó cảm thấy dễ chịu với những cuộc gọi bất ngờ đến từ người mình không hề quen biết, đặc biệt là khi họ biết cuộc gọi này nhằm mục đích tiếp thị. Do đó, để tạo ra một kịch bản Cold Calls thu hút được khách hàng, hẹn gặp thành công và bán được sản phẩm/ dịch vụ không hề đơn giản.
Ưu và nhược điểm của Cold Calls:
- Ưu điểm: Dễ dàng tiếp cận và kết nối với khách hàng tiềm năng, cũng như dễ dàng thực hiện. Nhân viên sale có thể triển khai cuộc gọi bất kể địa điểm hay thời gian, không bị phụ thuộc vào Internet.
- Nhược điểm: Một cuộc gọi đột xuất dễ khiến khách hàng cảm giác bị làm phiền, hiệu quả không ổn định khi tỷ lệ chuyển đổi tương đối thấp. Ngoài ra, trung bình một cuộc gọi tư vấn có thể kéo dài khá lâu để thuyết phục được khách hàng, và dĩ nhiên họ không dễ dàng chi tiền chỉ với một cuộc gọi.
Cold Emails (Email ngẫu nhiên)
Tương tự như Cold Calls, đối tượng của Cold Emails là những khách hàng chưa từng tương tác với thương hiệu trước đây, thậm chí không biết đến thương hiệu. Đây có lẽ là cách đơn giản nhất để tiếp cận khách hàng tiềm năng vì doanh nghiệp đang gửi email trực tiếp đến họ với mục tiêu tiếp cận, thu hút sự chú ý và giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ. Justin McGill – nhà sáng lập Lead Fuze, đã sử dụng chiến lược Cold Emails để đạt được MRR (Monthly Recurring Revenue – doanh thu định kỳ hàng tháng) là 30.000$ trong vòng 12 tháng.
Một số lưu ý khi triển khai chiến lược Cold Emails:
- Đồng nhất tiêu đề với nội dung, không sử dụng tiêu đề gây nhầm lẫn.
- Tập trung vào nhu cầu của khách hàng, đặt mình vào vị trí của họ.
- Nội dung thông điệp súc tích, dễ đọc.
- Sử dụng CTA (Call To Action) – Lời kêu gọi hành động.
Flyers (Tờ rơi)
Tờ rơi không còn quá xa lạ khi chúng ta gặp chúng thường xuyên tại các địa điểm đông đúc người qua lại. Để hoạt động này hiệu quả, nội dung trên tờ rơi cần mang lại giá trị cho người xem, có thể là chương trình khuyến mãi hoặc quyền truy cập vào nội dung độc quyền,… Mặc dù xác suất để khách hàng nhận và đọc tờ rơi của bạn không cao, thế nhưng cách này vẫn được một số thương hiệu lớn sử dụng, đặc biệt trong ngành F&B như Highlands hay Jollibee.
Tờ rơi có thể tiếp cận đến khách hàng tiềm năng một cách trực tiếp và nhanh chóng. Các thương hiệu thường dùng cách này để quảng bá chương trình khuyến mãi đến những nơi đối tượng mục tiêu thường hay lui tới.
Billboard Ads (Biển quảng cáo ngoài trời)
Billboard Ads là những biển quảng cáo ngoài trời với kích thước vô cùng lớn, được đặt trên cùng của một cột trụ hình chữ T. Đa số các biển quảng cáo này thường xuất hiện tại những nơi sầm uất, đông đúc người tụ tập, khả năng cao được nhìn thấy. Điểm chung của các Billboard Ads là nhắm đến người đi đường, họ có thể ngẫu nhiên nhìn thấy khi đang dừng đèn đỏ, đang chạy bộ ngang qua chúng hay đang chờ một chiếc taxi chẳng hạn.
Yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của một Billboard Ads chính là sự độc đáo và sáng tạo. Bạn đặt chúng tại một nơi đông người không có nghĩa quảng cáo của bạn sẽ được chú ý. Họ có thể nhìn thấy, cũng có thể sẽ chóng lãng quên. Một biển quảng cáo hấp dẫn chẳng những thu hút người xem mà còn khiến họ lan truyền đến bạn bè, người thân hay đồng nghiệp…
Marketers cần lưu ý những gì khi triển khai chiến dịch Outbound Marketing?
Sử dụng đa kênh
Outbound Marketing hoạt động trên nhiều kênh khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như ngân sách hay đặc thù sản phẩm/ dịch vụ,… mà doanh nghiệp có thể cân nhắc và lựa chọn kênh phù hợp. Rất khó để có thể xác định đúng đâu là kênh hoạt động hiệu quả, do đó, nếu doanh nghiệp chỉ chú trọng vào một kênh có thể sẽ không mang lại hiệu quả tốt nhất, song song với đó là tốn kém thời gian và chi phí. Một số kênh phổ biến có thể kể đến như email, thư trực tiếp, mạng xã hội,… Nên sử dụng nhiều kênh khác nhau để có thể tối đa hóa phạm vi tiếp cận và tương tác với khách hàng tiềm năng.
Xem thêm: 10 kênh Marketing giúp doanh nghiệp trở nên nổi bật
Hiểu rõ đối tượng mục tiêu
Bất kỳ một chiến dịch Marketing nào cũng đều đòi hỏi Marketer phải hiểu được đối tượng mình đang nhắm đến là ai, nhu cầu và sở thích của họ là gì. Điều này giúp bạn tạo ra các chiến dịch hiệu quả hơn, tiếp cận đến đúng người và thúc đẩy chuyển đổi. Ngoài ra, đây cũng chính là bước để bạn có thể lựa chọn nên sử dụng loại kênh nào cho chiến dịch của mình.
Đặt mục tiêu có thể đo lường
Trước khi bắt đầu triển khai chiến dịch, hãy đảm bảo bạn đã đặt mục tiêu hợp lý, có thể dựa vào các chỉ số đo lường để đánh giá, giúp bạn theo dõi tiến trình và tỷ lệ thành công của mình. Qua đó, bạn cũng có thể xem xét đến các khó khăn trong quá trình chiến dịch diễn ra, bạn đã mắc những lỗi như thế nào và liệu có cần điều chỉnh để chiến dịch đạt kết quả tốt nhất.
Theo dõi kết quả thường xuyên
Liên tục theo dõi kết quả của chiến dịch để bạn có thể xác định đâu là điểm cần cải thiện và đâu là điểm mình có thể đầu tư thêm. Các số liệu chính cần phải chú ý bao gồm tỷ lệ chuyển đổi và ROI (Return On Investment – tỷ suất hoàn vốn). Cuối cùng, đừng quên bạn cần phải lên kế hoạch theo dõi sau khi đã tiếp cận được khách hàng. Bạn có thể nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng hoặc nhắm mục tiêu lại những người ban đầu thể hiện sự quan tâm nhưng không chuyển đổi.
Không chỉ Outbound Marketing, bất kỳ chiến dịch tiếp thị nào cũng cần thời gian nghiên cứu và lập kế hoạch phù hợp trước khi triển khai nhằm thu về kết quả tốt nhất. Điều này đòi hỏi các Marketers cần có kiến thức vững vàng, am hiểu thị trường và người tiêu dùng, liên tục đổi mới để theo kịp xu hướng. Đặc biệt giữa thời đại công nghệ lên ngôi, Digital trở thành một kênh đã và đang được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Song song với đó, Digital Marketing cũng trở thành một trong những ngành được quan tâm nhất hiện nay.
Trở thành Digital Marketer dẫn đầu xu thế cùng VTC Academy
Tự hào với hơn 12 năm nuôi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực Digital Marketing, Công nghệ thông tin và Thiết kế, VTC Academy cung cấp đến học viên môi trường học tập hiện đại cùng chương trình giảng dạy chuyên sâu, hỗ trợ giáo trình tiếng Anh, khả năng ngoại ngữ đầu ra của học viên tương đương 6.0 IELTS.
Tại đây, bạn sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, kỹ năng làm việc thành thạo với khóa học Digital Marketing Full-Stack. Ngoài ra, khóa học còn tích hợp 60% chương trình giảng dạy từ DMI (Digital Marketing Institute) – Tổ chức dẫn đầu thế giới về đào tạo Digital Marketing, đảm bảo học viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin ứng tuyển vào bất kỳ doanh nghiệp nào. Hơn hết, VTC Academy cam kết 100% học viên ra trường có việc làm, ký kết hợp tác tuyển dụng cùng nhiều doanh nghiệp lớn, học viện sẽ là cầu nối giúp các bạn có cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc cùng các chuyên gia hàng đầu trong ngành.
Hy vọng, qua các thông tin VTC Academy cung cấp, bạn có thể hiểu rõ Outbound Marketing là gì và nguyên nhân khiến lối Marketing này không còn được các Marketers hiện đại lựa chọn. Chúc các bạn thành công trên con đường chinh phục sự nghiệp Digital Marketing nói riêng và Marketing nói chung nhé!
Tài liệu tham khảo
- What is Outbound Marketing? – Mailchimp
https://mailchimp.com/resources/outbound-marketing/
- Outbound Marketing là gì? Liệu loại hình này đã lỗi thời? – Glints
https://glints.com/vn/blog/outbound-marketing-la-gi/#.Y-H9HXZBx48
- The advantages and disadvantages of Outbound Marketing – Zoho
https://www.zoho.com/en-au/tech-talk/outbound-marketing-advantages-disadvantages.html
- How to use an Outbound Marketing strategy for business? – Lapaas